Gia Lai: Phấn đấu hàng năm thu hút trên 3.000 lao động nông thôn tham gia học nghề
Đó là mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch số 744/KH-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch ký ban hành ngày 28-3-2025.
Kế hoạch số 744/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 303-KH/TU, ngày 3-1-2025 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10-7-2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại ngày hội việc làm. Ảnh: Đ.Y
Kế hoạch nhằm quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 303-KH/TU của Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và người lao động trên địa bàn tỉnh với ý nghĩa, vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Mục tiêu chung là đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, tăng năng suất lao động, tạo việc làm, ổn định thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu hàng năm thu hút trên 3.000 lao động nông thôn tham gia học nghề ở các cấp trình độ thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trên địa bàn tỉnh đạt 25% vào năm 2030.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo và đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo; bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.