Giải pháp huy động nguồn lực tài chính trong kỷ nguyên phát triển mới
Sáng 28-3, tại TPHCM, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị 'Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam', với sự tham gia của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế.
Phát triển hệ thống quỹ đầu tư: Vẫn còn khiêm tốn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2024 tuy đạt nhiều kết quả ấn tượng nhưng hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đến cuối 2024 chỉ chiếm 1,2% vốn hóa thị trường; tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ tương đương 3,4% tổng tài sản của tổ chức tín dụng. Số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Với FDI, tuy thu hút mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng vẫn tồn tại nhiều vướng mắc về đất đai, thuế, hải quan, thủ tục ngoại hối... Trong bối cảnh Việt Nam hướng đến tăng trưởng GDP từ 8% trở lên từ năm 2025, việc huy động nguồn vốn qua quỹ và FDI trở thành động lực quan trọng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh việc tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế, cần có các chính sách huy động nguồn lực hiệu quả từ cả khu vực tư nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, việc phát triển hệ sinh thái quỹ đầu tư đóng vai trò trung gian quan trọng để dẫn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng chiến lược. Ông cũng kêu gọi cộng đồng tài chính quốc tế đồng hành cùng Chính phủ trong nỗ lực cải thiện chất lượng dòng vốn, thúc đẩy phát triển bền vững.

Bà Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương cho biết: ngành quỹ Việt Nam tăng trưởng trung bình 20%/năm trong một thập kỷ qua, nhưng quy mô vẫn khiêm tốn, chỉ đạt hơn 750.000 tỷ đồng (gần 6% GDP). Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số, khiến thị trường dễ bị tâm lý ngắn hạn chi phối. Trong khi đó, để đạt tăng trưởng GDP 8 - 10% từ 2025, Việt Nam cần tăng mạnh khả năng huy động vốn trung - dài hạn, trong đó quỹ đầu tư là kênh then chốt.
UBCKNN đề xuất nhiều giải pháp, đó là đào tạo nhà đầu tư cá nhân chuyển sang đầu tư chuyên nghiệp qua quỹ; phát triển quỹ chỉ số, quỹ hạ tầng, quỹ tiền tệ; đa dạng hóa chỉ số chứng khoán, hàng hóa niêm yết; tăng hạn mức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lên 20%; thúc đẩy phát hành chứng chỉ lưu ký quốc tế. Đồng thời, phối hợp cùng Bộ Tài chính chuẩn bị điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi để thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu.

Hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các nhà đầu tư quốc tế hiến kế
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital, cho rằng, ngành quản lý quỹ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. Tổng tài sản quản lý chỉ bằng một phần nhỏ so với Thái Lan, Indonesia. Tỷ lệ người dân có tài khoản chứng khoán chỉ 7%, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, khiến thị trường biến động mạnh và thiếu ổn định. Để thay đổi, ông đề xuất Việt Nam cần xây dựng quỹ đầu tư hạ tầng, bất động sản và quỹ đầu tư quốc gia; đồng thời đẩy mạnh giáo dục tài chính để người dân hình thành thói quen đầu tư dài hạn.

Ông Don Lam trình bày tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bà Chen Ding, CEO CSOP (Hồng Kông), chia sẻ bài học từ Trung Quốc: trong ba năm, nước này đã huy động 17 tỷ USD qua REIT hạ tầng, 70 tỷ USD qua quỹ PE hạ tầng và hàng chục tỷ USD từ quỹ hưu trí, quỹ xanh. Theo bà, Việt Nam nên học mô hình này và xây dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi để hút vốn vào các dự án chiến lược như năng lượng tái tạo, giao thông và đô thị thông minh.
Đại diện Warburg Pincus kiến nghị Việt Nam cần nới trần sở hữu nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng – hiện là 30%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Nếu nâng lên 50% như ngành hàng không, sẽ tạo bước ngoặt lớn trong thu hút nhà đầu tư chiến lược và tài chính. Đồng thời, đề xuất nới điều kiện IPO cho các công ty công nghệ, fintech – nhóm doanh nghiệp thường có lỗ lũy kế giai đoạn đầu nhưng tiềm năng tăng trưởng lớn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam – ông Seck Yee Chung – đánh giá cao tiềm năng Việt Nam nhưng chỉ ra nhiều thách thức: hạ tầng chưa đồng bộ, thủ tục hành chính rườm rà, pháp lý thiếu minh bạch và cạnh tranh gay gắt trong khu vực. Ông đề xuất cải cách hành chính, ưu tiên đầu tư giao thông – logistics, đào tạo nghề và đẩy mạnh hợp tác công – tư để thu hút FDI bền vững.

Lãnh đạo các cơ quan trong phiên thảo luận, trả lời các câu hỏi từ đại biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phó Chủ tịch KoCham Jeong Jihoon cũng chia sẻ rằng, Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí nhà đầu tư số một tại Việt Nam, với hơn 10.000 dự án và 91,92 tỷ USD vốn FDI. Tuy nhiên, để duy trì sức hút, Việt Nam cần minh bạch hơn trong chính sách thuế, thống nhất thực thi giữa các địa phương và đẩy mạnh số hóa thủ tục đầu tư.
Tổng kết hội nghị, các chuyên gia cùng chung nhận định: để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, Việt Nam cần song hành giữa cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản lý, và phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện – trong đó quỹ đầu tư và FDI sẽ là hai chân trụ quan trọng, cùng hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững và có chiều sâu.
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Văn Sử nhấn mạnh, Việt Nam đã chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Định hướng sắp tới là thu hút FDI có chọn lọc, chất lượng cao, ưu tiên công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Bên cạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện thể chế, Việt Nam triển khai đào tạo 100.000 kỹ sư điện tử, 50.000 kỹ sư bán dẫn; khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, cơ chế mua bán điện trực tiếp. Đặc biệt, áp dụng ưu đãi thuế suất 5% trong 37 năm, miễn thuế 6 năm, giảm 50% trong 13 năm cho các trung tâm R&D từ 3.000 tỷ đồng hoặc dự án từ 30.000 tỷ đồng giải ngân nhanh, có chuyển giao công nghệ.