Giải pháp nào giúp Vietnam Airlines giảm lỗ trong năm nay?

Năm 2024, Công ty mẹ Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu 80.894 tỉ đồng, doanh thu hợp nhất 105.946 tỉ đồng. Đồng thời lên kế hoạch giảm lỗ, tiến tới cân đối thu chi trong năm nay.

Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu 80.894 tỉ đồng, doanh thu hợp nhất 105.946 tỉ đồng. Ảnh: Vietnam Airlines

Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu 80.894 tỉ đồng, doanh thu hợp nhất 105.946 tỉ đồng. Ảnh: Vietnam Airlines

Tình hình hoạt động của Vietnam Airlines

Theo tài liệu chuẩn bị cho phiên họp hội đồng cổ đông thường niên ngày 21/6, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 93.265 tỉ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước gần 30% và tiệm cận mức đỉnh giai đoạn trước đại dịch. Mức lỗ hợp nhất trước thuế giảm 5.583 tỉ đồng, giảm một nửa so với năm 2022.

Năm 2023, Vietnam Airlines Group đã vận chuyển hơn 24,1 triệu lượt hành khách và 230.000 tấn hàng hóa, tăng lần lượt 16,4% và 5,8% so với cùng kỳ. Hãng bay cũng đã khôi phục mạng đường bay quốc tế tương đương 90% năm 2019. Đồng thời mở thêm các đường bay mới như Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh - Mumbai, Hà Nội - Melbourne, Thành phố Hồ Chí Minh - Perth.

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bắt đầu tăng từ cuối tháng 3 và hiện ở mức đỉnh trong vòng 5 năm với giá mở cửa ngày 21/6 là 35.450 đồng.

Năm 2024, Công ty mẹ Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu 80.894 tỉ đồng, doanh thu hợp nhất 105.946 tỉ đồng. Do dự báo ngành hàng không sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, mức lãi dự kiến 105 tỉ đồng, chiếm chưa đầy 1% nguồn thu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết: Năm 2024, môi trường kinh doanh hàng không vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới. Trên cơ sở dự báo, Vietnam Airlines đã xây dựng các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu với các giải pháp toàn diện về tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Mục tiêu lớn vẫn là giảm lỗ còn lại, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024.

Hãng hàng không quốc gia xây dựng hai kịch bản cao và trung bình cho thị trường. Trong đó, theo kịch bản cao, Vietnam Airlines dự kiến tổng lượng khách quốc tế tăng gần 20% so với năm ngoái, tương đương 92% năm 2019. Khách nội địa tăng lần lượt 13% và 10% so với 2023 và 2019.

Theo kịch bản trung bình, khách quốc tế tăng 13% và phục hồi được 87% mức trước dịch. Khách trong nước tăng 5,8% so với 2023 và 1,3% so với 2019. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở các giải pháp kích cầu có tác động chậm, sức mua của người dân chưa cải thiện rõ rệt, trong khi hãng bay chưa có phương án bù đắp tải cho phần tàu bay bị thiếu hụt.

Vietnam Airlines cũng cho biết giá nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao, trên 100 USD mỗi thùng. Khi giá nhiên liệu tăng 1 USD một thùng, chi phí khai thác bay tăng thêm khoảng 230 tỉ mỗi năm. Cùng với đó là lo ngại sức mua của khách quốc tế chưa đạt được mức trước dịch do tác động của suy thoái kinh tế.

Vietnam Airlines cũng thông tin tình hình dòng tiền năm nay khó khăn do nhiều khoản nợ tái cơ cấu đến hạn thanh toán, nhất là từ tháng 7 khi các khoản vay tái cấp vốn bắt đầu đến hạn hoàn trả.

Giải pháp giúp Vietnam Airlines giảm lỗ trong năm 2024

Nêu giải pháp để đạt được mục tiêu nêu trên, Vietnam Airlines cho biết sẽ mở rộng mạng bay quốc tế với các đường bay mới đến Tây Âu và Đông Nam Á. Tại thị trường nội địa, hãng điều chỉnh tần suất bay phù hợp với nhu cầu thị trường, duy trì thị phần chính trên các đường bay trọng điểm và tăng tải trên các đường bay du lịch.

Ngoài ra, hãng hàng không này cũng sẽ tập trung chuẩn bị đầu tư dự án tàu bay thân hẹp, dự án chuyển đổi cấu hình các tàu bay A321ceo nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phát triển trên cơ sở phù hợp với định hướng tái cơ cấu đội tàu bay.

Đồng thời tiếp tục triển khai tái cơ cấu nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Các giải pháp tái cơ cấu tập trung hoàn thành thoái vốn tại một số công ty thành viên và trình cấp thẩm quyền về phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tổ chức, giảm tầng nấc trung gian, đầu tư công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn lực.

Ngoài việc giảm chi phí theo quy mô sản lượng, Vietnam Airlines đã triển khai tiết kiệm chi phí, đàm phán giảm giá, giãn hoãn thanh toán… giúp cắt giảm được chi phí với số tiền ước tính đạt hơn 3.200 tỉ đồng.

Hãng hàng không quốc gia lên kế hoạch thoái vốn tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) trong năm nay, dự kiến mang về nguồn thu khoảng 1.700 tỉ đồng. Nhờ thương vụ này và lợi nhuận các công ty con khác cải thiện, hãng đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trên 4.230 tỉ đồng.

Ba tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất gần 28.270 tỉ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công ty mẹ thu hơn 22.100 tỉ đồng. Đây cũng là mức doanh thu theo quý cao nhất kể từ năm 2015, khi hãng chuyển mô hình thành công ty cổ phần.

Sau khi trừ các chi phí, công ty mẹ lãi khoảng 1.500 tỉ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trong quý 1 đạt hơn 4.500 tỉ đồng, chủ yếu nhờ phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines.

Trang Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giai-phap-nao-giup-vietnam-airlines-giam-lo-trong-nam-nay-179240621112158707.htm