Giá vé máy bay đã không còn 'nhảy múa'

Giá vé máy bay không chỉ tăng ở Việt Nam mà còn xảy ra khắp toàn cầu từ năm 2022. Tuy nhiên, thời gian và mức tăng có sự khác nhau. Đến nay, giá vé máy bay đang giảm dần và không còn 'nhảy múa'.

Đây là là chia sẻ của ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HoSE: HVN) liên quan tới tình hình giá vé máy bay cao thời gian qua tại Đại hội Đồng cổ đông của Vietnam Airlines ngày hôm nay (21/6).

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines nói về tình hình giá vé máy bay thời gian qua.

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines nói về tình hình giá vé máy bay thời gian qua.

Theo ông Đặng Anh Tuấn, thời gian qua, giá vé máy bay đã tăng khoảng 15-17% tùy đợt bay, ngày bay và giờ bay. Cách đây 1 tháng, giá vé máy bay của hàng không nói chung chỉ bằng 76% so với giá trần theo quy định và có những đường bay có giá vé chỉ bằng 43% giá trần. Nhưng sau khi hãng đưa vào khai thác những chuyến bay tối muộn và sáng sớm, mức giá vé đã có phần "giảm nhiệt".

Lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh, hãng không bay độc quyền mà đang trong môi trường cạnh tranh lớn. Trong đó ở thị trường bay quốc tế, hãng đang phải cạnh tranh với khoảng 52-53 hãng hàng không.

Do đó, việc cân bằng giá vé máy bay với nhu cầu của thị trường cần được tính toán kỹ lưỡng. Theo ông Tuấn, việc tăng giá vé máy bay diễn ra trên toàn cầu nhưng thời gian và mức tăng khác nhau. Các hãng đều phải tính toán để có hiệu quả lớn nhất và căn cứ vào sức mua của thị trường. Bao giờ cung - cầu bằng nhau thì giá vé sẽ giảm.

Lý giải nguyên nhân tăng giá vé máy bay, ông Tuấn cho biết năm 2024, riêng giá nhiên liệu đã tăng khoảng 5,5-5,6 nghìn tỷ đồng chi phí so với cùng kỳ.

Hiện nay, giá nhiên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao khoảng 104 USD/thùng. Với sản lượng khai thác như hiện nay, khi giá nhiên liệu thay đổi 1 USD/thùng sẽ làm chi phí khai thác của Vietnam Airlines thay đổi khoảng 230 tỷ/năm. Điều này tạo ra sức ép lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không nói chung và của Vietnam Airlines nói riêng.

Tỷ giá đồng USD chênh lệch khiến hãng mất thêm khoảng 4,7 nghìn tỷ đồng so với năm 2023. Chưa kể, các nguyên nhân khác như đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu tàu bay.

Dù vậy, lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định: "Việc tăng giá vé cũng giúp hãng bù đắp một phần chi phí, bắt đầu có lãi".

Ban chủ tọa điều hành Đại hội đồng cổ đông thường niên Vietnam Airlines 2024.

Ban chủ tọa điều hành Đại hội đồng cổ đông thường niên Vietnam Airlines 2024.

Liên quan tới việc thiếu tàu bay của ngành hàng không, phía Vietnam Airlines thông tin thế giới hiện có hơn 1.500 tàu bay bị ảnh hưởng bởi việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO. Điều này gây ra tình trạng không ổn định, thiếu hụt nguồn lực tàu bay, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch.

Riêng hãng hàng không Vietnam Airlines đang phải dừng 11 tàu bay và dự kiến tới cuối năm sẽ phải dừng thêm 6 tàu bay. Theo dự đoán, ảnh hưởng của việc triệu hồi động cơ có thể kéo dài tới năm 2025 vì quá trình sửa chữa động cơ máy bay thường kéo dài hơn 100 ngày.

Để bù đắp cho sự thiếu hụt tàu bay, tăng thêm nguồn cung ứng, Vietnam Airlines thông tin đang áp dụng nhiều giải pháp. Doanh nghiệp đã tổ chức lại hoạt động sản xuất bằng cách sắp xếp, bố trí lại giờ khai thác, tăng giờ sử dụng máy bay để bù đắp sự thiếu hụt.

"Trong quý I/2024, giờ bay khai thác của đội tàu bay Vietnam Airlines vẫn giữ được như cùng kỳ năm 2023 trong bối cảnh tổng suất cung ứng đã giảm 20%", ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines thông tin.

Ngoài ra, hãng đang làm việc với các nhà sản xuất để tìm giải pháp nhằm sớm hoàn thành việc sửa chữa động cơ, có thêm các phương án dự phòng, thuê tàu bay… Theo kế hoạch từ nay tới cuối năm, hãng sẽ nhận thêm tàu bay để bổ sung nguồn cung.

Vietnam Airlines cũng lên kế hoạch giảm tần suất của một số chặng bay không hiệu quả, bố trí tàu bay vào đêm hoặc sáng sớm nhằm tăng hiệu quả hoạt động.

Quý I/2024 lãi hơn 4.400 tỷ đồng, sớm đưa cổ phiếu HVN về vùng an toàn

Ông Hòa dẫn chứng trong 3 tháng đầu năm nay, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines đã khởi sắc khi đạt lợi nhuận sau thuế 4.441 tỷ đồng (quý cùng kỳ âm hơn 37 tỷ đồng). Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 1.499 tỷ.

Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I cao nhất mà Vietnam Airlines đạt được kể từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần năm 2014.

“Lợi nhuận hợp nhất sau thuế khả quan như vậy là do Vietnam Airlines quyết liệt chỉ đạo Pacific Airline xóa khoản nợ gần 6.000 tỷ đồng đối với các chủ nợ quốc tế”, ông Hòa thông tin thêm.

Dù chưa có kết quả kinh doanh quý II, nhưng việc thị trường hàng không tiếp tục duy trì đà phục hồi chắc chắn sẽ giúp Vietnam Airlines có được kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm. Lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá hãng sẽ cán mốc lợi nhuận dương trong năm 2024.

Tại phiên họp này, Vietnam Airlines đã trình các cổ đông kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 2024-2025 thông qua triển khai các phương án phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.

"Chúng tôi sẽ triển khai ngay sau khi được phê duyệt. Quy mô, số lượng cổ phiếu phát hành sẽ công bố vào thời điểm thích hợp", ông Hòa thông tin với cổ đông.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ bổ sung dòng tiền thiếu hụt phát sinh do dịch bệnh, hoàn trả một phần các khoản nợ được giãn hoãn trong giai đoạn Covid-19. Cùng với đó là triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm.

“Chúng tôi hi vọng với tất cả những giải pháp nêu trên, nỗ lực hiện thực trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ cân đối được thu chi, tái cơ cấu, khắc phục được việc lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu trong các năm tiếp theo.

Và khi tình hình tài chính có thay đổi tích cực, dòng tiền được bổ sung và cải thiện chỉ số tài chính như hồi trước dịch sẽ giúp cổ phiếu HVN sớm trở lại mức an toàn”, ông Hòa hứa với cổ đông.

Cũng trong phiên họp sáng nay, không ít cổ đông đặt câu hỏi về lộ trình khắc phục tình trạng bị cảnh báo và có khả năng bị hủy niêm yết của cổ phiếu HVN.

Giải đáp vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết vài ngày gần đây, mã HVN của hãng đã tăng giá mạnh. Đây hoàn toàn là do yếu tố thị trường, tâm lý của nhà đầu tư và cổ đông quan tâm tác động tới thị giá.

"Về phía tổng công ty, Vietnam Airlines hoàn toàn không tác động. Hãng chỉ làm đúng chức năng là công khai minh bạch các kết quả kinh doanh đúng theo quy định", ông nói.

Theo ông Hòa, trước đó, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị làm đứt gãy nguồn cung ứng nên toàn bộ ngành hàng không, trong đó có Vietnam Airlines bị ảnh hưởng, dẫn tới tình hình tài chính khó khăn.

Dựa trên nguyên nhân chủ yếu là khách quan nên phía Vietnam Airlines đã báo cáo cấp thẩm quyền để có đánh giá phù hợp với mã cổ phiếu HVN của hãng.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/gia-ve-may-bay-da-khong-con-nhay-mua-post1102977.vov