Giá hàng hóa ổn định, trái với dự báo 'nối gót' tăng theo lương

Trái với lo ngại giá cả 'nối gót' tăng theo lương, hàng loạt hệ thống siêu thị lớn giảm giá sâu, bình ổn giá để kích cầu tiêu dùng khi sức mua trên thị trường hiện vẫn yếu.

Từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, lương hưu tăng 15%, lương tối thiểu vùng cũng tăng từ 200.000-280.000 đồng.

Trước nỗi lo giá cả hàng hóa cũng sẽ "nối gót" tăng theo tiền lương, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo kiểm soát thị trường, đưa ra các giải pháp ngăn tình trạng này để không làm mất ý nghĩa tăng lương.

Chợ ổn định giá, siêu thị khuyến mãi sâu

Ngày 24/7, PV Báo Giao thông khảo sát thực tế tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, ngoài mặt hàng rau xanh tăng giá do thời tiết xấu, mưa nhiều, khiến nguồn cung khan hiếm thì hầu hết các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, đồ khô đều giữ ở mức ổn định.

Đơn cử, tại chợ Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội), một mớ rau muống tăng lên 10-15 nghìn đồng, từ mức giá 6-7 nghìn đồng vài tuần trước; rau ngót tăng từ 10 nghìn đồng lên 15 nghìn đồng...

Chị Thảo - chủ một sạp rau tại chợ này, cho biết thời gian qua Hà Nội mưa nhiều, rau bị hỏng, nên giá các loại rau hầu như đều đắt gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với trước.

Giá rau xanh tăng mạnh do thời tiết mưa liên tục, giảm cung. Ảnh: Châu Anh.

Giá rau xanh tăng mạnh do thời tiết mưa liên tục, giảm cung. Ảnh: Châu Anh.

Còn lại, giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu khác tại chợ này đều giữ ổn định. Đơn cử như gà lông được bán với giá 130.000 đồng/kg, không tăng so với tháng trước. Thịt bò thăn giá 280 nghìn đồng/kg, thịt dải 180-200 nghìn đồng/kg. Thịt lợn giá 130-140 nghìn đồng/kg. Chị Hạnh, chủ cửa hàng thực phẩm chợ Nam Đồng, cho biết, giá thịt bò giữ nguyên 3 năm qua, còn giá thịt lợn chỉ nhích nhẹ do dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở một số địa phương...

Theo quan sát của PV, giá thực phẩm ở các chợ khác cũng dao động xung quanh ngưỡng trên, không biến động nhiều.

Trong khi đó, các hệ thống bán lẻ lớn đồng loạt "tung" khuyến mãi để thu hút khách.

Cụ thể, chuỗi bán lẻ thuộc Tập đoàn Central Retail gồm GO!, Big C, Tops Market, Nguyễn Kim… đang giảm giá sâu với hàng nghìn sản phẩm.

Ngoài ra, hệ thống này cũng đẩy mạnh chương trình "Giá luôn luôn rẻ hơn" từ nay đến cuối năm với trên 2.000 sản phẩm. Và áp dụng thêm chương trình giá cực sốc vào cuối tuần với các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, giảm giá tới 50%.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, chiến lược giá của Central Retail dịp này là cung cấp thực phẩm với mức giá tốt nhất cho người dân ở các hệ thống siêu thị thuộc sở hữu của tập đoàn này.

Theo mô tả của bà Vân "mức giá của hệ thống luôn thấp hơn 5% so với lựa chọn rẻ hơn kế tiếp".

Đại diện Central Retail cũng khẳng định: "Hệ thống sẽ cung cấp nhiều loại sản phẩm tươi sống có giá cạnh tranh so với chợ truyền thống, giúp cho người dân đi mua sắm giá cả tốt nhất với hàng hóa đầy đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng quốc tế".

Dịp này, hệ thống bán lẻ Saigon Co.op cũng triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán trên toàn quốc gồm: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket, Co.opOnline. Các ưu đãi lớn nối tiếp nhau, đặc biệt ưu đãi còn kéo dài đến tận cuối năm, đặc quyền thành viên.

Cụ thể như, ưu đãi từ 15-20% cho các mặt hàng ức gà phi lê, ức gà phi lê không da, đùi gà góc tư, thịt heo xay, bắp giò heo, ba chỉ bò úc đông lạnh. Giảm 10-30% các loại cá tươi sống…

Nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu giảm giá sâu tại các siêu thị lớn. Ảnh: Central Retail.

Nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu giảm giá sâu tại các siêu thị lớn. Ảnh: Central Retail.

Ngoài ra, khoảng 1.500 mặt hàng khuyến mãi đến 50% được Co.opmart, Co.opXtra tinh chọn nhằm tạo ra "bữa ăn tiết kiệm" cho khách hàng. Trong đó có gạo, các loại gia vị, nước chấm, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy hải sản, rau xanh củ quả các loại, trái cây nhiệt đới và ôn đới, các loại nước giải khát…

Tương tự, các hệ thống siêu thị lớn như WinMart, Hapro cũng khuyến mãi nhiều mặt hàng với mục đích hỗ trợ giá cho khách hàng trong dịp này.

Giảm lợi nhuận để chia sẻ với người tiêu dùng

Thực tế, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng quanh ngưỡng 10% trong bối cảnh cước vận tải và nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng vào những tháng cuối năm. Thế nhưng, các doanh nghiệp đã tìm cách giữ giá để kích cầu tiêu dùng khi sức mua trên thị trường hiện vẫn yếu.

Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho hay, để bình ổn thị trường, Hapro đã chủ động thương lượng với nhà cung cấp cùng giảm lợi nhuận, nhất là nhóm hàng tiêu dùng, qua đó chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Còn đại diện WinMart miền Bắc (đơn vị quản lý và vận hành hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích WinMart/WinMart+) cho biết, hệ thống vẫn đang cố gắng giữ giá bình ổn, không tăng giá sản phẩm.

Hiện hệ thống Winmart, Winmart+ đang thiết kế danh mục hơn 600 sản phẩm giá siêu rẻ và các chương trình ưu đãi thường kỳ cho các siêu thị, cửa hàng.

Đánh giá chung về tình hình thị trường, Bộ Công thương cho hay, hiện về nguồn cung, các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung giảm trong một số giai đoạn nên giá có biến động tăng. Tuy nhiên, do có nhiều mặt hàng thực phẩm thay thế nên giá thịt lợn không tăng đột biến, các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá biến động theo giá thế giới.

Trong thời gian tới, bộ này cho biết, sẽ cùng các bộ ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

"Để giá cả hàng hóa không tác động đến ý nghĩa tăng lương, bộ kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp tăng các chương trình khuyến mãi và bình ổn giá", Bộ Công thương thông tin.

Ngọc Diệp

Châu Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gia-hang-hoa-on-dinh-trai-voi-du-bao-noi-got-tang-theo-luong-192240723183555847.htm