Được chăm con - Một đặc ân khi làm cha
Trong nhiều gia đình, người cha vẫn đứng ngoài câu chuyện chăm sóc con nhỏ - như thể đó là 'việc của mẹ'. Nhưng thực tế cho thấy, khi người cha thật sự bước vào hành trình chăm sóc để cùng con lớn lên, không chỉ đứa trẻ hạnh phúc hơn, mà chính họ cũng trở thành một con người hoàn thiện hơn. Chăm con không phải là trách nhiệm gượng ép mà là một đặc ân khi được sống trọn vẹn với vai trò làm cha.

Một tác phẩm trong cuộc thi ảnh "Những ông bố Việt Nam” do Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức
Hệ lụy khi phụ nữ phải đơn độc chăm con
Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, người đàn ông thường được gắn với hình ảnh trụ cột kinh tế - "lo chuyện lớn", còn phụ nữ đảm nhiệm thiên chức sinh nở, nuôi dạy và chăm sóc con cái. Nhưng trong xã hội ngày ngày nay, hầu hết phụ nữ đều đi làm, nhiều người giữ vị trí quan trọng trong xã hội.
Do vậy, nếu người đàn ông không san sẻ việc nhà và chăm con, người phụ nữ sẽ bị quá tải. Tuy nhiên, đáng buồn là sự thay đổi của đàn ông trong vấn đề này chưa theo kịp thực tế xã hội.
Báo cáo Điều tra quốc gia về phụ nữ và trẻ em Việt Nam năm 2021, do Tổng cục Thống kê phối hợp với UNICEF thực hiện, cho thấy: chỉ 34,5% đàn ông có con dưới 5 tuổi tham gia vào các hoạt động chăm sóc con như cho ăn, tắm, thay đồ, ru ngủ… trong 3 ngày gần nhất của khảo sát.
Trong khi đó, con số này ở phụ nữ lên tới 92%. Đáng chú ý hơn, ở các vùng nông thôn, tỷ lệ đàn ông tham gia vào chăm sóc con thậm chí còn thấp hơn nữa, chỉ khoảng 28%.
Ngay cả tại các đô thị, nơi cha mẹ đều có học vấn và điều kiện kinh tế tốt hơn, vai trò của người cha vẫn thường dừng lại ở việc "chơi với con" hoặc "dạy con học", còn phần việc như cho ăn, ru ngủ, dọn vệ sinh, nắm bắt sức khỏe con lại vẫn do mẹ đảm nhiệm chính.

Đàn ông cần thay đổi nhận thức, tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc trẻ nhỏ. Ảnh minh họa
Khi việc chăm sóc và nuôi dạy con cái bị mặc định là "việc của phụ nữ", hệ quả không chỉ dừng lại ở sự mệt mỏi, quá tải của người mẹ, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng cuộc sống gia đình, sự phát triển toàn diện của trẻ và cả mối quan hệ vợ chồng trong dài hạn.
Một khảo sát được thực hiện năm 2023 tại 5 tỉnh thành đại diện cho các vùng miền cho thấy: trên 65% phụ nữ có con nhỏ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi kéo dài và hơn 40% trong số đó từng có biểu hiện của trầm cảm sau sinh.
Trong số các nguyên nhân được nêu, việc chồng thiếu hỗ trợ trong việc chăm con và việc nhà là một trong những yếu tố chính.
Trẻ phát triển tốt hơn khi được cả cha và mẹ chăm sóc
Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chứng minh rằng, sự hiện diện và chăm sóc trực tiếp của người cha ngay từ những năm đầu đời mang lại lợi ích vượt trội cho sự phát triển của trẻ. Nghiên cứu của Đại học Newcastle (Anh) ghi nhận: trẻ được cha chơi cùng, đọc sách và tắm rửa thường xuyên trong 3 năm đầu đời sẽ có nguy cơ mắc rối loạn hành vi thấp hơn 28% so với nhóm còn lại. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo các ông bố nên dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày cho việc tương tác chất lượng với con, vì điều này không chỉ cải thiện khả năng ngôn ngữ và kỹ năng xã hội mà còn giúp trẻ phát triển cảm xúc ổn định hơn trong suốt quá trình trưởng thành. Đặc biệt, trẻ có cha trực tiếp chăm sóc thường có kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng tự điều chỉnh cảm xúc cao hơn 30%, theo nghiên cứu của Đại học Harvard trên nhóm trẻ từ 2-7 tuổi.
Một hệ lụy nữa đáng lo ngại là sự "lệch vai" trong mối quan hệ cha con. Khi cha không trực tiếp chăm con, trẻ thường phát triển mối quan hệ tình cảm gắn bó một chiều với mẹ, dẫn đến sự thiếu hụt hình mẫu nam giới tích cực trong cuộc sống hằng ngày.
Đối với bé trai, điều này có thể ảnh hưởng đến sự hình thành bản sắc giới. Đối với bé gái, việc không có cha bên cạnh có thể khiến trẻ khó hình thành cảm giác tin tưởng với nam giới, hoặc hình thành những mong đợi lệch lạc khi bước vào các mối quan hệ sau này.
Những hành động nhỏ mang lại lợi ích lớn
Nhiều nghiên cứu và khảo sát tại Việt Nam đã chứng minh: Người cha trực tiếp tham gia chăm sóc con không chỉ mang lại lợi ích cho con trẻ, góp phần xây dựng hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho chính bản thân họ.

Đàn ông cần thay đổi nhận thức, tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc trẻ nhỏ. Ảnh minh họa
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) vào năm 2022 tại TP.HCM, khảo sát trên 1.000 hộ gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi, cho thấy, các em bé được cả cha và mẹ cùng chăm sóc từ sớm thường phát triển ngôn ngữ nhanh hơn, biết thể hiện cảm xúc rõ ràng hơn, ít lo âu và có xu hướng gắn bó tình cảm với cả cha lẫn mẹ nhiều hơn.
Trong khi đó, nhóm trẻ chỉ có mẹ chăm thường bị "lệch vai", thiếu khả năng tương tác với người lớn giới nam, thậm chí xuất hiện những hành vi chống đối cha - người mà chúng ít thấy mặt, hoặc chỉ xuất hiện để "ra lệnh".
Một phân tích tổng hợp trên 24.000 trẻ em tại 36 quốc gia, do Viện Nghiên cứu Gia đình Fatherhood Institute (Anh) thực hiện, cho thấy trẻ có cha tích cực chăm sóc có chỉ số IQ trung bình cao hơn 6 điểm so với nhóm chỉ được mẹ nuôi dưỡng.
Việc người chồng tham gia chăm sóc con cái góp phần quan trọng trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình vì góp phần thể hiện một cách rõ ràng và thực chất nhất sự tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau giữa vợ chồng.
Khi người vợ cảm thấy đơn độc, bị bỏ rơi trong việc chăm sóc con cái rất dễ tạo cảm xúc tiêu cực và khi chúng tích tụ lâu ngày sẽ làm rạn nứt mối quan hệ hôn nhân. Khi người cha tham gia chăm sóc con cái ngay từ sơ sinh, lợi ích không chỉ đến với con cái, người mẹ mà bản thân người cha cũng hưởng lợi.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc chơi đùa, trò chuyện và chăm sóc trẻ giúp giảm căng thẳng, tạo ra hormone oxytocin - tố chất của hạnh phúc - đồng thời cải thiện khả năng vận động và sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ trầm cảm.
Chăm sóc con, cha học cách dịu dàng, biết điều chỉnh cảm xúc, kỹ năng lắng nghe và kiên nhẫn. Hơn nữa, họ sẽ cảm nhận cuộc sống có ý nghĩa hơn, quan hệ gia đình sâu sắc hơn và tinh thần phấn chấn hơn.
NSND Xuân Bắc (Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) - người từng khiến cư dân mạng cảm động khi livestream ru con ngủ giữa đêm - chia sẻ: "Tôi đi diễn cả ngày, đêm về không gặp con thì có khác gì đang sống với người lạ. Tôi luôn cố gắng dành ít nhất một tiếng mỗi ngày để chơi với con, dù chỉ là bế, kể chuyện hay nghe cháu kể chuyện ở lớp".
Từ câu chuyện đó cho thấy, việc chăm sóc trẻ nhỏ cần những những kiến thức và kĩ năng nhất định nhưng không quá khó quá nếu các bậc làm cha muốn làm. Khi đã xác định chăm sóc con cái không chỉ là nghĩa vụ mà là niềm vui, là giá trị sống thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng và tự nhiên.
Nhiều chương trình thúc đẩy cha chăm sóc con
Trong những năm gần đây, có nhiều chương trình khuyến khích nam giới tham gia chăm sóc và nuôi dạy con cái được triển khai. Trong đó, tiêu biểu có thể kể đến như: "Sinh con, sinh cha" (Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với một số tổ chức đơn vị thực hiện), chiến dịch "Super Dads - Cha tuyệt vời" của UNICEF, mô hình "Người cha trách nhiệm" của Hội nông dân Việt Nam…Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng tổ chức nhiều chương trình, nhiều diễn đàn, tọa đàm và hội thảo chuyên đề về kỹ năng làm cha mẹ, gần đây là Diễn đàn "Làm cha mẹ" nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2024.
Ở cấp cơ sở đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, lớp học tiền sản cho cả vợ và chồng, nơi người chồng được khuyến khích học cách thay tã, tắm bé, cho ăn dặm, ru ngủ và xử lý các tình huống cảm xúc của trẻ. Các hội thi "Gia đình hạnh phúc", "Cha mẹ cùng con trưởng thành", hay các mô hình câu lạc bộ "Nam giới tích cực trong gia đình" cũng đang được nhân rộng ở nhiều tỉnh, góp phần hình thành nhận thức mới về vai trò người cha trong gia đình hiện đại.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/duoc-cham-con-mot-dac-an-khi-lam-cha-20250710142017956.htm