Giá nhiên liệu cao 'ăn mòn' lợi nhuận ngành đường sắt

Ngành đường sắt có lợi nhuận quý II kém xa quý đầu năm và giảm mạnh với cùng kỳ.

 Kết quả kinh doanh quý II của ngành đường sắt đã sụt giảm mạnh so với quý đầu năm. Ảnh: VNR.

Kết quả kinh doanh quý II của ngành đường sắt đã sụt giảm mạnh so với quý đầu năm. Ảnh: VNR.

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (UPCom: HRT) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu gần 779 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mảng vận tải hành khách và hành lý đóng góp nhiều nhất với doanh thu tăng thêm gần 108 tỷ đồng. Doanh thu vận tải hàng hóa cũng tăng 17 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu hàng quý cao nhất trong 8 năm qua của Đường sắt Hà Nội.

Tuy doanh thu tăng vọt, HRT lại chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 6 tỷ đồng, giảm gần 76% so với cùng kỳ. Con số này cũng kém xa khoản lãi 34 tỷ đồng quý đầu năm.

Giải trình về nguyên nhấn khiến lợi nhuận đi lùi, đại diện HRT cho biết chi phí trong quý này đã tăng gần 28% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ việc nhiên liệu tăng giá gần 11%. Cụ thể, giá dầu đã tăng lên 18.600 đồng/lít từ mức 16.900 đồng/lít cùng kỳ.

Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn (UPCoM: SRT) cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

Trong quý II, SRT đạt doanh thu hơn 525 tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cũng chỉ khoảng 5 tỷ đồng, giảm gần 57% và cũng kém xa khoản lợi nhuận 33 tỷ đồng trong quý I.

Doanh nghiệp cho biết lợi nhuận sau thuế quý II giảm do một số nguyên nhân cụ thể như giá nguyên, vật liệu tăng do lạm phát, chiến tranh nhiều nơi trên thế giới; phát sinh thêm chi phí chuyển tải, phục vụ hành khách trong 2 sự cố sạt lở hầm Bãi Gió và Chí Thạnh.

Trong kỳ này, chi phí nhiên liệu của doanh nghiệp cũng tăng từ mức 17.114 đồng/lít lên 18.355 đồng/lít.

Tuy vậy, nhờ khoản lãi lớn trong quý I nên lũy kế 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của cả Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đều vượt xa mục tiêu đặt ra cho cả năm. Trong đó, Đường sắt Hà Nội đạt hơn 25 tỷ đồng lợi nhuận và Đường sắt Sài Gòn đạt gần 38 tỷ đồng lợi nhuận.

Trong khi đó, mục tiêu kinh doanh cả năm nay của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) là gần 6.300 tỷ đồng doanh thu và chỉ 5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trước đó, tổng công ty này đã đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng trong bối cảnh lo ngại nền kinh tế và thu nhập người dân chưa phục hồi ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, lạm phát tăng, đẩy giá nhiên liệu lên cao.

Tại hội nghị hồi đầu tháng 7, VNR cho biết trong 6 tháng đầu năm, sản lượng toàn tổng công ty đạt 4.778 tỷ đồng, tăng trưởng 12%.

Trong đó, sản lượng vận tải hành khách 6 tháng tăng gần 21%. Tính riêng dịp Tết Nguyên đán, đơn vị đã bán ra gần 653.000 vé tàu với doanh thu đạt 400 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Qua đó, doanh thu của tổng công ty được ghi nhận tăng trưởng 10%, vượt mức 4.500 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ đạt doanh thu 2.966 tỷ đồng, tăng 11%.

Đây là mức doanh thu bán niên kỷ lục của VNR và cao hơn mức thu cả năm của giai đoạn 2019-2021. Tương ứng trung bình mỗi ngày, công ty thu về gần 25 tỷ đồng.

Trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng công ty sẽ triển khai thực hiện cơ cấu lại bộ máy. Cụ thể, đơn vị này đã xây dựng xong phương án hợp nhất Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn thành một công ty vận tải đường sắt.

Đại hội đồng cổ đông của 2 công ty cũng đã thông qua nội dung liên quan đến việc hợp nhất và HĐQT 2 công ty đã có quyết định thông qua nội dung, ký kết hợp đồng hợp nhất. Hiện 2 công ty đang triển khai các thủ tục tiến tới hợp nhất.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/gia-nhien-lieu-cao-an-mon-loi-nhuan-nganh-duong-sat-post1488101.html