Gia tăng lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Với 143 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD, Thanh Hóa hiện đang đứng đầu khu vực miền Trung và thứ 8 cả nước trong lĩnh vực này. Từ những dự án tầm cỡ khu vực và quốc gia, đã tạo vị thế và sức hút đầu tư cho Thanh Hóa nói chung, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) nói riêng trong hành trình thu hút thêm những dự án mới.

Phòng điều hành Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đổi mới trong cách tiếp cận các nhà đầu tư, các nguồn vốn quốc tế thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư. Không chỉ còn là tham quan, học hỏi, các cuộc “vi hành” của lãnh đạo tỉnh tới các quốc gia có tiềm năng được gắn cùng các hội nghị xúc tiến nhằm nêu rõ cơ hội hợp tác, cơ chế khuyến khích. Tỉnh cũng tổ chức tiếp đón, làm việc, đưa nhiều tổ chức, tập đoàn, ngân hàng đi khảo sát thực địa, tìm hiểu và lựa chọn cơ hội đầu tư tại các khu vực trọng điểm. Điển hình như trong năm 2022, nhiều đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), đoàn chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ, Tập đoàn WHA của Thái Lan, Tập đoàn Ramky của Ấn Độ, Tập đoàn Millennium (Hoa Kỳ), Tập đoàn Compal (Đài Loan), Công ty TNHH JFE Engineering Việt Nam... đã được đón tiếp, giới thiệu cơ hội đầu tư, kịp thời giải đáp thắc mắc và tháo gỡ các khó khăn trong các hoạt động đầu tư.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài những năm gần đây của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng. Số dự án, nguồn vốn FDI mà Thanh Hóa thu hút được những năm cận kề đã bị các địa phương lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh vượt qua. Điển hình như năm 2022, Thanh Hóa thu hút được 7 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 71,2 triệu USD. Trong khi đó, năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An đã lọt vào top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng nguồn vốn cấp mới và điều chỉnh hơn 1,5 tỷ USD. Riêng 4 dự án thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ mới như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ITC đã thu hút gần 1,1 tỷ USD. Hà Tĩnh cũng là địa phương đạt được sự “bứt tốc” trong thu hút “vốn ngoại” và đến nay đã đạt 11,7 tỷ USD (xấp xỉ Thanh Hóa).

Một trong những hạn chế trở thành nguyên nhân “đáng kể” khiến thu hút nguồn vốn FDI của Thanh Hóa chưa đạt mong muốn là những hạn chế về mặt bằng “sạch” với quy mô lớn để đón các dự án có nhu cầu đầu tư, sản xuất ngay. Hiện nay, các khu công nghiệp (KCN) tại KKTNS phần lớn chưa được giải phóng mặt bằng. Với 8 KCN ngoài KKTNS, hiện chỉ mới có 5 KCN được đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa hoàn chỉnh. KCN Bãi Trành (Như Xuân), KCN Ngọc Lặc, KCN Thạch Quảng hiện chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng khiến doanh nghiệp nước ngoài còn e ngại khi có ý định “dừng chân”.

Trong giai đoạn 2022-2025, Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ tiếp cận, xúc tiến từ 3-6 công ty sở hữu công nghệ gốc, nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào Thanh Hóa. Bên cạnh việc coi trọng các địa bàn, đối tác truyền thống, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Cô-oét, Đài Loan, Thanh Hóa sẽ đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút thêm các đối tác tiềm năng mới như Nga, Hoa Kỳ, các nước châu Âu. Đồng thời, khai thác hiệu quả mối quan hệ từ các tập đoàn lớn tại các nước phát triển như: G7, G8, OECD...

Để “cải thiện” tình hình, gia tăng các lợi thế thu hút nguồn vốn FDI, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực là tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nhiều quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư. Trong đó, bên cạnh việc lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ ưu tiên nguồn ngân sách xứng đáng để đầu tư những KCN đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế với diện tích lớn. Điển hình như trong giai đoạn 2022-2026, Thanh Hóa sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu, đặc biệt tại KKTNS, các KCN và khu vực trọng điểm. Điều này đã được cụ thể hóa một phần tại Nghị quyết 357/NQ-HĐND ngày 11-12-2022 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các KCN trong KKTNS”. Theo đó, trong giai đoạn 2023-2027, Thanh Hóa sẽ dành nguồn ngân sách khoảng hơn 11.000 tỷ đồng đầu tư các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng tại các KCN trong KKTNS.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Ngoài cơ chế thông thoáng, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xây dựng hạ tầng, kết cấu các KCN, tạo mặt bằng “sạch” và xem đây là yếu tố quan trọng để hấp dẫn đối với nguồn vốn FDI. Trong điều kiện một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy do ảnh hưởng của tình hình thế giới, việc “rải thảm đỏ” này sẽ tạo lực hút mới đối với nguồn vốn ngoại tái cấu trúc sau đại dịch COVID-19.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kkt-nghi-son/gia-tang-loi-the-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai/178775.htm