Gặp gỡ nông dân Việt Nam xuất sắc 2023
Nhắc đến nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 Nguyễn Văn Thum (Bảy Thum), ngụ xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), người dân ấp Đập Đá lại trầm trồ nể phục bởi sự cần cù, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh, đối đãi với mọi người bằng lòng nhân hậu.
Xuất thân từ gia đình đông con, ông Bảy Thum chọn mưu sinh bằng nghề mua bán lúa gạo khi mới ra riêng lập nghiệp vào năm 1989. Cũng từ đó, vợ chồng ông nếm trải không ít cơ cực trong cuộc mưu sinh với chiếc ghe quanh năm bập bềnh sông nước.
10 năm gắn bó với chiếc ghe trọng tải 9 tấn, vợ chồng ông Thum chuyên mua lúa về xay thành gạo rồi đem bán. Nghề hàng xáo nhiều vất vả bởi trước đây đường sá đi lại khó khăn, phương tiện thô sơ, lúa gạo di chuyển phần lớn chỉ có vác, chạy bộ.
“Gửi đứa con lớn mới 2 tuổi cho mẹ chồng, tôi nách con trai út mới 8 tháng tuổi cùng chồng đi ghe lúa. Không chỉ có thức khuya dậy sớm đi mua lúa, xay gạo, nhiều khi phải sàng sẩy luôn tay đến 12 giờ đêm, buồn ngủ, mệt mỏi cũng cố làm việc. Bù lại nghề này giúp gia đình tôi có được đồng lời xứng đáng với công sức”, bà Dương Thị Hai, vợ ông Thum kể.
Khi đứa con đầu lòng đến tuổi đi học, vợ chồng ông Thum quyết định về quê mở tiệm mua bán vật tư nông nghiệp vào năm 2000. Từ 100 triệu đồng tích lũy được, ông Thum vay thêm vốn ngân hàng thuê 11ha ruộng sản xuất lúa. Hễ dư được đồng nào vợ chồng ông đều tậu thêm đất ruộng. Hiện gia đình ông có 8ha ruộng canh tác lúa 3 vụ.
Vụ đông xuân 2022-2023 vừa thu hoạch xong, ông dành 400 triệu đồng đầu tư máy bay không người lái để giảm chi phí trong khâu bón phân, xịt thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài phục vụ ruộng lúa gia đình, ông Thum còn nhận làm dịch vụ cho người dân trong ấp với giá rẻ hơn thị trường.
Hiện ông Thum là chủ doanh nghiệp tư nhân Thum - Kim Hai tại chợ xã Tân Hội. Ông Thum chia sẻ: “Tôi cũng là nông dân nên tôi hiểu rằng để làm ra hạt lúa, bó rau là bao mồ hôi, công sức. Vì vậy mà trong kinh doanh, tôi luôn đặt chữ tín làm đầu, giữ đạo đức trong mua bán thì mới tồn tại được”.
Với quan niệm như vậy, từ nhiều năm nay, cửa hàng của ông Thum trở thành địa chỉ tin cậy của nhà nông. Mỗi khi vào mùa vụ, từ mờ sáng cửa hàng bán vật tư nông nghiệp của ông Thum đã đông đúc khách hàng. Người mua chai thuốc trừ sâu, người nhờ ông tư vấn cách trừ rầy nâu, nhện gié, ốc bươu vàng…
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Thum đành bỏ dở việc học khi vừa xong lớp 6. Để nâng cao trình độ, ông Thum học bổ túc rồi tiếp tục lấy được chứng nhận đủ điều kiện mua bán vật tư nông nghiệp. Ông Thum nói: “Tôi làm việc gì cũng luôn nỗ lực hết sức, nhờ vậy mà việc gì cũng thành công”.
Mát tay với cây lúa, làm dịch vụ nông nghiệp, ông Thum thành công trong nghề dẫn dụ chim yến, thu về mỗi năm gần 500 triệu đồng. Để không làm ảnh hưởng tới người dân xung quanh, ông Thum đầu tư công nghệ hiện đại trang bị nhà nuôi yến với tổng kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh, gia đình ông thu về gần 2 tỷ đồng/năm.
Tấm lòng thơm thảo của vợ chồng ông Thum đối với xóm giềng được gói ghém trong những quyển tập, bộ đồng phục cho học sinh nghèo hay những căn nhà tình thương, mớ gạo dành cho những hoàn cảnh khốn khó.
Bận bịu là vậy, nhưng ông Thum luôn chú trọng việc thư giãn, thể dục, thể thao. Ông dành một phần sân thượng và khoảng đất trống quanh nhà để trồng các loại mai vàng, cây kiểng rồi tự tay tạo dáng bonsai để tăng giá trị, thỉnh thoảng ông còn “ẳm” giải cao tại các cuộc thi sinh vật cảnh do tỉnh và TP. Rạch Giá tổ chức.
Bài và ảnh: AN LÂM
Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/thoi-su/gap-go-nong-dan-viet-nam-xuat-sac-2023-16145.html