Giá thực phẩm tại Trung Quốc tăng chóng mặt

Áp lực lạm phát đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc ngay cả khi tăng trưởng chậm lại. Hiện tượng đình lạm có thể làm tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và chi tiêu sụt giảm.

Theo CNBC, giá lương thực và các mặt hàng khác tại Trung Quốc đang tăng chóng mặt. Điều này gia tăng áp lực đối với những nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, vốn có nhiệm vụ giữ ổn định tăng trưởng.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, giá thực phẩm tại đất nước 1,4 tỷ dân ghi nhận mức tăng hàng tuần trong tháng 10. Từ ngày 25 đến 31/10, rổ hàng hóa gồm 30 loại rau đã tăng 6,6% so với tuần trước đó lên 5,99 NDT/kg. Trong tuần 20-26/9, giá chỉ 4,39 NDT/kg.

Theo ông Bruce Pang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance, áp lực lạm phát và việc các nền kinh tế khác thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ hạn chế phạm vi nới lỏng chính sách tiền tệ của chính quyền Bắc Kinh.

 Giá thực phẩm của Trung Quốc chứng kiến mức tăng hàng tuần trong tháng 10. Ảnh: Reuters.

Giá thực phẩm của Trung Quốc chứng kiến mức tăng hàng tuần trong tháng 10. Ảnh: Reuters.

Mối nguy đình lạm

"Do khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ bị hạn chế, Trung Quốc có thể cần đến các chính sách tài khóa và công nghiệp để ngăn chặn tình trạng đình lạm (tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi tỷ lệ lạm phát tăng cao)", ông Pang bình luận. Ông cho rằng nền kinh tế có thể tăng trưởng 4-5% trong quý IV/2021.

Đình lạm là một hiện tượng kinh tế trong đó giá cả tăng cao nhưng hoạt động kinh doanh đình trệ, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao và sức chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm.

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô chương trình mua tài sản. Điều này có nghĩa là Washington đang trong quá trình thu hẹp các gói kích thích kinh tế thời kỳ đại dịch và tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chưa rõ liệu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có đưa ra các quyết định dựa trên những chính sách tiền tệ của Mỹ hay không.

Do khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ bị hạn chế, Trung Quốc có thể cần đến các chính sách tài khóa và công nghiệp để ngăn chặn tình trạng đình lạm

Bruce Pang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance

Báo cáo hàng tuần mới nhất của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng xác nhận xu hướng tăng giá của thực phẩm. Những dữ liệu được công bố chiều ngày 2/11 đã bị xóa khỏi trang web của cơ quan này kể từ sáng 3/11.

Theo đó, giá thực phẩm trong tuần 25-31/10 đã tăng 3,7% so với tuần trước, giá thịt lợn và trứng gà chứng kiến mức tăng lần lượt 10,6% và 6,4%. Tuần trước, thực phẩm tăng giá 4,3%.

Theo nhà kinh tế học Robin Xing của Morgan Stanley, chỉ số giá tiêu dùng có khả năng tăng với tốc độ gấp đôi trong tháng 10. Nguyên nhân chủ yếu là lạm phát thực phẩm tăng mạnh, giá rau tăng cao vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ngay cả việc giá thịt lợn lao dốc cũng không thể kìm hãm đà tăng.

Ông Xing lưu ý rằng nhu cầu của người tiêu dùng “đã giảm”, nhất là khi các nhà chức trách công bố những hạn chế đi lại chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát sự gia tăng đột biến của số ca nhiễm virus trong vài ngày qua.

Tình trạng đáng báo động

Tháng 9, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc - thước đo chi phí sản xuất của các nhà máy - đã tăng kỷ lục 10,7% so với một năm trước đó. Chi phí nguyên liệu thô tăng cao đã ăn vào lợi nhuận của những nhà sản xuất.

Ông Pang cho biết chỉ số giá sản xuất có thể lập kỷ lục mới với mức tăng trưởng từ 11-12% so với cùng kỳ năm trước.

Áp lực lạm phát đã gia tăng trong tháng 10. Giá đầu vào và đầu ra của các nhà máy đều tăng. Điều này cho thấy nhà sản xuất đang chuyển gánh nặng chi phí cho khách hàng. Lạm phát giá sản xuất ở mức cao nhất trong gần 26 năm.

"Việc giá đầu ra tăng vọt trong tháng 10 là đáng báo động", ông Zhang Zhiwei - nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management Ltd. - nhận định. "Điều này có thể dẫn đến áp lực gia tăng lạm phát giá tiêu dùng và thu hẹp dư địa nới lỏng các chính sách tiền tệ", ông nói thêm.

 Lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc ở mức cao nhất trong gần 26 năm. Ảnh: Reuters.

Lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc ở mức cao nhất trong gần 26 năm. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, thị trường bất động sản của Trung Quốc đang sụt giảm. Theo Moody’s, bất động sản chiếm khoảng 70-80% tài sản hộ gia đình và chiếm khoảng 10% thu nhập hộ gia đình ở Trung Quốc.

Trong 18 tháng qua, Bắc Kinh đã tăng cường trấn áp lĩnh vực bất động sản phát triển quá nóng và phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính. Hố sâu nợ nần của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc - cũng làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu trong năm nay.

Các nhà kinh tế bắt đầu hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý IV/2021 và năm 2022 do rủi ro tăng cao.

Theo dữ liệu của Học viện Chỉ số Trung Quốc, nếu nhìn vào đầu tháng 10, giá nhà mới hầu như không tăng so với tháng trước. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp tăng trưởng của thị trường nhà ở giảm tốc.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-thuc-pham-tai-trung-quoc-tang-chong-mat-post1275281.html