Gánh nặng trọng trách của G7

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) lần thứ 50 diễn ra từ ngày 13 đến 15-6 tại khu nghỉ dưỡng Borgo Egnazia ở miền Nam Italy. Chương trình nghị sự bao gồm những vấn đề nóng như cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông, cùng những thách thức của trí tuệ nhân tạo (AI)...

Hội nghị thượng đỉnh G7 được đánh giá là cơ hội để các nước phát triển hàng đầu thế giới cùng các đối tác tìm kiếm giải pháp chung cho những thách thức toàn cầu.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni-nước Chủ tịch G7, cho biết: “G7 sẽ xác nhận sự ủng hộ của mình đối với Ukraine và tiếp tục nỗ lực để đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài. Chúng ta sẽ giải quyết xung đột ở Trung Đông, nỗ lực ngăn chặn căng thẳng leo thang, khôi phục hòa bình, ổn định và an ninh trên toàn khu vực. Chúng ta sẽ giải quyết những thách thức lớn của thời đại, từ mối quan hệ giữa khí hậu-năng lượng cho đến an ninh lương thực. Cùng nhau, chúng ta sẽ đặt nền móng để xây dựng mối quan hệ bình đẳng mới và cùng có lợi với các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi”.

Chủ tịch G7 cam kết hành động hết sức mình vì một tương lai công bằng, bền vững và lành mạnh cho tất cả mọi người và ở tất cả mọi nơi.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 13-6 tại Italy. Ảnh: AP

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 13-6 tại Italy. Ảnh: AP

Trong khi đó, theo AP, chống lại tình trạng dư thừa năng suất của Trung Quốc, sử dụng tài sản đóng băng của Nga để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine đồng thời giải quyết các thách thức chung toàn cầu như cơ sở hạ tầng, di cư và AI... là những mục tiêu của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi tham dự hội nghị.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người hai lần tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 liên tiếp, mong đợi "những quyết định quan trọng" được đưa ra tại diễn đàn này. Theo AFP, trên Telegram, ông Zelensky nhấn mạnh phần lớn hội nghị sẽ được dành để thảo luận vấn đề Ukraine, khả năng phục hồi quốc phòng và kinh tế của nước này.

Một trong những vấn đề sẽ được quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh G7 là việc dùng tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine, đã sớm cho thấy kết quả. Ngày 12-6, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ USD vào cuối năm nay, thỏa thuận đạt được trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7. Trong khi đó, Nga nhiều lần tuyên bố bất kỳ động thái nào chuyển hướng lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của nước này đều là “hành vi chiếm đoạt tài sản”, vi phạm các quy tắc và chuẩn mực của hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế.

Diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng toàn cầu của G7 đang đối mặt với nhiều thách thức, áp lực lấy lại vai trò và vị thế quan trọng của mình như trước đây đang đặt gánh nặng lên hội nghị thượng đỉnh lần này của nhóm. Không phải ngẫu nhiên mà chương trình nghị sự lại bao gồm các trọng tâm là châu Phi-lục địa đang đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng kèm theo đó là cơ hội toàn cầu, vấn đề Trung Đông, biến đổi khí hậu và AI...

Ngoài thành viên các nước G7, đại diện từ 10 quốc gia khác gồm Algeria, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Jordan, Kenya, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng được mời tham dự hội nghị. Tổng thư ký Liên hợp quốc cùng những người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Phi và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng là những khách mời quan trọng.

Dù không phải là diễn đàn đưa ra các quyết định, song Hội nghị thượng đỉnh G7 được coi là một diễn đàn chính sách toàn cầu quan trọng khi 7 quốc gia thành viên nằm trong số 9 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, 7 trong số 15 quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, 7 trong số 10 nhà xuất khẩu hàng đầu và 7 trong số 10 nhà tài trợ hàng đầu của Liên hợp quốc.

Cho dù tập hợp được những quốc gia và thành phần tham dự quan trọng, nhưng với một chương trình nghị sự được cho là mở rộng hơn so với các lần hội nghị trước đây, triển vọng thúc đẩy các mục tiêu tham vọng mà hội nghị đặt ra trở nên không mấy sáng sủa. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, dù sao diễn đàn này cũng là nơi để các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cùng nhau nỗ lực tìm kiếm tầm nhìn chung và giải pháp cho những vấn đề toàn cầu cấp bách mà không một quốc gia nào có thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ganh-nang-trong-trach-cua-g7-5011709.html