Giải ngân vốn đầu tư công: Không thể chần chừ thêm

Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 4 đã có sự tăng tốc, nhưng tỷ lệ giải ngân chung của 4 tháng vẫn thấp, thấp hơn cả cùng kỳ năm trước. Tháng đầu tiên của quý II đã kết thúc nhưng lượng vốn cần được đưa vào xã hội còn rất lớn. Do đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là việc làm cấp thiết hiện nay, không thể chần chừ.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Tích cực vào cuộc nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8%, các địa phương đã rất chú trọng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Đơn cử như tỉnh Bình Thuận có tổng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2025 là 5.033 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn cho các chương trình, dự án. Bên cạnh đó, tỉnh đã linh hoạt điều chuyển kịp thời 469 tỷ đồng từ các dự án chậm giải ngân (do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đấu thầu giảm giá, chưa có khối lượng thực hiện...) sang các dự án có nhu cầu về vốn có khả năng giải ngân nhanh hơn. Đồng thời, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo và kiểm tra trực tiếp tại công trường để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Điểm tên các bộ, ngành giải ngân thấp

Trong 4 tháng đầu năm, còn 9 bộ, ngành chưa giải ngân như Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Kiểm toán nhà nước… và 15 bộ, ngành, 12 địa phương giải ngân rất thấp như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại học quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Khánh Hòa; Cao Bằng; Bình Dương; Đồng Nai; An Giang; Sóc Trăng; Quảng Trị…

Tại Đà Nẵng, ngay từ đầu năm, thành phố đã chủ động triển khai và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công. Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân, đẩy nhanh quá trình thi công các công trình, dự án, tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi, nhằm bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch được giao. Đặc biệt, trong công tác giải phóng mặt bằng, các quận, huyện trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã tích cực rà soát, xử lý hồ sơ bồi thường, hỗ trợ và phối hợp vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện các dự án.

Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo trong giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh đã thúc đẩy và tháo gỡ nhiều khó khăn trong đầu tư công như giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên liệu san lấp… Đáng chú ý, với những khó khăn về nguồn nguyên liệu san lấp mặt bằng vốn tồn đọng từ lâu đã được tỉnh tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án động lực, trọng điểm.

Mặc dù các địa phương đã tích cực vào cuộc, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn vẫn chưa đạt như kỳ vọng đặt ra. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 4/2025, tỉnh Bình Thuận mới giải ngân được trên 675 tỷ đồng, đạt trên 13% kế hoạch (5.033 tỷ đồng); TP. Đà Nẵng giải ngân được 1.365 tỷ đồng, đạt trên 15,6% kế hoạch (trên 8.744 tỷ đồng); tỉnh Quảng Ninh giải ngân trên 1.943 tỷ đồng, đạt trên 16,3% kế hoạch (11.906 tỷ đồng).

Đồng thời, cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, kết thúc tháng 4/2025, cả nước ước giải ngân trên 128.512 tỷ đồng, đạt 14,32% kế hoạch; đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, so với tiến độ giải ngân của 3 tháng đầu năm, giải ngân trong tháng 4 đã bắt đầu có sự tăng tốc, nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 đạt 15,64% kế hoạch và đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Tập trung cao độ cho công tác giải ngân

Chiều 7/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hàng năm tại một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Tại đây, các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân đã được các bộ, ngành, địa phương thuộc quản lý của Tổ công tác số 2 chỉ ra cụ thể, như: vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc đất, đơn giá, phương án đền bù, thu hồi, giải phóng mặt bằng; chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng. Quy trình, thủ tục đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa đối với các dự án mất nhiều thời gian. Ngoài ra, còn tình trạng thiếu hụt nguồn cung vật liệu, đặc biệt là nguồn cát tự nhiên của một số địa phương do các mỏ đang bị cơ quan chức năng điều tra việc cấp phép và khai thác. Những khó khăn này cũng là tình trạng chung mà nhiều bộ, ngành, địa phương đang gặp phải.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ những khó khăn, vướng mắc do cơ chế, chính sách từ trước tháng 4/2025 đã được tháo gỡ, giải quyết trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Những khó khăn còn lại chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện tại một số dự án cụ thể.

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, đánh giá nghiêm túc về khó khăn, vướng mắc liên quan đến kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức, đơn vị hành chính. Đồng thời, chủ động khắc phục những tồn tại, hạn chế của đơn vị mình, địa phương mình khi vận dụng cơ chế, chính sách hiện có để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, trong giai đoạn sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn trong việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nói chung, đặc biệt dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án giao thông trọng điểm.

Ngoài ra, UBND cấp tỉnh phải xác định rõ tiến độ giải ngân của từng dự án, thường xuyên kiểm tra thực địa, nắm chắc các vướng mắc tại cơ sở, nhất là khi địa bàn được sáp nhập có thể trở nên rộng hơn. Kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền các vấn đề vượt khả năng xử lý (nguồn vốn, đền bù tái định cư, thủ tục pháp lý…).

Không tạo "khoảng trống" khiến các dự án đình trệ

Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công trong cả nước còn thấp, nhất là trong bối cảnh cả nước đang trong giai đoạn sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh công tác này trong những tháng tiếp theo.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các cấp chính quyền chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phải thực hiện phân công, phân nhiệm các đầu mối chịu trách nhiệm tiếp quản đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, kế hoạch đầu tư công của các chương trình, dự án, nhiệm vụ. Các hoạt động liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công còn dang dở của các chương trình, dự án, nhiệm vụ đầu tư công như: lập kế hoạch, thẩm định, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án, nghiệm thu khối lượng, thanh toán… phải được bàn giao rõ ràng, tránh để xảy ra “khoảng trống” khiến dự án bị đình trệ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần kiện toàn nhân sự, tránh đứt gãy trong điều hành. Cụ thể, trong quá trình sáp nhập, các bộ, ngành, địa phương bố trí đủ cán bộ để tiếp tục triển khai dự án. Cán bộ cũ có trách nhiệm phối hợp đến khi hoàn tất bàn giao, cán bộ mới chủ động rà soát, nắm thông tin, kịp thời đôn đốc tiến độ. Các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành ở các cấp để khớp nối liên tục, bảo đảm không xảy ra tình trạng “bỏ sót” việc, đình trệ công việc.

Đặc biệt, khi thay đổi địa giới hành chính, rất có thể cần điều chỉnh đơn vị nhận vốn, thay đổi chủ thể ký hợp đồng, quyết định đầu tư… Do đó, các địa phương cần khẩn trương hoàn tất các hồ sơ, thủ tục điều chỉnh hoặc thống nhất kế hoạch (ví dụ như điều chuyển kế hoạch vốn từ cấp huyện cũ sang cấp tỉnh hoặc xuống cấp xã) để bảo đảm không ách tắc trong luồng giải ngân.

Quá trình sáp nhập sẽ có nhiều điểm mới, vướng mắc chưa có tiền lệ. Do vậy, các địa phương cần chủ động trao đổi với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các cơ quan khác ở trung ương... để có các hướng dẫn cụ thể.

Hạnh Thảo

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-khong-the-chan-chu-them-176093.html