Giá dầu thế giới biến động
Giá dầu thô Brent có lúc giảm xuống còn 86,44 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 14-8 (giờ địa phương) trong khi giá dầu WTI giảm còn 82,96 USD/thùng.
Đây là hệ quả do lo ngại về sự phục hồi kinh tế đang chững lại của Trung Quốc và giá đồng USD mạnh lên.
Dù giảm giá trong phiên giao dịch đầu tuần nhưng giá dầu vẫn duy trì ở mức cao so với những tháng trước. Theo Reuters, việc đồng USD mạnh lên đã gây áp lực lên nhu cầu dầu mỏ, khiến mặt hàng này đắt đỏ hơn đối với những bên mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo hằng tháng hôm 11-8 rằng việc cắt giảm nguồn cung của Ả Rập Saudi và Nga, các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga (OPEC+), dự kiến làm giảm dự trữ dầu toàn cầu khoảng 2,2 triệu thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm nay. Động thái này góp phần đẩy giá dầu lên cao hơn.
Tuy nhiên, IEA cũng dự báo nhu cầu về dầu sẽ giảm mạnh vào năm 2024 do những khó khăn về kinh tế. IEA cho biết: "Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức khi đối mặt lãi suất tăng cao và tín dụng ngân hàng thắt chặt hơn, gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp đang chịu cảnh sản xuất và thương mại trì trệ".
Nhà phân tích Tina Teng thuộc Công ty Dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) nhận định sự phục hồi kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và đồng USD mạnh hơn có thể làm giảm giá dầu nhưng OPEC+ đã phát tín hiệu sẽ siết chặt nguồn cung và ổn định thị trường.
Trong khi đó, đồng rúp của Nga đã giảm xuống mức 100,9950 rúp đổi 1 USD, mức thấp nhất trong gần 17 tháng qua và đã mất giá khoảng 30% so với đồng bạc xanh kể từ đầu năm.
Ông Maxim Oreshkin, cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, cho rằng nguyên nhân chính khiến đồng rúp suy yếu và đẩy nhanh lạm phát là chính sách nới lỏng tiền tệ.
Theo ông, ngân hàng trung ương Nga có tất cả công cụ cần thiết để bình thường hóa giá đồng rúp trong tương lai gần và bảo đảm lãi suất cho vay giảm xuống mức bền vững.
Cố vấn kinh tế này nói thêm đồng rúp suy yếu sẽ làm phức tạp tiến trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập thực tế của người dân.
Ngân hàng trung ương Nga hồi tuần trước cũng tạm dừng mua ngoại tệ trong thời gian còn lại của năm 2023 nhằm hỗ trợ đồng nội tệ. Tuy nhiên, động thái này làm dấy lên lo ngại về lạm phát gia tăng giữa lúc Nga đối mặt với sự cô lập và các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gia-dau-the-gioi-bien-dong-20230814210009105.htm