Giải cho bài toán vật liệu làm cao tốc dễ hay khó?

Bài toán thiếu vật liệu làm cao tốc chưa bao giờ hết nóng. Nhất là khi hàng loạt dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông được triển khai.

Vấn đề thiếu vật liệu luôn là bài toán khó của các dự án cao tốc trong nhiều năm qua.

Vấn đề thiếu vật liệu luôn là bài toán khó của các dự án cao tốc trong nhiều năm qua.

Rào cản lớn cho tiến độ dự án

Hiện nay, toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 đều đã khởi công được hơn nửa năm nhưng do thiếu vật liệu nên tiến độ triển khai các dự án bị ảnh hưởng lớn.

Đơn cử như các gói thầu từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa. Theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu cho những gói thầu này là gần 46 triệu m3 đất đắp, 9,04 triệu m3 cát và 17,37 triệu m3 đá. Đây là khối lượng rất lớn, nếu không có sự vào cuộc của địa phương rất khó khơi thông được nguồn đất đắp này.

Tương tự, những gói thầu An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long…, dù mặt bằng đã được bàn giao cho đơn vị thi công nhưng nhiều mũi thi công khác buộc phải làm việc cầm chừng do thiếu đất đắp nền. Điển hình là cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh. Ngay sau khi khởi công, các nhà thầu đã huy động tối đa phương tiện, nhân lực thi công song do vấn đề thiếu hụt vật liệu, chủ yếu là đất đắp nền nên nhà thầu buộc phải hoạt động cầm chừng.

Trước những khó khăn về cấp phép mỏ và vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam, vừa qua, Bộ GTVT đã thành lập 2 Tổ công tác kiểm tra, làm việc với các tỉnh, thành phố để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2).

Trong đó, Tổ công tác số 1 do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ làm Tổ trưởng, được giao nhiệm vụ kiểm tra, làm việc với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định. Tổ công tác số 2 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm làm Tổ trường, có nhiệm vụ kiểm tra, làm việc với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Cát biển đã được tính đến để làm vật liệu cho các dự án cao tốc phía Nam.

Cát biển đã được tính đến để làm vật liệu cho các dự án cao tốc phía Nam.

Có chuyển biến nhưng còn chậm

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ban, ngành liên quan cùng sự vào cuộc tích cực của các địa phương, bài toán thiếu vật liệu làm cao tốc đã được tháo gỡ đáng kể. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Thống kê từ Bộ GTVT cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương mới xác nhận bản đăng ký của 42/69 mỏ các nhà thầu trình. Trong số 42 mỏ được xác nhận bản đăng ký, các nhà thầu mới khai thác được 15 mỏ. Còn 27 mỏ đã trình các cơ quan có chức năng nhưng chưa được chấp thuận.

Các mỏ chưa khai thác, chưa xác nhận bản đăng ký chủ yếu do việc thương thảo với chủ sở hữu đất về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Một số mỏ phải thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất.

Thứ nhất là chuẩn bị về nguồn khoáng sản gần các công trường thi công, có đảm bảo trữ lượng không. Thứ hai là thủ tục để khai thác khoáng sản đấy để cung cấp cho công trình có vướng mắc gì không, chúng ta cũng phải giải quyết trước khi khởi công công trình đấy. Thứ ba là phương pháp khai thác và phương tiện, đường xá để vận chuyển đến công trình có đảm bảo được tiến độ" PGS.TS Lương Đức Long

Trước tình hình trên, Bộ GTVT đã tiếp tục có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện những thủ tục về mỏ VLXD thông thường theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, thành lập các tổ công tác thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định. Đối với những trường hợp cố tình đầu cơ, nâng giá vật liệu trái phép, các địa phương cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc.

Riêng 27 mỏ đã được địa phương xác nhận bản đăng ký, Bộ GTVT đề nghị các địa phương cần hoàn thành thủ tục để khai thác trong tháng 8/2023 và phấn đấu khai thác được 27 mỏ đã trình địa phương xác nhận bản đăng ký trong tháng 9/2023.

Để giải bài toán vật liệu làm cao tốc, cần có sự chuẩn bị chu đáo cũng như phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Để giải bài toán vật liệu làm cao tốc, cần có sự chuẩn bị chu đáo cũng như phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Chuẩn bị chu đáo, phối hợp chặt chẽ

Theo nhận định của các chuyên gia, những động thái quyết liệt của Bộ GTVT trong thời gian qua là cần thiết, thể hiện đúng vai trò của cơ quan đầu ngành trong lĩnh vực GTVT. Tuy nhiên, nếu chỉ mình Bộ GTVT là chưa đủ. Điều quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc tích cực và hiệu quả của các bộ, ban, ngành liên quan cũng như các địa phương có đường cao tốc đi qua.

TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện kinh tế tài nguyên môi trường TP Hồ Chí Minh đánh giá, việc nhiều dự án xây dựng đường cao tốc bị chậm tiến độ do thiếu vật liệu cho thấy công tác chuẩn bị cho dự án còn nhiều bất cập và sự phối hợp giữa các ngành, các nhà thầu và các địa phương nơi có công trình đi qua còn lỏng lẻo.

Tuy nhiên, TS Phạm Viết Thuận cũng nhận định, không khó để giải được bài toán thiếu vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đường cao tốc. Quan trọng nhất là cần phải thực hiện quy hoạch những mỏ khoáng sản nào được khai thác phục vụ dự án ngay từ ban đầu; đồng thời cần có sự phối hợp với đội ngũ kỹ thuật thi công thiết kế ban đầu với các địa phương để tìm ra giải pháp về vật liệu xây dựng phù hợp với nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương.

“Những hợp đồng trước đây cũng có nhiều mỏ đá hết hạn thì phân quyền cho các tỉnh cấp chủ trương. Trước khi cấp chủ trương, địa phương phải có báo cáo đánh giá khối lượng trữ lượng trên địa bản, đáp ứng bao nhiêu % của dự án; khảo sát cho vừa đúng nội dung công việc, vừa đúng khối lượng để đáp ứng nhu cầu của dự án trọng điểm của tỉnh đó” – TS Phạm Viết Thuận nói.

Trong khi đó, PGS. TS Lương Đức Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho rằng, với trữ lượng lớn khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở nước ta hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu làm cao tốc, chỉ cần có sự chuẩn bị chu đáo các yếu tố, điều kiện để làm đường cao tốc.

Theo tính toán của Bộ GTVT, các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần hơn 47 triệu m3 đất, 17 triệu m3 đá và gần 9,7 triệu m3 cát. Trong khi đó, các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, nhu cầu vật liệu đá khoảng gần 1,4 triệu m3, vật liệu đất đắp khoảng 1,7 triệu m3 và hơn 18 triệu m3 cát đắp.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-cho-bai-toan-vat-lieu-lam-cao-toc-de-hay-kho.html