Giải pháp AI tạo sinh cho ngành tài chính Việt Nam

Các mô hình ngôn ngữ lớn có thể được tinh chỉnh, tích hợp vào nhiều công cụ để giải quyết nhiều vấn đề trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

 Chatbot ViFi hỗ trợ xử lý hợp đồng bảo hiểm.

Chatbot ViFi hỗ trợ xử lý hợp đồng bảo hiểm.

Trong trào lưu trí tuệ tạo sinh (Generative AI), những mô hình chatbot trả lời câu hỏi, thực thi lệnh người dùng như ChatGPT, Gemini hay Claude là công cụ xuất hiện trước, trao cơ hội làm quen cho người dùng. Tuy nhiên, LLM (mô hình ngôn ngữ lớn) có thể được tùy chỉnh để được khai thác ở đa lĩnh vực, giải quyết bài toán cụ thể của khách hàng, doanh nghiệp.

Năm ngoái, VinBigdata công bố ViGPT, mô hình ngôn ngữ lớn cho tiếng Việt. Đây là một trong những LLM được đào tạo trên kho dữ liệu chất lượng cao trong nhiều năm, có tốc độ phản hồi nhanh và tự nhiên của Việt Nam. Gần đây, doanh nghiệp này tinh chỉnh AI của mình và tích hợp vào bộ ứng dụng ViFi, để khai thác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

 Ông Đào Đức Minh, Giám đốc Điều hành VinBigdata.

Ông Đào Đức Minh, Giám đốc Điều hành VinBigdata.

Cụ thể, AI tạo sinh được ứng dụng để thay thế con người, trong một số tác vụ lặp lại. Đồng thời, với miền dữ liệu lớn được cung cấp, công cụ trí tuệ nhân tạo có thể đạt được sự cá nhân hóa mà những phương pháp cũ không làm được.

Về cấu trúc, ViFi gồm các trợ lý ảo trong mảng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hay vận hành nội bộ. Giải pháp hiện thời cung cấp khả năng tương tác bằng văn bản (Chatbot) hay âm thanh (Callbot) tự nhiên như người thật. Khi ứng dụng tại các tổ chức tài chính, AI sẽ thay thế nhân viên truyền thống trong việc giải đáp thắc mắc khách hàng, hỗ trợ dịch vụ, xử lý sự cố…

Tại sự kiện ra mắt, trợ lý ViFi được trình diễn hỗ trợ người dùng mở thẻ, thu thập dữ liệu hợp đồng bảo hiểm… với văn phong tự nhiên, tốc độ nhanh không kém người thật. Ngay cả khi gặp tình trạng khách hàng nói chuyện ngập ngừng, thông tin thiếu, callbot AI vẫn xử lý mượt mà.

Trả lời Tri Thức - Znews, ông Đào Đức Minh, Giám đốc Điều hành VinBigdata cho biết doanh nghiệp hiểu rõ mức đầu tư ban đầu cho AI có thể cao hơn chi phí thuê nhân sự làm việc cơ bản. Tuy nhiên, công ty có thể làm việc với đối tác để cân đối một mức đầu tư phù hợp. Theo ông Minh, ở một số trường hợp cụ thể, AI có thể giúp tiết kiệm nhiều lần cho các ngân hàng, tổ chức tài chính.

“Mỗi doanh nghiệp có mức độ quan tâm và đầu tư cho AI khác nhau. Trong đó, một số tổ chức muốn xây dựng cả hạ tầng để phục vụ, chi phí sẽ cao hơn đáng kể. Trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu, đa số đối tác chọn tính tiền trên số lượt sử dụng dịch vụ để đo lường hiệu quả”, ông Minh nói thêm.

Đi kèm với mô hình ngôn ngữ lớn, VinBigdata cung cấp thêm các công cụ hỗ trợ như xác thực khuôn mặt, âm thanh hỗ trợ eKYC, Freeform smart OCR nhằm trích xuất dữ liệu ký tự từ hình ảnh khách hàng gửi lên, thay thế tác vụ thủ công tốn nhiều thời gian.

Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp trong mảng ngân hàng ứng dụng AI trong dịch vụ và thu về thành tựu đáng kể. Ví dụ như trợ lý ảo Erica từ Bank of America tạo ra hơn 2 tỷ tương tác, JP Morgan ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện gian lận, tăng tốc duyệt hồ sơ…

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://znews.vn/giai-phap-ai-tao-sinh-cho-nganh-tai-chinh-viet-nam-post1497444.html