Gặp 'nữ nghệ nhân' thổi hồn cho dân ca Khu 5 xứ Quảng

Trong màn đêm tĩnh lặng, hòa vào tiếng rả rích của côn trùng và tiếng 'ọt ệch' của ếch nhái ăn đêm, tiếng hát dân ca Khu 5 của ai vang lên mượt mà, não nùng, sâu lắng từ xóm Thượng Phước, thôn 2, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đó là giọng hát của chị Bùi Thị Hải, 67 tuổi, người đã say mê dân ca Khu 5 từ thuở ấu thơ.

Chị Hải đang hát dân ca Khu 5 cho chúng tôi nghe

Chúng tôi đến Thượng Phước vào một ngày nắng vàng như mật trải dài trên ruộng đồng, làng mạc của vùng quê nắng gió xứ Quảng.

Làng Thượng Phước, với những hàng cau, khóm chuối, bụi bờ nép mình hai bên con đường bê tông, vang lên tiếng dân ca từ cánh đồng, bờ tre, nương ngô, của các bà, các chị, các mẹ trong làng.

Chị Hải, lớn lên trong vùng quê giàu truyền thống cách mạng và văn hóa, đã thấm nhuần sự tinh túy của dân ca Khu 5 từ khi còn nằm nôi. Nghe mẹ, anh chị, cô bác trong làng hát, chị thuộc nhiều làn điệu dân ca và mê mẩn từ lúc nào không hay.

Sinh ra và lớn lên tại Thượng Phước, Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam; chị Hải theo cách mạng từ năm 17 tuổi, làm giao liên nội tuyến Ban Binh vận đặc khu ủy Quảng Đà.

Sau ngày thống nhất đất nước, chị học bổ túc văn hóa và tốt nghiệp lớp 9. Chị từng phụ trách nhà ăn của Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy, và sau khi về hưu, chị làm công tác phụ nữ tại địa phương.

Chị Hải trong khu vườn nhà

Không chỉ sưu tầm và giữ gìn những làn điệu dân ca xứ Quảng, chị Hải còn sáng tác và biểu diễn với các chủ đề thời sự như ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, sự nghiệp đổi mới của đất nước, phòng chống tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, đại dịch Covid-19, và phong trào phụ nữ.

Chị Hải kể, chị bắt đầu “khởi nghiệp” dân ca vào năm 1979 khi Huyện đội Đại Lộc tổ chức hội thao quốc phòng, và chị đã viết lời, trình bày tiết mục song ca dân ca “Tạm biệt lúc lên đường”, giành giải Nhất.

Được sự động viên của đơn vị, gia đình, bạn bè, chị Hải viết lời và biểu diễn hơn 300 tiết mục dân ca, kịch, tiểu phẩm, tấu hài, hoạt cảnh dân ca... Những tác phẩm của chị không chỉ biểu diễn ở xã, huyện, tỉnh mà còn lay động hàng ngàn con tim yêu dân ca xứ Quảng.

Năm 2016, tác phẩm “Bàn tay vàng tài tử” của chị Hải được Hội Người mù huyện Đại Lộc trình diễn, giành Huy chương Vàng và được trình diễn tại Hà Nội.

Được sự cho phép và khuyến khích của các cấp các ngành địa phương, năm 2011, chị Hải sáng lập Câu lạc bộ Dân ca bài chòi xã Đại Hòa với 15 thành viên, vừa sáng tác vừa biểu diễn. Trước khi đại dịch xảy ra, Câu lạc bộ Dân ca bài chòi sinh hoạt và biểu diễn đều đặn hàng tháng.

Chị Hải còn truyền dạy nghệ thuật hát dân ca cho nhiều thế hệ và sáng tác hơn 100 tác phẩm dân ca về phong trào phụ nữ ở địa phương.

Với đam mê dân ca, chị Hải đã đào tạo gần 100 diễn viên từ mẫu giáo đến người cao tuổi ở Đại Lộc, Quế Sơn. Nhiều sinh viên khoa ngữ văn đã đến gặp chị để tìm hiểu về văn hóa, văn nghệ dân gian, dân ca Khu 5.

Chị còn viết hai tác phẩm dân ca “Con người của đất Hòa Vang” và “Bài ca bên bến sông Hàn”, được in trong sách “Cuộc chiến trong lòng địch” do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng ấn hành năm 2009.

Chị Hải (bìa phải) đang tập luyện hát dân ca

Kho tàng dân ca Khu 5 của chị Hải có nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ, như “Bác về thăm lại làng Sen” (1993), “Rước đuốc Bác Hồ” (1985), “Làm theo lời Bác”... Chị cũng sáng tác và biểu diễn nhiều về người cao tuổi, như “Những ngày còn lại”, “Sống vui sống khỏe”. Năm 2010, tiết mục “Hát về Đà Nẵng thân yêu” của chị trong Hội thi Liên hoan Văn nghệ người cao tuổi quận Hải Châu đạt giải Nhì.

Trong đợt chống dịch Covid-19 năm 2020, chị sáng tác tác phẩm “Bác sĩ thành phố Hải Phòng cạo đầu chống dịch” và hướng dẫn cô Ngọc Nữ trình diễn trên YouTube, Facebook, lay động lòng người.

Nhóm văn nghệ mê hát dân ca Khu 5 đang tập luyện

Với những đóng góp của mình, chị Hải nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành về công tác gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát dân ca Khu 5. Khi được hỏi về dự định tương lai, chị Hải mong muốn có sức khỏe để khai thác thêm tư liệu và chuyển thể qua dân ca Khu 5, in thành tập sách cho thế hệ trẻ tập luyện. Mong ước giản dị ấy hy vọng sẽ sớm được thực hiện, để những làn điệu dân ca Khu 5 mượt mà sâu lắng mãi được lưu giữ và phát huy trong đời sống hiện đại.

Các bậc cao niên ở xã Đại Hòa cho hay, giọng ca và sáng tác của chị Hải có tính giáo dục cao, góp phần làm mọi người, nhất là lớp trẻ thêm yêu quê hương, đất nước, con người. Những người chây lười lao động sau khi nghe chị hát dân ca đã dần hướng thiện, thói hư tật xấu ngày càng xa lánh, góp phần mang lại một xã hội hoàn thiện, xóm làng thêm phát triển, an vui và hạnh phúc./.

Tiên Sa

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/gap-nu-nghe-nhan-thoi-hon-cho-dan-ca-khu-5-xu-quang-a26271.html