Giá tôm liên tục giảm, nông dân gặp khó

Không nằm ngoài dự đoán, từ đầu tháng 5 đến nay, giá tôm bắt đầu có xu hướng giảm và mức giảm đang ngày càng mạnh hơn kể từ đầu tháng 6 tới nay. Sự kỳ vọng về một vụ tôm khả quan hơn chẳng những không đến như mong đợi của người nuôi tôm, mà còn trở thành thách thức không nhỏ cho người nuôi tôm trong những tháng còn lại của năm 2024.

Nhiều nông dân còn "treo ao" không thả nuôi tôm vì còn lo lắng giá bán tôm thấp. Ảnh: Phương Nghi

Nhiều nông dân còn "treo ao" không thả nuôi tôm vì còn lo lắng giá bán tôm thấp. Ảnh: Phương Nghi

Giá tôm gần như tuột dốc không phanh

Khi bước vào vụ tôm nước lợ năm 2024, người nuôi vẫn hết sức thận trọng trước dự báo khó khăn về thời tiết và thị trường. Điều này được thể hiện qua tiến độ thả giống tại hầu hết các vùng nuôi tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều diễn ra khá chậm so với kế hoạch. Sự thận trọng đó cùng với sự vào cuộc sớm của ngành chuyên môn, nên dù thời tiết có nắng nóng gay gắt, dịch bệnh có xuất hiện sớm và gây hại, nhưng đa số diện tích thả nuôi giai đoạn đầu năm đều đã về đích an toàn.

Tuy nhiên, thử thách lớn nhất và cũng là điều mà người nuôi tôm lo ngại nhất cuối cùng cũng đã đến, từ tháng 5 đến nay, giá tôm gần như tuột dốc không phanh ở hầu hết các kích cỡ, giảm mạnh ngay vào thời điểm người nuôi tôm khu vực ĐBSCL bước vào cao điểm thả giống đã khiến không ít hộ nuôi chùn tay không dám thả hoặc chỉ thả một phần diện tích mang tính thăm dò, dù ao nuôi đã cải tạo xong.

Hiện nay, nhiều tỉnh tại ĐBSCL, giá tôm thẻ tiếp tục giảm mạnh. Riêng tại tỉnh Sóc Trăng, diện tích nuôi tôm công nghệ cao chiếm khoảng 30%. Năng suất và sản lượng tôm thu hoạch cũng tăng lên gấp 2 - 3 lần. Nên nếu xét riêng giá tôm hiện tại, rất khó để phát triển mô hình nuôi tôm nước lợ và nước mặn. Theo ghi nhận của chúng tôi, giá tôm tại tỉnh Sóc Trăng đang giảm mạnh và ở mức rất thấp, tôm thẻ loại 70 con/kg cũng chỉ có giá 98.000 đồng/kg tại cổng nhà máy, tôm thẻ loại 30 con/kg được thương lái thu mua ở mức 115.000 đồng/kg, giảm bình quân 25.000 - 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Còn tại ao, thương lái hiện thu mua giá rất thấp, dưới 70.000 đồng/kg, loại 80 con/kg.

Việc giá tôm giảm mạnh và nhanh vô tình tạo nên hiệu ứng “thu tôm chạy giá” tại nhiều vùng nuôi lớn ở ĐBSCL. Ông Tăng Văn Xúa, ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có hơn 3ha nuôi tôm thẻ vừa thu hoạch sớm hơn 1 tháng để giảm chi phí nuôi tôm và xuất bán tôm trước khi giá tôm tiếp tục giảm, nên việc thả nuôi tôm đợt mới chưa được thực hiện. Ông Xúa cho biết, đợt tôm tháng 5 vừa rồi chỉ đạt loại 40 con/kg, còn nếu như để đến thời điểm tháng này có thể nâng lên 30 con/kg, thì giá bán cũng thấp nhưng tốn thêm chi phí nuôi. “Do đó, tôi đã thu hoạch tôm sớm để bán được giá chưa đến 100.000 đồng/kg, giảm hơn 30.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2024, không phải tốn thêm tiền thức ăn, tiền điện và tiền nhân công quản lý ao nuôi” - ông Xúa nói.

Xuất khẩu tôm gặp khó, giá tôm trong nước cũng lao dốc không phanh trong nhiều tháng qua, vì vậy, bà con nuôi tôm một lần nữa lại đối mặt với điệp khúc “được mùa, mất giá” khi đang bước vào vụ thu hoạch. Người nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn, không ít hộ lên kế hoạch “treo ao”.

Ông Nguyễn Văn Hoạt, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tôm bây giờ rất rẻ và hiện tại, bà con nuôi tôm chúng tôi đang rất nao núng. Với một ao nuôi sản lượng ước đạt hơn 4 tấn tôm thương phẩm, tuy nhiên, với cỡ 40 con/kg, thương lái chỉ mua giá 100.000 đồng. Giá tôm giảm mạnh, trong khi chi phí đầu tư nuôi tôm công nghệ ngày một tăng lên. Song song với đó, giá thức ăn, giá điện, giá nhân công tăng vọt... khiến bà con nông dân đều rơi vào tình cảnh bị thua lỗ nặng. Hiện tại, tôi phải tạm “treo ao” để chờ giá chứ không dám thả nuôi vụ mới”.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp

Một trong những nguyên nhân khiến giá tôm sụt giảm mạnh trong thời gian qua, chính là diện tích nuôi tôm ở ĐBSCL tăng cao. Thêm vào đó là mô hình nuôi tôm công nghệ cao được nhân rộng, từ đó làm cho sản lượng tôm tăng cao, dẫn đến tình trạng cung vượt qua cầu. Bên cạnh đó, cước phí vận tải tăng cao; các vụ kiện phòng vệ thương mại và “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu là những khó khăn đang tác động mạnh đến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, làm cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ bị giảm nghiêm trọng. Tình hình khó khăn như vậy nên các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm cũng giảm mạnh sản lượng thu mua cho người nuôi, khiến giá cũng giảm theo.

Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch tôm bán cho thương lái. Ảnh: Phương Nghi

Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch tôm bán cho thương lái. Ảnh: Phương Nghi

Theo ông Đỗ Ngọc Tài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch Ủy ban Tôm, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản Tài Kim Anh, với tình trạng giá tôm xuống thấp thời gian qua, đa số người nuôi tôm từ hòa đến lỗ. Vì vậy, vụ 2 sẽ có nhiều nông dân "treo ao" và quý III - IV, các nhà máy sẽ thiếu nguyên liệu để chế biến, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ giảm... “Nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn như hiện nay là dịch bệnh, chiến tranh dẫn đến kinh tế toàn cầu đi xuống, lạm phát gia tăng.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ giảm và nguồn cung trên thế giới tăng, đặc biệt là Ecuador và Ấn Độ chi phí nuôi thấp, những trang trại lớn họ chủ động tôm bố mẹ cho đẻ con giống, diện tích nuôi rộng lớn, nuôi theo hình thức quảng canh, mật độ nuôi thưa, không dùng kháng sinh, chi phí thấp, hiệu quả cao có thể lên trên 80%. Giá thành nuôi tôm của Ecuador thấp hơn Việt Nam từ 25 - 30%” - ông Tài nói.

Còn ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta thông tin: “Đối với cước vận tải biển đi Bắc Mỹ, Tây Âu tăng giá 100% so với thời kỳ thấp điểm. Mức tăng này đã ảnh hưởng mạnh đến doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xung đột tại biển Đỏ ảnh hưởng đến giá cước tàu biển. Hầu hết các khách hàng tránh đi vào khu vực biển Đỏ để phòng chống rủi ro, dù đây là con đường vận tải biển huyết mạch”.

Hiện nay, doanh nghiệp thủy sản đang bán hàng theo phương thức FOB (bên mua phải lo cước), nhưng do cước tăng cao, khách hàng đang buộc phía người bán phải hỗ trợ cước. Giá cước vận tải tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm không tăng khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP thông tin thêm, hiện, tình trạng hạn hán ở kênh đào Panama, nơi xử lý 5% giá trị thương mại hàng hải toàn cầu đang dần cải thiện khi số lượt vận chuyển hằng ngày đã tăng lên.

Tuy nhiên, năng lực vận chuyển qua kênh đào Panama vẫn thấp hơn mức trung bình hằng ngày thông thường là 34 - 40 lượt quá cảnh và lưu lượng hàng hóa được kỳ vọng sẽ trở lại vào năm 2025. Mới đây lại xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại Singapore dẫn đến lo ngại về khủng hoảng chuỗi cung ứng, giá hàng hóa tăng. Hy vọng thị trường cuối năm sẽ hồi phục, ngành thủy sản đạt mục tiêu đặt ra.

Nguyện vọng chính đáng và thiết tha của người nuôi tôm ở các tỉnh khu vực ĐBSCL mong sao Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương có các giải pháp đồng bộ, góp phần giúp người nuôi tôm tháo gỡ khó khăn, nuôi tôm đem lại hiệu quả, làm giàu cho gia đình và phát triển bền vững nghề nuôi tôm, thế mạnh kinh tế trong khu vực.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gia-tom-lien-tuc-giam-nong-dan-gap-kho-post477374.html