Giá dầu đảo chiều tăng nhẹ trong phiên 17/7
Sáng 17/7, giá dầu giao dịch trên thị trường thế giới phục hồi nhẹ sau khi sụt giảm trong kết phiên trước đó, tác động xoay quanh gồm dữ liệu kinh tế khả quan hơn từ các nước tiêu thu dầu lớn và căng thăng thương mại hạ nhiệt.

Ảnh minh họa: Moritz Kindler/Unsplash
Mở cửa phiên, giá dầu Brent tăng 27 cent, tương đương 0,39% so với tham chiếu, lên mức 68,79 USD/thùng; dầu thô WTI cũng tăng 31 cent, tương đương 0,47%, lên 66,69 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giảm hơn 0,2% trong kết phiên trước đó, xuống còn 68,52 USD/thùng với dầu Brent và 66,38 USD/thùng với dầu WTI.
Reuters dẫn nhận định từ ông John Paisie - Chủ tịch của Stratas Advisors (có trụ sở chính tại Mỹ): “Thị trường được hỗ trợ bởi tin tức tích cực liên quan đến việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, khi Tổng thống Trump dỡ bỏ lệnh cấm bán chip AI cho Trung Quốc, đồng thời công bố một thỏa thuận thương mại với Indonesia".
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ lạc quan mới về khả năng đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh liên quan đến các loại thuốc bất hợp pháp. Ông cũng gợi ý rằng một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ đang ở rất gần, trong khi khả năng đạt được một thỏa thuận với châu Âu cũng được xem xét.
Mặt khác, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết hôm 16/7, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 3,9 triệu thùng xuống còn 422,2 triệu thùng trong tuần trước – mức giảm lớn hơn nhiều so với dự báo 552.000 thùng trước đó. Điều này cho thấy hoạt động lọc dầu tại Mỹ gia tăng, nguồn cung thắt chặt và nhu cầu nhiều hơn đối với dầu thô.
Ở chiều kém tích cực với nền kinh tế Mỹ, báo cáo kinh tế mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), công bố hôm 16/7, hoạt động kinh tế đã được cải thiện trong vài tuần gần đây. Tuy vậy, triển vọng lại “từ trung lập đến hơi bi quan” khi các doanh nghiệp cho biết thuế nhập khẩu cao hơn đang gây áp lực tăng giá.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, dù tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý 2 nhưng mức giảm lại không nghiêm trọng như lo ngại trước đó, một phần nhờ hoạt động nhập hàng sớm để tránh thuế quan từ Mỹ. Điều này giúp xoa dịu những lo ngại về tình hình kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Trong tháng 6/2025, sản lượng lọc dầu của quốc gia Đông Á đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh nhu cầu nhiên liệu gia tăng.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-dau-dao-chieu-tang-nhe-trong-phien-177-43852.html