Giải pháp nào khiến PVOIL tự tin đạt tăng trưởng lợi nhuận 30% trong năm 2025?

Trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi giá dầu thế giới biến động khó lường, đâu là giải pháp để PVOIL có thể đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 30% trong năm 2025?

Chủ tọa trả lời câu hỏi của cổ đông tại Đại hội. Ảnh: PVOIL

Chủ tọa trả lời câu hỏi của cổ đông tại Đại hội. Ảnh: PVOIL

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã chứng khoán OIL) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh của PVOIL năm 2025, trong đó đáng chú ý có mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 30% so với năm 2024. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh xăng dầu được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi giá dầu thế giới biến động khó lường và các biến động địa chính trị bất lợi trên thế giới, nhiều cổ đông đã chất vấn lãnh đạo PVOIL về các giải pháp để có thể hiện thực hóa mục tiêu khó khăn này.

*Song hành kinh doanh xăng dầu ở trong nước và quốc tế

Cổ đông tham dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của PVOIL ngày 25/4 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: PVOIL

Cổ đông tham dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của PVOIL ngày 25/4 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: PVOIL

Trả lời câu hỏi của nhiều cổ đông về triển vọng tăng trưởng năm 2025 của PVOIL, Tổng Giám đốc PVOIL Nguyễn Đăng Trình cho biết kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng mới vào ngày 2/4, giá dầu đã chịu ảnh hưởng rất tiêu cực. Trong quý I/2025, giá dầu lao dốc và tính từ đầu năm đến thời điểm này, giá dầu đã giảm khoảng 15%, nên ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng kinh doanh và hiệu quả kinh doanh của PVOIL. Theo đó các thương nhân phân phối, các cửa hàng nhượng quyền đều giảm tối đa tồn kho và kinh doanh thận trọng hơn để hạn chế thấp nhất biến động giá dầu khi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vẫn theo 7 ngày như hiện nay.

Mặc dù chưa có các báo cáo kiểm toán chính thức nhưng theo ghi nhận của PVOIL, kết quả kinh doanh quý I/2025 của hầu hết các đầu mối xăng dầu đều trong xu hướng sụt giảm. Đối với PVOIL, sản lượng xăng dầu quý I/2025 tương đương với cùng kỳ năm 2024 nhờ những nỗ lực lớn của PVOIL trong kinh doanh.

Theo đó, để bù đắp doanh thu sụt giảm ở thị trường trong nước, PVOIL đã đã tập trung phát triển kinh doanh các mảng kinh doanh quốc tế, đặc biệt là kinh doanh dầu quốc tế tại trường Singapore. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để doanh thu quý I/2025 của PVOIL tăng 9 % so với cùng kỳ năm 2024.

PVOIL cũng kỳ vọng năm 2025 kinh doanh xăng dầu của PVOIL sẽ cải thiện khi các đàm phán thương mại giữa Việt Nam với Mỹ cũng như Trung Quốc và các nước lớn khác đạt kết quả. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới thay thế Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về "Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu" sẽ tạo ra sự minh bạch, thuận lợi hơn cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo đó, PVOIL kỳ vọng tăng trưởng sản lượng kinh doanh xăng dầu năm 2025 ở mức 5-10% so với năm 2024; doanh thu hợp nhất tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như các năm vừa qua.

Tổng Giám đốc PVOIL Nguyễn Đăng Trình cũng cho biết Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% cho năm 2025 nên PVOIL kỳ vọng nhu cầu xăng dầu của nền kinh tế sẽ tăng. Bên cạnh đó với xuất phát điểm giá dầu hiện không ở mức cao, PVOIL kỳ vọng giá dầu sẽ ổn định và tăng dần vào cuối năm khi mà nền kinh tế có nhu cầu tăng lên. Đây là nền tảng để PVOIL kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2025 sẽ tăng hơn 30 % so với năm 2024.

Thực tế là với nỗ lực của PVOIL trong kinh doanh xăng dầu tại thị trường trong nước và nước ngoài, cộng thêm việc phát triển các dịch vụ phi xăng dầu, quý I và 4 tháng đầu năm 2025, PVOIL không bị lỗ, thậm chí còn có lãi trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn khi giá dầu lao dốc nhanh và lớn.

Về giải pháp dài hạn cải thiện biên lợi nhuận gộp nhất là trong bối cảnh giá dầu biến động bất lợi và môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương cho biết, lĩnh vực mà kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực truyền thống và cốt lõi, chiến lược của PVOIL là tối ưu hóa vấn đề logistics, về kho cả, vận tải và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng tại cây xăng cũng như tại kho xăng. PVOIL cho rằng chất lượng dịch vụ cũng sẽ là một lợi thế cạnh tranh, đặc biệt khi Dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ sẽ tiến tới không có quy định về giá bán lẻ nữa mà để cho các đầu mối tự quyết định. Nếu dự thảo này được thông qua thì đây sẽ điều kiện khá thuận lợi cho những doanh nghiệp đề cao vai trò chất lượng dịch vụ như PVOIL. Bên cạnh đó, việc quyết liệt phát triển loại hình kinh doanh mới với các sản phẩm mới của PVOIL sẽ không chỉ giúp tăng trưởng doanh thu mà sẽ giúp cải thiện lợi nhuận. Cùng đó, PVOIL tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ phi xăng dầu, hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, xe điện. PVOIL cũng đang thí điểm đầu tư điện mặt trời áp mái tại các cây xăng để cung cấp điện cho các trạm sạc điện, ô tô điện nhằm cải thiện lợi nhuận, doanh thu cho các cây xăng và hướng tới sẽ xanh hóa các cây xăng. Trong tương lai, PVOIL cũng chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc phân phối nhiên liệu xanh hydrogen, sẵn sàng thay thế cho nhiên liệu truyền thống. PVOIL cũng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới 4.0 nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản trị doanh nghiệp, làm phong phú hơn nữa các trải nghiệm khách hàng. Tất cả các giải pháp này đều sẽ giúp PVOIL cải thiện lợi nhuận hiệu quả, Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương khẳng định.

Bổ sung về cơ sở để cải thiện biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới, Tổng Giám đốc PVOIL Nguyễn Đăng Trình cũng cho biết Bộ Công thương đã cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu nhiên liệu bay Jet A1 cho PVOIL vào ngày 10/1/2025. Hiện PVOIL đang triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho hệ thống xe, tuyển dụng nhân sự, đào tạo nhân sự cũng như chuẩn bị thuê và đầu tư các kho tại các sân bay. Định hướng của PVOIL là trước tiên kinh doanh tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Long Thành, Phú Quốc, Đà Nẵng và Cam Ranh. PVOIL đang xúc tiến gặp các đơn vị có kho mở tại các sân bay để thuê, đáp ứng yêu cầu về kinh doanh. Sau khi hoàn thành các bước, PVOIL sẽ nộp hồ sơ xin Cục Hàng không thuộc Bộ Xây dựng cấp phép kinh doanh tại các sân bay định hướng. Dự kiến quý I hoặc quý II/2026, PVOIL có thể triển khai kinh doanh tại các sân bay lớn này.

Cùng với Petrolimex, PVOIL cũng là doanh nghiệp có lợi thế về hệ thống kho đầu nguồn trải dài khắp cả nước tại khu vực miền Đông, tại miền Trung, tại khu vực Huế, Đà Nẵng. PVOIl cũng chuẩn bị đầu tư kho đầu nguồn tại Cam Ranh, sẵn sàng cung cấp cho Sân bay Cam Ranh với khoảng cách chỉ 15 km. Tại phía Bắc, PVOIL có hệ thống kho đầu nguồn tại Hải Phòng rất lớn, hoàn toàn đáp ứng được các nhu cầu.

*Phát triển mạnh dịch vụ phi xăng dầu

Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương (thứ hai từ phải qua trái) và Tổng Giám đốc PVOIL Nguyễn Đăng Trình (thứ ba từ phải qua trái) tại Đại hội. Ảnh: PVOIL

Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương (thứ hai từ phải qua trái) và Tổng Giám đốc PVOIL Nguyễn Đăng Trình (thứ ba từ phải qua trái) tại Đại hội. Ảnh: PVOIL

Trả lời câu hỏi của cổ đông cá nhân về kế hoạch mở rộng hợp tác với Vinfast trong năm 2025 và việc đầu tư các trạm dừng nghỉ tích hợp trên quốc lộ và các cửa hàng tiện ích xăng dầu, Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương cho biết thực tế kinh doanh xăng dầu tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy các cái doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không chỉ bán xăng dầu mà còn kết hợp kinh doanh rất nhiều dịch vụ phi xăng dầu phù hợp với nhu cầu của khách hàng đến đổ xăng dầu.

Liên quan đến việc mở rộng hợp tác với Vinfast, Chủ tịch PVOIL cho biết, việc mở rộng hợp tác liên đến tiến trình chuyển dịch năng lượng và sang lĩnh vực năng lượng xanh của PVOIL. Thực tế là từ 5 năm lại đây, xe điện đã phát triển rất nhanh tại Việt Nam. "Việc phát triển xe điện là một thách thức với các cái công ty kinh doanh xăng dầu trong đó có PVOIL nhưng đây là xu thế không thể đảo ngược" nên PVOIL quyết định hợp tác với các công ty sản xuất xe điện như Vinfast để phát triển các trạm sạc trên cơ sở tận dụng hệ thống cây xăng sẵn có của PVOIL ở những vị trí thuận tiện giao thông cho khách hàng.

Đến 31/3/2025, PVOIL đã có 423 cây xăng có kết hợp với trạm sạc, chiếm 50% số cây xăng của PVOIL. Con số này vượt rất xa chỉ tiêu mà PVOIL đặt ra trong Chiến lược năm 2021-2025 của PVOIL. Theo đó, lợi nhuận đến từ việc lắp đặt các trạm sạc xe điện tại những cây xăng của PVOIL đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung của các công ty con của PVOIL có hệ thống cây xăng.

Hiện PVOIL cũng hợp tác thêm với các đối tác để phát triển các cái dịch vụ phi xăng dầu như hợp tác với Tập đoàn Việt Thái là chủ của chuỗi cà phê Highland nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao cái trải nghiệm cho khách hàng.

Sau hơn 1 năm triển khai cửa hàng đồ uống tại cây xăng, PVOIL đang cùng cà phê Highland sơ kết đánh giá hợp tác để trên cơ sở thực tiễn đạt được có thể tiếp tục nhân rộng và nhân rộng trên toàn hệ thống, nhất là tại các cây xăng nằm trên trục đường cao tốc, đường quốc lộ, đường liên tỉnh-những nơi mà khách mua xăng dầu khó có thể tìm thấy cửa hàng đồ uống giải khát chất lượng. Đây là phân khúc mà PVOIL sẽ hướng tới, Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương chỉ rõ.

Về chiến lược phát triển các trạm dịch vụ dành cho xe tải đường dài, Chủ tịch Cao Hoài Dương thông tin ở Việt Nam hiện nay không có các trạm dừng nghỉ đúng nghĩa trên cao tốc-nơi mà không chỉ lái xe mà xe cũng sẽ được chăm sóc chuyên nghiệp, chất lượng. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã đưa ra các quy định kiểm soát chặt chẽ đối với tài xế nhằm đảm bảo an toàn giao thông như: Không được chạy liên tục quá bốn tiếng; không được chạy quá tổng cộng 8 tiếng/ngày, không được chạy quá là 48 tiếng/tuần. Việc tuân thủ quy định như vậy sẽ khiến nhu cầu nghỉ ngơi của tài xế đường dài tăng lên trước khi tiếp tục hành chính.

Vì vậy, PVOIL đã lựa chọn các cây xăng có diện tích đủ lớn, nằm ở vị trí có mật độ xe tải chạy tương đối lớn để cải tạo thành trạm dịch vụ xe tải. Theo đó, các trạm dịch vụ xe tải của PVOIL có bãi đỗ xe đủ rộng, có dịch vụ ăn uống và đặc biệt có xây dựng một số phòng nghỉ khép kín và hoàn toàn miễn phí cho tài xế trong những tiếng nghỉ ngơi. Theo thống kê sơ bộ, dịch vụ trạm xe tải này đã giúp gia tăng sản lượng kinh doanh xăng dầu của PVOIL. Năm 2025, PVOIL đặt mục tiêu phát triển khoảng 12-15 trạm xe tải trên hệ thống.

*Nỗ lực chuyển sàn HoSE

Ông Lê Văn Nghĩa-Thành viên HĐQT PVOIL phát biểu tại Đại hội. Ảnh: PVOIL

Ông Lê Văn Nghĩa-Thành viên HĐQT PVOIL phát biểu tại Đại hội. Ảnh: PVOIL

Trả lời câu hỏi của cổ đông về thời gian PVOIL sẽ chuyển lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), ông Lê Văn Nghĩa, Thành viên HĐQT PVOIL cho biết có 3 điều kiện để chuyển sàn. Điều kiện thứ nhất là cái tỉ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm trước liền kề với năm đăng ký tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh hai năm liên tục phải có lãi. Đây là điều kiện mà PVOIL đã đạt được. Với điều kiện thứ hai là không có lỗ lũy kế, đến thời điểm cách đây ba năm, PVOIL đã xử lý được vấn đề này. Tuy nhiên với điều kiện thứ ba là không có ý kiến ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán độc lập, nếu có ý kiến ngoại trừ thì không ảnh hưởng đến điều kiện niêm yết thì PVOIL vẫn vướng ở điều kiện thứ ba này, ông Nghĩa cho biết.

Trước đây trên báo cáo kiểm toán độc lập có ba ý kiến ngoại trừ. Bằng rất nhiều nỗ lực, PVOIL đã xử lý được hai ý kiến ngoại trừ, hiện còn một ý kiến duy nhất liên quan đến khoản đầu tư của Tổng công ty và Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) tại dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ mà PVOIL tham gia 39,76% vốn điều lệ. Đây là dự án đã dừng từ năm 2012 tức là trước thời điểm mà PVOIL chuyển đổi từ mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần.

Hiện dự án vẫn đang trong tình trạng dang dở, chưa nghiệm thu, chưa quyết toán và trước đây nằm trong danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương. Bằng việc nỗ lực xử lý, hiện dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ đã được ra khỏi danh sách này.

Hiện PVOIL đã báo cáo Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) chấp nhận phương án phá sản PVB, trong đó có việc lập danh sách các cổ đông để tổ chức đại hội cổ đông. Tuy nhiên, hiện PVOIL không thể liên hệ được với các cổ đông cá nhân, vì vậy PVOIL đang tính đến phương án báo cáo Petrovietnam chấp thuận phương án đơn phương nộp yêu cầu phá sản.

PVOIL cũng đã đề xuất với Petrovietnam xác định khoản đầu tư tại PVB về mức 0 đồng để để khi thực hiện quyết toán cổ phần hóa có thể loại cái khoản đầu tư này ra khỏi công ty cổ phần. Khi đó, trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản dự án, nếu có phát sinh thu hồi từ thanh lý tài sản nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVOIL sẽ nộp lại toàn bộ về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Hiện vấn đề này đã được Petrovietnam tiếp nhận và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục xử lý để hạn chế thấp nhất lợi ích của các cổ đông.

Để tiếp tục khắc phục ý kiến ngoại trừ thứ ba trên báo cáo kiểm toán với khoản đầu tư tại PVB phù hợp với thời điểm phát sinh, PVOIL dự kiến và trích lập dự phòng khoản đầu tư tại công ty này. Trong quá trình thực hiện phá sản, nếu có phát sinh, thu hồi từ thanh lý, PVOIL sẽ ghi nhận vào các doanh thu phát sinh, ông Nghĩa thông tin.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-nao-khien-pvoil-tu-tin-dat-tang-truong-loi-nhuan-30-trong-nam-2025/371482.html