Giá nhà ở tại Đức giảm với tốc độ kỷ lục

Giá bất động sản nhà ở tại nước này trong quý III/2023 đã giảm trung bình 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ khi những dữ liệu này được thu thập từ năm 2000.

Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 22/12 cho biết giá bất động sản nhà ở tại nước này trong quý III/2023 đã giảm trung bình 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ khi những dữ liệu này được thu thập từ năm 2000.

Giá nhà giảm nhiều nhất được ghi nhận ở các thành phố lớn như Berlin, Hamburg, Munich, Cologne, Frankfurt am Main, Stuttgart và Dusseldorf. Tại những thành phố này, giá nhà đơn lập và nhà hai căn hộ giảm 12,7%, trong khi giá căn hộ chung cư giảm 9,1%.

Nhu cầu giảm do lãi suất và chi phí tài chính cao đã khiến giá bất động sản giảm trong nửa đầu năm nay. Trong quý I và quý II/2023, giá bất động sản nhà ở giảm lần lượt 6,8% và 9,6%.

Chuyên gia Konstantin A. Kholodilin từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức ngày 20/12 cho biết bong bóng đầu cơ giá đã xuất hiện ở Đức cho đến năm 2022, một trong những bong bóng lớn nhất trong 50 năm qua. Kể từ đó, giá cả liên tục giảm và bong bóng giờ đây đã “vỡ”.

Ngành xây dựng và bất động sản của Đức đã bước vào thời kỳ khủng hoảng. Theo tập đoàn bảo hiểm Allianz, tình trạng mất khả năng thanh toán trong lĩnh vực này trong thời gian từ tháng 1-8/2023 đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giám đốc điều hành của Allianz Trade ở Đức, Áo và Thụy Sỹ, ông Milo Bogaerts cho biết nhà ở giá rẻ đã bị thiếu hụt trong nhiều năm và tình hình hiện tại có thể khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Trong năm nay ước tính thiếu hụt khoảng 700.000 ngôi nhà.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế ifo, gần 50% số công ty xây dựng ở Đức đang báo cáo thiếu đơn đặt hàng và xu hướng này đang gia tăng. Chuyên gia ifo Klaus Wohlrabe hồi đầu tháng này cho biết chi phí cao và mức lãi suất hiện tại đang "khiến nhiều nhà xây dựng quan ngại.

Công ty môi giới tín dụng thế chấp Interhyp cho hay, lãi suất của các khoản vay xây dựng kỳ hạn 10 năm ở Đức đã giảm nhẹ xuống còn 3,8% vào đầu tháng 12 sau khi đạt mức cao nhất trong thập niên qua là 4,2% vào tháng 11/2023.

Theo Destatis, giá xây dựng các tòa nhà chung cư đã tăng 6,4% so với cùng kỳ trong tháng 8/2023. Giá của hầu hết các loại vật liệu xây dựng tiếp tục cao hơn đáng kể trong sáu tháng đầu năm so với năm ngoái.

Chính phủ Đức dự kiến sẽ không đạt được mục tiêu xây dựng 400.000 căn hộ mới trong năm nay và năm 2024. Tuy vậy, theo tờ Rheinische Post ngày 21/12, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Klara Geywitz cho rằng đến cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, thị trường nhà đất sẽ “tỏa sáng”.

Trong khi đó, Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) nhận định, kinh tế Đức đang trên đà phát triển trở lại nhưng rất chậm chạp và dự kiến đạt mức tăng trưởng 0,9% năm 2024 và 1,2% năm 2025.

Hồi mùa Thu, IfW đã dự báo kinh tế Đức sẽ suy giảm 0,5% trong năm nay nhưng trên thực tế mức suy giảm được điều chỉnh xuống 0,3%, chủ yếu do lạm phát giảm đáng kể. Lạm phát trung bình trong năm 2023 sẽ ở mức 5,9%, sau đó dự kiến giảm xuống còn 2,3% vào năm 2024 và 1,8% vào năm 2025. IfW cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng trưởng trở lại, nhưng chủ yếu là do các hộ gia đình tiêu dùng nhiều hơn đáng kể nhờ tăng lương và tăng trợ cấp của chính phủ. Mức tăng thu nhập cao

Còn theo nghiên cứu tiêu dùng được công ty nghiên cứu thị trường Đức GfK công bố hàng tháng, cả ba trụ cột của môi trường tiêu dùng Đức là kỳ vọng thu nhập, xu hướng mua hàng và kỳ vọng về kinh tế đều ghi nhận sự cải thiện trong tháng này so với tháng trước đó.

Nghiên cứu này được phối thực hiện giữa GfK và Viện Nghiên cứu Quyết định Thị trường Nuremberg (NIM). Kết quả nghiên cứu cho thấy tâm lý người tiêu dùng Đức bất ngờ được cải thiện vào cuối năm, chủ yếu nhờ kỳ vọng thu nhập từ tiền lương hay lương hưu tăng lên trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát trên toàn quốc gần như đã trở lại bình thường ở mức 3,2% so với năm trước, khiến sức mua có thể sẽ tăng trở lại.

Tuy nhiên, chuyên gia tiêu dùng Rolf Bürkl của NIM nhận định: “Vẫn còn phải xem liệu mức tăng hiện tại có phải là khởi đầu cho sự phục hồi bền vững trong tâm lý người tiêu dùng hay không vì mối lo ngại của người tiêu dùng vẫn còn rất lớn. Các cuộc khủng hoảng và xung đột địa chính trị, giá lương thực tăng mạnh và các cuộc thảo luận về ngân sách quốc gia năm 2024 tiếp tục gây nhiều bất ổn. Do đó, mức độ tâm lý của người tiêu dùng hiện vẫn cực kỳ thấp".

Minh Hằng (Theo THX)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-nha-o-tai-duc-giam-voi-toc-do-ky-luc/319072.html