Gia tăng người trẻ phải chạy thận nhân tạo
Phòng Thận nhân tạo-Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai) hiện có khoảng 200 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo định kỳ. Đáng chú ý, trong số này, gần 40% là người dưới 35 tuổi-một con số khiến các bác sĩ lo ngại về tình trạng gia tăng bệnh thận ở người trẻ.
“Sống mòn” vì suy thận mạn
Chưa kịp tận hưởng tuổi trẻ, nhiều người đã phải gắn đời mình với bệnh viện bởi căn bệnh suy thận. Chị Trương Thị Thúy Hường (31 tuổi, trú tổ 6, phường An Bình) là minh chứng đau lòng cho căn bệnh âm thầm này. Chị kể: Tôi phát bệnh khi đang đi thi đại học. Khi ấy tôi bị phù tay chân, đi khám thì bác sĩ kết luận bị suy thận.
Thời gian đầu, tôi chữa trị bằng thuốc Nam nhưng bệnh ngày càng nặng hơn và phải chuyển sang điều trị bằng Tây y. Đến nay, tôi đã 11 năm gắn đời mình với bệnh viện, phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần.

Bác sĩ thăm hỏi, động viên chị Trương Thị Thúy Hường-một trong những bệnh nhân trẻ đang chạy thận nhân tạo định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Căn bệnh thận đã lấy đi hoài bão, tuổi trẻ và cả hạnh phúc đời người. “Mắc bệnh từ quá sớm, tôi phải từ bỏ giấc mơ học hành, sống phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, không lập gia đình, không thể lao động, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Nhiều lúc thương ba mẹ tôi cũng chỉ biết cố gắng phụ giúp công việc lặt vặt trong nhà chứ không làm gì hơn vì sức khỏe không cho phép”-chị Hường chia sẻ.
Tương tự, anh Ngô Quốc Thanh (31 tuổi, thôn Hòa Bình, xã Chư Pưh) đã đeo bám chạy thận nhân tạo suốt 8 năm nay. “Ban đầu, tôi chỉ thấy người mệt lả, phù tay chân nhưng khi đi khám thì phát hiện đã bị suy thận giai đoạn 5 và phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. Dù có bảo hiểm y tế nhưng tôi vẫn tốn nhiều chi phí cho thuốc men do còn mắc thêm nhiều bệnh khác vì biến chứng của bệnh thận. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt, đi lại trong quá trình chạy thận cũng không ít.
Từ một sinh viên đang chuẩn bị tốt nghiệp, có nhiều hoài bão, ước mơ nhưng căn bệnh quái ác này đã cướp đi mọi thứ của tôi. Không có sức khỏe, không có kinh tế, sống phụ thuộc vào gia đình nên tôi không dám nghĩ đến việc lập gia đình”-anh Thanh nói.
Phát hiện mắc bệnh thận gần 1 năm trước, đến nay, anh Nguyễn Ngọc Lợi (23 tuổi, thôn 2, xã Đak Pơ) đã chạy thận nhân tạo được 8 tháng. Anh Lợi trải lòng: Trước kia, tôi ỷ mình còn trẻ, khỏe nên thường xuyên thức khuya chơi game, uống nước ngọt thay nước lọc… Bác sĩ bảo, đây là một trong những nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh thận. Giờ nghĩ lại, tôi hối hận vô cùng. Mong các bạn trẻ đừng chủ quan như tôi mà cần quan tâm đến sức khỏe bản thân, sinh hoạt lành mạnh, đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh thận và điều trị sớm.

Nhiều bệnh nhân trẻ đang chạy thận định kỳ tại Phòng Thận nhân tạo-Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai). Ảnh: Như Nguyện
Rèn lối sống tích cực để phòng bệnh
Bà Trần Mai Li-bác sĩ điều trị tại Phòng Thận nhân tạo Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai) thông tin: 5 năm trở lại đây, số người trẻ phải chạy thận tăng đáng kể. Đây là xu hướng đáng lo ngại. Nguyên nhân khiến bệnh thận gia tăng ở người trẻ một phần do bẩm sinh, phần khác do lối sống thiếu khoa học của nhiều người trẻ như: chế độ ăn mặn, thường xuyên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, uống ít nước, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, thức khuya, lười vận động và lạm dụng thuốc giảm đau.... Ngoài ra, một số bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, gout vốn đang trẻ hóa cũng là những yếu tố nguy cơ làm tổn thương thận sớm.
Theo bác sĩ Li, bệnh suy thận mạn thường diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ rệt nên trong giai đoạn đầu, người bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng nên chủ quan, ít chú ý tới. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người khi phát hiện bệnh thì đã quá muộn và buộc phải dùng đến các biện pháp thay thế thận như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
“Bệnh thận không chỉ tàn phá sức khỏe mà còn làm suy giảm khả năng lao động, kéo theo gánh nặng kinh tế và tâm lý đè nặng lên cả gia đình người bệnh. Thấu hiểu nỗi khổ của bệnh nhân, bệnh viện cũng thường xuyên kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân chạy thận để họ có thêm điều kiện điều trị bệnh”-bác sĩ Li cho biết.

Bệnh viện Đa khoa Gia Lai cũng thường xuyên kết nối với nhà hảo tâm giúp đỡ bệnh nhân chạy thận để họ có thêm điều kiện điều trị bệnh. Ảnh: Như Nguyện
Để phòng tránh bệnh thận, bác sĩ Trần Mai Li khuyến cáo: Mọi người cần có lối sống tích cực, đặc biệt là người trẻ; hạn chế ăn mặn, tăng cường vận động, uống đủ nước, tránh lạm dụng nước ngọt, rượu bia. Ngoài ra, không nên tự ý dùng thuốc nhất là các loại thuốc giảm đau, kháng sinh và cần có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ trước khi dùng. Khi phát hiện các biểu hiện như phù mặt, tay chân, mí mắt nặng buổi sáng, hoa mắt, chóng mặt, ăn uống kém, tiểu ít... cần thăm khám sớm để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-tang-nguoi-tre-phai-chay-than-nhan-tao-post559948.html