Giải bài toán nội địa hóa công nghệ trong năng lượng tái tạo

Phát triển ngành năng lượng tái tạo (NLTT) cần có những chính sách quyết liệt hơn, cũng như sự hợp tác chủ động và chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và các đơn vị nghiên cứu, từ đó gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi giá trị.

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023 lần thứ 6 diễn ra ngày 14-12 tại Hà Nội với chủ đề “Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam”. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức cùng tổ chức.

Toàn cảnh Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam lần thứ VI, ngày 14-12-2023.

Toàn cảnh Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam lần thứ VI, ngày 14-12-2023.

Chưa có nhiều doanh nghiệp Việt tham gia hệ sinh thái điện mặt trời

Theo bà Trương Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trong lĩnh vực điện mặt trời, trong số 8 doanh nghiệp hỗ trợ thì chỉ có 1 doanh nghiệp là công ty Việt Nam, chủ yếu là làm giá, kệ, khung liên quan cho điện mặt trời hoặc robot hút bụi. Bà Bình cũng chỉ ra rằng những công nghệ lõi như tua-bin (chiếm khoảng 60% giá thành đầu tư) hay tấm quang năng (chiếm khoảng 55%) thì doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ bước chân vào thị trường. Bà cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng cho dự án năng lượng tái tạo, nhưng giá thành cao, dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp so với doanh nghiệp nước ngoài.

Đối với lĩnh vực điện gió, bà Bình cho biết, hiện nay có dưới 5 công ty tại Việt Nam đang làm linh kiện cho tua-bin gió cả ngoài khơi và trên bờ. Tất cả là đều phục vụ cho công ty nước ngoài và xuất khẩu. Các doanh nghiệp hiện sản xuất khoảng 100 linh kiện khác nhau của 1 tua-bin. Mặc dù sản lượng không lớn như những ngành công nghiệp chế tạo khác như ô tô, xe máy, điện tử nhưng lợi nhuận lại cao hơn hẳn. Do đó, đây là ngành rất hấp dẫn trong nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Bình, mặc dù các doanh nghiệp hỗ trợ đã hoạt động nhiều năm, nhưng họ không mặn mà với ưu đãi về thuế, vì phần ưu đãi liên quan tới thuế không nhiều. Trong khi cái họ cần là đầu tư ban đầu bao gồm: vốn, công nghệ, đất đai.

Nhận định về khó khăn, thách thức khi triển khai các dự án năng lượng tái tạo, bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các nước Đông Nam Á (CASE) của GIZ chỉ ra rằng với điện gió trên bờ, Việt Nam hiện không có nhà máy sản xuất nacelle (lớp vỏ của tua bin), hub (tâm của thiết bị gắn liền với cánh quạt giúp tạo ra điện năng) và cánh quạt, chưa sản xuất được cáp ngầm biển. Các nhà cung cấp cáp hiện tại có thể mở rộng nhà máy để cung cấp cáp ngầm cho điện gió ngoài khơi, nhưng lại phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà cung cấp khác ở châu Á.

Cơ hội gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong công nghệ năng lượng tái tạo

Các chuyên gia về NLTT đánh giá, ba mảng có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này tại Việt Nam là điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời, trong giai đoạn 2025-2050 có thể đạt tới 160 tỉ đô la Mỹ. Bà Vũ Chi Mai cho rằng Việt Nam rất có tiềm năng trong việc thúc đẩy thị trường nội địa hóa. Đến năm 2050, tỷ lệ sẽ tăng từ 45% lên gần 80% đối với điện mặt trời, từ 37% lên 55% đối với điện gió vào năm 2050. Giá trị nội địa hóa có thể đạt tới 80 tỉ đô la Mỹ, chiếm 50% tổng tiềm năng thị trường.

Bà Vũ Chi Mai – Giám đốc Dự án CASE chia sẻ nghiên cứu của GIZ về tiềm năng nội địa hóa các dự án điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam.

Bà Vũ Chi Mai – Giám đốc Dự án CASE chia sẻ nghiên cứu của GIZ về tiềm năng nội địa hóa các dự án điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, những rào cản chính lúc này là thiếu kinh nghiệm, thiếu lực lượng lao động trình độ cao; giá nguyên vật liệu, vận chuyển cao, và đặc biệt là thiếu các cơ chế chính sách mang tính thúc đẩy.

“Mở khóa” chính sách, tích cực nghiên cứu và tăng cường hợp tác

Trong bối cảnh Việt Nam đang “đi sau” thế giới về các công nghệ lõi trong năng lượng tái tạo, các chuyên gia cho rằng trọng tâm của giai đoạn này là tăng dần tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng và các dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Đồng thời, tiến tới hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo.

Bà Trương Chí Bình cho rằng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ năng lượng, cần sự hợp tác 3 bên: Nhà nước với những chính sách quyết liệt thúc đẩy nội địa hóa sản xuất, doanh nghiệp chủ động đầu tư và tìm thị trường, các hiệp hội, tổ chức hợp tác như GIZ tích cực hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu và kết nối nguồn lực trong nước, quốc tế.

Đại diện các bên: Nhà nước, Doanh nghiệp, Hiệp hội và Tổ chức Quốc tế cùng thảo luận về giải pháp để tăng tỉ lệ nội địa hóa trong phát triển năng lượng tái tạo.

Đại diện các bên: Nhà nước, Doanh nghiệp, Hiệp hội và Tổ chức Quốc tế cùng thảo luận về giải pháp để tăng tỉ lệ nội địa hóa trong phát triển năng lượng tái tạo.

Về phía doanh nghiệp, ông Đinh Văn Tuân, Phó tổng Giám đốc Công ty Ba Son dẫn chứng: Doanh nghiệp như Ba Son đã, đang đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng thế giới. Doanh nghiệp rất cần nhà nước hỗ trợ chính sách về vốn và lãi suất để khơi thông dòng vốn đầu tư.

Đại diện GIZ cho rằng, để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa những công nghệ liên quan đến điện gió và điện mặt trời, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, có chính sách về chuyển giao công nghệ, các dự án thử nghiệm, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng. Nguồn nhân lực chính là khoản tài chính mềm rất quan trọng để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Với kinh nghiệm từ Đức – quốc gia tiên phong về công nghệ năng lượng tái tạo, GIZ đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong nhiều hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển năng lượng tái tạo.

Han Phan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giai-bai-toan-noi-dia-hoa-cong-nghe-trong-nang-luong-tai-tao/