GẶP MẶT, TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH GIỮA CÁC ĐOÀN ĐBQH TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Chiều tối 22/5, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tổ chức gặp mặt và trao đổi kinh nghiệm hoạt động chuyên trách giữa các Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng các ĐBQH là Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là hoạt động thiết thực nhằm gắn kết hơn nữa các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, nơi hun đúc nên truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nêu rõ, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Đồng thời, phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị.

Để thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW, trong chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng liên quan đến Thủ đô Hà Nội như: Đề án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; xem xét thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng các Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng các Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhấn mạnh đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô cũng như sự phát triển chung của cả nước, Trưởng Ban Công tác đại biểu mong muốn, với trách nhiệm của mình, các đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng, góp ý kiến cụ thể, xác đáng trước khi bấm nút thông qua văn bản pháp lý quan trọng này.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị TP. Hà Nội chủ động, sớm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai thi hành Luật và Đề án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội bảo đảm đồng bộ, hiệu quả. UBND TP. Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm tháo gỡ khi thực hiện cơ chế tự chủ, đề án sử dụng tài sản công, đa dạng hóa nguồn thu, huy động tối đa nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển tổ chức các hoạt động dịch vụ theo quy định của pháp luật để phục vụ tốt khách tham quan di tích, nhất là khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn.

Thay mặt lãnh đạo TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Thành phố đã tổ chức bảo tồn, khai thác để nâng cao giá trị văn hóa qua việc giới thiệu tới bạn bè Quốc tế về văn hóa, lịch sử của Việt Nam, của Thủ đô; luôn chọn Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tổ chức “Lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội”, “Lễ khuyến học, dâng hương” nhằm khích lệ tinh thần học tập, khơi dậy niềm tự hào và vinh dự đối với các em học sinh, sinh viên của Thủ đô. Đây cũng là một di tích thể hiện rõ việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác bảo tồn di sản theo Luật Di sản.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội mong rằng, các đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ xem xét kỹ lưỡng, góp ý thẳng thắn vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để Luật có chất lượng cao nhất khi được thông qua, góp phần phát triển Thủ đô Hà Nội như Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra./.

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86996