Giải mã xu hướng ngày càng nhiều người rời bỏ Thung lũng Silicon
Anh Peter Mullen không hề đắn đo với quyết định chuyển từ miền Trung nước Mỹ tới California. Việc bị bó hẹp trong một ngôi nhà nhỏ và bị giới hạn vì chi phí sinh hoạt quá cao ở Thung lũng Silicon đã khiến Mullen quyết định quay trở lại quê hương ở Tulsa (bang Oklahoma), nơi anh đã trải qua thời thơ ấu.
Mô tả về Tulsa, Mullen cho biết nơi đây có "những con người tuyệt vời, cực kỳ thân thiện và điềm đạm, điều đặc biệt là hầu như không có giao thông". Anh chia sẻ rằng cậu con trai 8 tuổi của mình cũng rất thích môi trường mới này và không hề tỏ ra muốn quay trở lại California.
Mullen nằm trong số lượng lớn nhân viên làm việc trong lĩnh vực công nghệ rời bỏ các trung tâm truyền thống như San Francisco, Seattle và New York. Thực trạng này không phải do đại dịch COVID-19 xuất hiện mới bùng phát, nhưng nhiều ý kiến cho rằng COVID-19 đã ngày càng đẩy ngành công nghiệp này ra xa các "thành trì" ven biển của nó.
Nghiên cứu gần đây của Viện Brookings cho thấy tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực công nghệ ở hầu hết các khu vực ven biển đã bắt đầu chậm lại vào năm 2020, ngay cả khi số việc làm đã gia tăng tới hơn 20% so với những nơi khác. Tương tự, dữ liệu điều tra dân số mới được công bố cho thấy New York, Los Angeles và San Francisco là những thành phố bị "thất thoát" dân số nhiều nhất trong năm ngoái.
Trên thực tế, nhiều người đã tận dụng lợi thế của việc "linh hoạt thích ứng với dịch bệnh COVID-19" theo hướng làm việc từ xa để chuyển đến sống tại các khu vực có chi phí sinh hoạt thấp hơn. Điều này giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương, nhưng cũng tạo ra áp lực về nhà ở và các công trình công cộng cho những nơi này.
Theo Viện Brookings, sự thay đổi này được phản ánh trong cả tình trạng cả nhân viên công nghệ dịch chuyển và cả số công ty thành lập bên ngoài các khu vực trung tâm truyền thống. Hiện các nhà quản lý và chuyên gia trong ngành tranh luận về việc liệu nhân viên nên được phép làm việc từ xa vĩnh viễn hay không. Một số công ty công nghệ lớn như Facebook, Twitter và LinkedIn sẽ cho phép nhiều nhân viên làm việc dài hạn tại nhà, trong khi những công ty khác như Google đang tìm cách đưa nhân viên trở lại văn phòng.
Ngành công nghệ của Mỹ sử dụng gần 9 triệu nhân công và trị giá khoảng 1.800 tỷ USD - tương đương 9% quy mô nền kinh tế quốc dân, theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp công nghệ máy tính. Tuy nhiên, khoảng 50% số việc làm được tạo ra từ năm 2015 đến năm 2019 chỉ ở 8 khu vực đô thị lớn. Ông Mark Muro - trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Brookings - cho biết: "Mật độ tập trung cao đã kéo theo các vấn đề về giao thông và nhà ở tại các trung tâm công nghệ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hầu hết phần còn lại của đất nước cảm thấy bị 'ngắt kết nối' và do đó trở nên ngờ vực ngành công nghiệp này".
Chính quyền các thành phố và thị trấn nhỏ hơn đã công bố một loạt các chương trình ưu đãi từ tiền mặt đến phiếu mua hàng, nhằm tìm cách lôi kéo các doanh nghiệp và nhân viên công nghệ được trả lương cao chuyển chỗ ở.
Tulsa bắt đầu chiến dịch thu hút nhân viên làm việc từ xa chuyển đến sống tại thành phố này vào năm 2019, thông qua một sáng kiến từ thiện có tên Tulsa Remote - một chương trình cung cấp tiền trợ cấp, hỗ trợ nhà ở, không gian văn phòng và hơn thế nữa. Bản thân anh Peter Mullen cũng được tặng 10.000 USD tiền mặt và nhiều đặc quyền khác khi chuyển đến đây sinh sống.
Chuyên gia Justin Harlan cho biết trong bố cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, nơi đây đã chứng kiến một "sự gia tăng rất lớn các đơn đăng ký mới". Theo ông Harlan, "các ưu tiên đang thay đổi theo hướng có lợi cho các thành phố như Tulsa, nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn và nhiều việc làm". Từ mức 60 người đăng ký vào năm 2019, chương trình Tulsa Remote đã thu hút 350 người trong năm 2020, tiếp đó là 950 người vào năm 2021. Khoảng 50% trong số này là những công nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ, chủ yếu là chuyển từ San Francisco và New York tới.Trong năm 2021, các thành viên của Tulsa Remote đã đóng góp 65 triệu USD cho nền kinh tế địa phương.
Kể từ khi chính quyền thành phố Tulsa thực hiện sáng kiến trên, khoảng 50 chương trình tương tự cũng đã được tung ra trên toàn quốc, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Bang Colorado cũng đã mời gọi các nhân viên trong lĩnh vực công nghệ ở nơi khác đến gây dựng cuộc sống để có thể "xoay chuyển sự nghiệp". Thủ phủ của bang này là thành phố Denver cũng có giá nhà ở thấp hơn so với mặt bằng chung trong cả nước và nơi đây luôn ngập tràn nắng và gió.
Trong khi đó, chính quyền thành phố Johnson (thuộc bang Tennessee) sẽ trợ giá 500 USD khi bạn mua một chiếc xe đạp mới, cùng nhiều đặc quyền khác. Còn một thị trấn ở Indiana thậm chí đang chào hàng dịch vụ trông trẻ theo yêu cầu.
Tuy nhiên, sự thành công của những địa điểm này cũng biến các thành phố trở thành các nạn nhân. Nhiều chuyên gia cho biết: "Cơ sở công nghệ ở Madison đã phát triển nhanh chóng đến mức bắt đầu có những dấu hiệu của áp lực về nhà ở, giao thông và sự hòa nhập xã hội. Trong khi "nhiều địa điểm nhỏ hơn bắt đầu tận hưởng nhiều hơn sự tăng trưởng này, nhưng họ cũng sẽ cần tìm ra cách quản lý nó tốt hơn".