Gạo Pakistan đắt hàng sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ

Pakistan đang bán ra số lượng gạo kỷ lục cho thị trường toàn cầu nhờ hưởng lợi từ lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ.

Theo số liệu thống kê chính thức, xuất khẩu gạo từ Pakistan đã tăng lên gần 5,6 triệu tấn trong 11 tháng tính đến cuối tháng 5/2024, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước đó. Giá trị xuất khẩu gạo của Pakistan đã tăng lên 3,6 tỷ USD trong cùng giai đoạn này, so với mức 2 tỷ USD ghi nhận từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023.

Kỷ lục trước đó của nước này là xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo với trị giá khoảng 2,5 tỷ USD trong năm 2021-2022.

Số liệu thống kê công bố ngày 11/6 cũng cho thấy Pakistan đã sản xuất gần 10 triệu tấn gạo trong chín tháng tính đến cuối tháng 3/2024, tăng đáng kể so với 7,3 triệu tấn ghi nhận vào cùng kỳ năm 2022-2023.

Đối với Pakistan, nguồn thu tăng bất ngờ và sự phục hồi trong sản xuất đã mang lại nguồn ngoại hối rất cần thiết cho đất nước 240 triệu dân, vốn đang vật lộn với lạm phát ở mức hai con số, tăng trưởng kinh tế yếu và nợ công tăng vọt.

Sự bùng nổ này diễn ra sau khi Ấn Độ hồi tháng 7/2023 áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo. Đây là nỗ lực kiềm chế giá gạo nội địa tăng trước cuộc bầu cử Quốc hội Ấn Độ, sau khi thời tiết bất lợi làm gián đoạn sản xuất và làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung gạo.

Thông tin trên đã đẩy giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong thập kỷ qua. Các nước nghèo ở châu Phi, nơi thường mua gạo số lượng lớn từ Ấn Độ, bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.

Ông Elvis John, một quản lý cấp cao về thị trường nông nghiệp của công ty dữ liệu S&P Global Commodity Insights, cho biết lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã đưa Pakistan nổi lên như một lựa chọn thay thế chi phí thấp. Nhiều thị trường nhạy cảm về giá ở châu Phi đã chuyển sang Pakistan để đáp ứng nhu cầu gạo của mình.

Công ty xuất khẩu gạo Latif Rice Mills tại Pakistan cho biết nhu cầu và đơn đặt hàng từ Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á đã gia tăng. Đây là những khu vực mà gạo có nguồn gốc từ Ấn Độ thường chiếm ưu thế.

Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Pakistan có thể còn cao hơn nữa nếu các tuyến vận chuyển không bị gián đoạn bởi những diễn biến phức tạp trên Biển Đỏ, khi xuất hiện các cuộc tấn công vào tàu thương mại tại khu vực này kể từ tháng 11 năm ngoái. Theo khảo sát kinh tế của Chính phủ Pakistan, các cuộc tấn công đó đã khiến nhu cầu về gạo Pakistan từ Trung Đông, châu Âu và Mỹ suy giảm.

Nhận định về giá gạo, ông Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cho rằng giá loại lương thực này vẫn sẽ ở mức cao cho đến khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm.

Nhưng ông cũng chỉ ra bất chấp lệnh cấm xuất khẩu, Ấn Độ vẫn tiếp tục là nhà cung cấp gạo lớn nhất toàn cầu. Tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. Đáng chú ý, Pakistan đã tăng thị phần trên thị trường từ 7% hồi năm trước lên khoảng 10% trong năm nay.

Giới phân tích cho biết Pakistan dự kiến sẽ có một vụ thu hoạch bội thu khác trong năm nay. Tuy nhiên, nông dân nước này có thể phải đối mặt với giá giảm nếu Ấn Độ chấm dứt hoặc nới lỏng đáng kể chính sách xuất khẩu. Trước đó, thị trường đã kỳ vọng Ấn Độ sẽ nới lỏng các hạn chế sau cuộc tổng tuyển cử kết thúc vào đầu tháng Sáu vừa qua.

Hương Thủy (Theo FT)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ga-o-pakistan-dat-hang-sau-lenh-cam-xua-t-kha-u-cua-an-do/337685.html