Giải pháp cầu cạn trong bối cảnh khan hiếm nguồn cát
Đây là chủ đề hội thảo khoa học do Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) phối hợp với 6 công ty và hiệp hội tổ chức sáng 12-4.

Cao tốc Trung lương - TPHCM có 14km cầu cạn
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước.
Mục tiêu đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045 là hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, đồng thời ưu tiên phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực hạ tầng trọng yếu như: năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, và đặc biệt là hạ tầng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, hạ tầng giao thông tiếp tục giữ vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, khu vực phía Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, đang phải đối diện với hàng loạt thách thức như: thiếu hụt vật liệu đắp nền đường, điều kiện địa chất yếu, và những yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường.
Trước thực trạng này, việc tìm kiếm các giải pháp hạ tầng bền vững và phù hợp với điều kiện địa phương trở thành yêu cầu cấp thiết. Giải pháp cầu cạn đã và đang được đánh giá là một trong những phương án tối ưu, không chỉ giúp rút ngắn thời gian thi công mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm chi phí bảo trì và đảm bảo tuổi thọ công trình.

TS. Phan Hữu Duy Quốc trình bày tại hội thảo
Ông Phan Hữu Duy Quốc, Chủ tịch HĐQT CC1, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bê tông Việt Nam, nhấn mạnh tính cấp thiết của giải pháp cầu cạn trong việc phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam. Theo ông Quốc, sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng và giao thông trong thời gian gần đây khiến cho giải pháp cầu cạn trở nên khả thi hơn trước rất nhiều.
Bên cạnh đó, chi phí xây dựng không nên được coi là tiêu chí duy nhất để so sánh lựa chọn giải pháp tối ưu, mà các yếu tố tác động của công trình giao thông đến môi trường tự nhiên, môi trường sống và yếu tố phát triển bền vững cần được xem xét một cách thấu đáo.
Đáng chú ý, cũng trong sự kiện, CC1 đã thành lập Nhóm nghiên cứu giải pháp cầu cạn, với sự tham gia tự nguyện của các bên ký kết. Nhóm vừa là diễn đàn trao đổi, chia sẻ các giải pháp công nghệ và kỹ thuật, vừa đóng vai trò là một hệ sinh thái hợp tác bền vững, vận hành theo nguyên tắc tự nguyện và không bị ràng buộc bởi chi phí.

Nhóm nghiên cứu giải pháp cầu cạn
Mục tiêu Nhóm là tạo ra một không gian mở, nơi các bên cùng nhau nghiên cứu, phát triển và đề xuất các phương án tối ưu cho hạ tầng giao thông khu vực phía Nam, đặc biệt là giải pháp tối ưu hóa hệ thống cầu cạn.
Sáng kiến này không chỉ tạo ra giá trị thiết thực cho các dự án công trình giao thông, mà còn thể hiện tâm huyết cống hiến cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, nó cũng trở thành nguồn cảm hứng lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong ngành xây dựng, thúc đẩy sự hợp tác và đổi mới sáng tạo.