Gầu Tào - lễ hội đặc sắc của đồng bào Mông
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc biệt, Lễ hội Gầu Tào được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Gầu Tào” theo tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi”. Tùy từng vùng người Mông, lễ hội được tổ chức vào các ngày khác nhau của tháng Giêng để cầu cảm tạ thần linh, xin trời đất ban cho con cái, sức khỏe, may mắn để làm ăn và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng chứng nhận Di sản Văn hoa phi vật thể quốc gia cho Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Nông Việt Yên cùng đại diện cộng đồng chủ thể di sản của 3 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn.
Theo truyền thuyết dân gian của người Mông, trước đây, những cặp vợ chồng nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, mà muốn sinh được người con như ý muốn, thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được người con như ý và hứa sẽ tạ ơn.
Khi đã có được người con như mong muốn, gia đình đó sẽ tổ chức lễ để tạ ơn thần núi, thần đồi như đã hứa và mổ trâu để khao dân bản ngay tại bãi đất bằng của quả đồi, quả núi mà gia đình đó đã cầu con. Sau khi mọi người cùng nhau ăn uống sẽ chơi các trò chơi, hát các bài hát dân ca, múa khèn, múa ô, múa gậy vui vẻ để mừng cho gia chủ. Nguồn gốc của Lễ hội Gầu Tào cũng bắt đầu từ đó.
Trong không khí tưng bừng của những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, ngày 15/2, huyện Trạm Tấu tổ chức Lễ hội Gầu Tào năm 2025, gồm phần lễ và phần hội.
Trong phần lễ, cây nêu là biểu tượng chính, là “phần hồn” của sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống và là nghi lễ đặc sắc được chú ý nhất trong lễ hội.
Trước khi chặt cây nêu, nghệ nhân Giàng A Su chọn ngày, giờ xong mới tiến hành chặt, không được để cây chạm đất mà phải hạ cây nêu từ từ xuống và phân công người thay nhau khênh, vác đưa về sân vận động để dựng. Cây nêu được dựng về phía mặt trời mọc và đó là cầu thang giúp người Mông đưa lời cầu khẩn của gia chủ đến được các vị thần ở trời cao.
Khi cây nêu đã dựng xong, dưới gốc cây đặt một chiếc bàn gỗ nhỏ để lễ vật dâng cúng. Lễ vật gồm giấy bản, 1 bát gạo, 1 bát nước, 1 bầu rượu, 8 chén nứa được chia đều đặt ở 4 góc bàn lễ và ống nứa dài dùng để đựng rượu; đặc biệt lễ vật không thể thiếu là con gà trống.
Sau phần lễ đến phần hội, đây là thời điểm người dân và du khách vui chơi và giải trí, tổ chức các hoạt động thể thao, trò chơi hấp dẫn như: Thi giã bánh giầy, đánh cù quay, kéo co, đẩy gậy, đánh cầu lông gà, ném pao cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật như múa khèn, tấu sáo, kéo nhị, hát đối, hát giao duyên, đàn môi, kèn lá diễn ra sôi nổi.
Đây là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu, vui chơi, hát các điệu hát giao duyên và cùng nhau múa khèn, mời nhau uống chén rượu đầu xuân năm mới.
Kết thúc lễ hội là nghi lễ tạ và hạ cây nêu. Khi cây nêu được hạ xuống hướng về phía mặt trời lặn, đi ra sông suối, biển cả với quan niệm ngăn chặn những điều không may mắn, không tốt với người dân, giúp cho người dân năm mới mưa thuận, gió hòa, sản xuất phát triển, nhân dân có nhiều sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình an.

Thiếu nữ Mông rạng rỡ trong bộ trang phục truyền thống đi chơi hội.
Thời gian tới, huyện Trạm Tấu cam kết sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực phát huy và thực hành di sản thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá Lễ hội Gầu Tào gắn với phát triển du lịch văn hóa cộng đồng; tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện để đồng bào Mông duy trì tổ chức, truyền dạy lễ hội, bảo tồn các nghi lễ truyền thống.
Trạm Tấu là huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái, nơi hội tụ nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc. Trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 79%, sinh sống tại 10 xã vùng cao với những di sản văn hóa truyền thống, đậm đà giá trị nhân văn sâu sắc.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gau-tao-le-hoi-dac-sac-cua-dong-bao-mong-304522.html