Giải bài toán liên kết vùng

Dù được nói đến rất nhiều nhưng liên kết vùng vẫn tồn tại những thách thức. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và chưa đa dạng...

Diễn đàn “Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương”. (Ảnh: Vân Chi)

Diễn đàn “Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương”. (Ảnh: Vân Chi)

Đây là những vấn đề được đại diện các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế… đưa ra bàn thảo tại Diễn đàn “Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương” diễn ra gần đây tại Hà Nội.

Cần sự kết nối hợp lý

Liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp - nông dân để đẩy mạnh tiêu thụ là giải pháp được đưa ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thừa nhận, liên kết vùng còn rất yếu. Đặc biệt, chuỗi giá trị sản phẩm - yếu tố quan trọng bảo đảm tính hiệu quả chưa thể hiện rõ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay.

Doanh nghiệp được kỳ vọng là đầu tàu dẫn dắt nông dân tiếp cận thị trường, song liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo. Bản thân các doanh nghiệp cho rằng, rất khó hỗ trợ nông dân vì nhiều sản phẩm không đạt đủ điều kiện.

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất đến từ việc bà con nông dân thiếu lòng tin vào doanh nghiệp, nhất là các hợp tác xã (HTX) vùng sâu, vùng xa và khả năng thực hiện cam kết của bà con rất yếu. Bà dẫn chứng, công ty của mình từng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho một số HTX với giá cao gấp đôi so với giá bán trên thị trường, nhưng cứ đến mùa thu hoạch, HTX lại mang hàng tốt đi bán cho các siêu thị, còn hàng loại hai cung cấp cho công ty. Có khi nơi sản xuất cam kết cá sạch, không có dư lượng kháng sinh, nhưng lúc nhập về, công ty kiểm tra phát hiện có dư lượng kháng sinh rất cao.

“Chúng tôi rất muốn phân phối hàng hóa cho bà con nông dân nhưng chỉ được vài vụ đầu người dân thực hiện đúng cam kết. Vì vậy, doanh nghiệp rất khó để liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra lâu dài”, bà Hằng nói.

Vấn đề lòng tin được bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) nhắc đến khi kể về những ngày đầu đầy khó khăn, vất vả để thuyết phục các hộ nông dân địa phương tham gia cùng doanh nghiệp.

“Chúng tôi phải mất đến ba năm để thuyết phục người dân tin vào doanh nghiệp. Chúng tôi kiên trì hỗ trợ đào tạo các hộ nông dân kỹ thuật trồng trọt và canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau một thời gian, nhiều hộ nông dân đã có sản lượng tốt, bán được giá cao hơn, có đầu ra ổn định và không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thấy được kết quả đó, các hộ nông dân khác chủ động đề xuất hợp tác cùng doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Hiện công ty hợp tác với 3.000 hộ nông dân và đặt mục tiêu đến năm 2027, sẽ hợp tác với 10.000 hộ nông dân”, bà Huyền chia sẻ.

Trao đổi từ góc nhìn của một người sản xuất, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì (Hà Nội) cho rằng, “liên kết mà đẩy khó khăn cuối cùng về nông dân là không tạo được ‘sân chơi’ và giá trị thực thụ cho chủ thể liên kết”. Theo ông, đáng lẽ các doanh nghiệp phân phối phải là bên “đặt hàng” cho nông dân sản xuất gì, bán cho ai, tiêu chuẩn ra sao, mẫu mã bao bì thế nào. Song thực tế, nông dân vẫn phải tự “bơi”.

“Là nhà sản xuất, chúng tôi rất muốn được là một mắt xích của liên kết vùng nhưng chưa có cơ hội giao lưu với những chủ thể đầu ra, chưa biết phải tìm đến ai, cơ quan quản lý nào để tiếp cận thông tin, chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu nhà bán buôn”, ông Hùng cho hay.

Tính đến hết tháng Sáu, cả nước có 30.425 HTX và 120.983 tổ hợp tác trong đó có 76.456 tổ hợp tác nông nghiệp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định, sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh từng địa phương. Chủ thể liên kết quan trọng là doanh nghiệp, HTX và các tổ chức về kinh tế chưa phát huy được vai trò của mình.

“Rõ ràng trong quá trình thiết lập mô hình hợp tác liên kết, chúng ta ít nói về hoạt động này, mà chỉ bàn chung chung về định hướng, cam kết chính trị, về chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính những hạn chế này làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng”, ông Thịnh dẫn chứng, đồng thời nhấn mạnh điều cần làm trong thời gian tới là phải thay đổi cách làm, nhất là sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ sung cho nhau.

Bứt phá khỏi cách làm cũ

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho rằng, để liên kết vùng “cất cánh”, cần bứt phá khỏi cách làm cũ và thực hiện liên kết vùng theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh và tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, các địa phương cần nhận thức về lợi ích của liên kết vùng và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động kinh tế và đầu tư.

Còn theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với đặc điểm nền kinh tế còn phát triển manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết… đòi hỏi các vùng ở Việt Nam phải có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế”.

Theo đó, Viện trưởng CIEM khuyến nghị, các doanh nghiệp, HTX phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ hơn, theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng.

Hội nhập cũng buộc từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng vùng, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý. TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho hay, trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.

Để tăng tính liên kết trong phát triển kinh tế nông nghiệp, ông Hùng cho rằng cần kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh để sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp luật, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý, các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

“Để không bị đứng ngoài liên kết vùng, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thiết lập các mối liên kết phù hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như liên kết về thị trường, liên kết trong chuỗi giá trị của nông sản”, ông Hùng đề xuất.

Phan Mích

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giai-bai-toan-lien-ket-vung-237875.html