Giải pháp ngắn hạn nào giúp doanh nghiệp giữ thị trường xuất khẩu?

Tình hình xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2023 được dự báo vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp, khi đơn hàng giảm sút mạnh, thậm chí không có đơn hàng.

Nhiều doanh nghiệp đang đối diện với nguy cơ phá sản nếu không sớm thích ứng với tình hình mới. Việc lựa chọn mở rộng thị trường mới hay nỗ lực giữ thị trường cũ là bước đi mang tính quyết định đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ở thời điểm này.

Làm gì để cứu vãn đơn hàng?

Theo ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2023 ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 48 tỷ USD, tức là mỗi tháng xuất khẩu hơn 4 tỷ USD. Tuy nhiên trong quý 1/2023, ngành này chỉ xuất khẩu được 8,7 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 18,6%.

Tình trạng này có khả năng kéo dài đến hết năm nay và qua năm sau. Chuyện đơn hàng giảm sút, dù nằm trong dự liệu song nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang lo “sốt vó” khi đơn hàng đã giảm gần 50%.

Doanh nghiệp may mặc xuất khẩu nỗ lực giữ thị phần ở thị trường truyền thống. (Ảnh: NQ)

Doanh nghiệp may mặc xuất khẩu nỗ lực giữ thị phần ở thị trường truyền thống. (Ảnh: NQ)

Ngành dệt may có đến hơn 3 triệu lao động nên để duy trì ổn định hoạt động sản xuất chờ đơn hàng mới là một áp lực lớn. Nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở thị trường mới nhưng nay phải chuyển hướng, phải nỗ lực bằng mọi cách để giữ thị trường truyền thống.

Chính vì vậy, ngoài giải pháp giãn nợ, giãn thuế, có gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp thì vai trò kết nối thị trường của các đơn vị nhà nước cũng rất cần thiết.

Ông Tùng chia sẻ: "Cũng mong là Bộ Công Thương thông qua tham tán thương mại ở các quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là các nước trong khối CPTPP và EVFTA kết nối các nhãn hàng, nhà mua hàng ở quốc gia đó, với nhà sản xuất tại Việt Nam thông qua chương trình xúc tiến thương mại. Từ đó để hai bên gặp nhau giúp chúng ta cung cấp chia sẻ nhiều thông tin. Đó cũng là cách để giúp cho đơn hàng sẽ nhiều hơn trong ngắn hạn, tức là trong năm nay và trong năm sau".

Tương tự, ngành thủy sản cũng đang chịu nhiều áp lực để duy trì sản xuất khi đơn hàng từ các thị trường truyền thống giảm tới hơn 30%. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành là cá tra và tôm đều giảm mạnh từ 30 đến gần 40%.

Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay, bởi đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều giảm mạnh ngay trước thềm cao điểm đánh bắt, khai thác các loại thủy hải sản vào tháng 5 tới.

Doanh nghiệp xuất khẩu cân nhắc mở rộng thị trường mới hay nỗ lực giữ thị trường cũ (Ảnh: NQ)

Doanh nghiệp xuất khẩu cân nhắc mở rộng thị trường mới hay nỗ lực giữ thị trường cũ (Ảnh: NQ)

Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có gói kích cầu khoảng 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để thu mua nguyên liệu tôm, cá, kích thích, khơi thông sản xuất đang khó khăn. Đồng thời, các hiệp hội ngành nghề cũng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận vốn vay để nuôi, trồng. Vì nông nghiệp và thủy sản là ngành nhiều rủi ro nên nông dân rất khó tiếp cận vốn vay.

Doanh nghiệp xuất khẩu cũng mong muốn được giảm lãi suất cho vay ngoại tệ để làm hàng xuất khẩu. Vì hiện nay, các ngân hàng cho vay lãi suất ngoại tệ rất cao so với trước đây.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị: "Chúng tôi đề xuất xem chủ yếu là lãi suất cho vay ngoại tệ USD đối với doanh nghiệp xuất khẩu, vì doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vay USD là chủ yếu. Vì hiện nay lãi suất cho vay USD hiện nay là hơn 4%, thậm chí là gần 5%. Chúng tôi đề nghị giảm lãi suất cho vay này giảm xuống dưới 3,5% như trước đây".

Giữ thị trường cũ cùng với mở thị trường mới

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước phần nào phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, trong những tháng tới, tình hình xuất khẩu dự báo vẫn chịu nhiều tác động do ảnh hưởng bởi giá năng lượng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Các hàng rào kỹ thuật, nhất là quy định xanh về kinh tế tuần hoàn đang siết chặt tại một số thị trường cũng khiến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam phải vất vả, tốn kém để đạt được các thỏa thuận trong các hiệp định thương mại tự do (song phương, đa phương).

Bên cạnh điểm sáng là ngành hàng rau củ quả, gạo và hạt điều có sự tăng trưởng rất tích cực, thì còn lại những ngành hàng chủ lực như: Dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy tính, cao su, thủy sản, đồ gỗ đều giảm từ 2% đến hơn 25%. Trước tình hình này, Bộ Công thương đang khẩn trương thay đổi cách thức xúc tiến thương mại tại các quốc gia trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực.

Doanh nghiệp ngành gỗ cùng nhau vượt khó giữ đơn hàng (Ảnh: NQ)

Doanh nghiệp ngành gỗ cùng nhau vượt khó giữ đơn hàng (Ảnh: NQ)

Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên cho rằng, quan trọng nhất ở thời điểm này doanh nghiệp xuất khẩu không được đánh mất thị phần ở thị trường truyền thống.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: "Chắc chắn là tổng cầu thế giới còn giảm và sự cạnh tranh sẽ còn tăng lên. Hiện đã và đang khó nhưng tình hình sẽ còn khó hơn… Tôi nghĩ cần phải đặt ra tình huống xấu nhất để giải quyết. Trước hết là tập trung củng cố các hiệp hội, khắc phục tình trạng mạnh ai nấy chạy, việc ai nấy làm, vì vô hình chung lại làm khó cho nhau… Bên cạnh vừa chú trọng khai thác thị trường truyền thống, vừa phải quan tâm khai mở thị trường mới có tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa và thúc đẩy sản xuất trong nước".

Muốn giữ thị trường cũ cùng với khai mở thị trường mới, doanh nghiệp phải duy trì ổn định chất lượng sản phẩm, tập trung xuất khẩu chính ngạch… Trong bối này, sự gắn bó, hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu cũng như giữa các hiệp hội ngành hàng cần thiết hơn bao giờ hết. Đây được xem là giải pháp ngắn hạn, phù hợp để cùng nhau giữ đơn hàng và cùng nhau tồn tại./.

Nguyễn Quang - Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/giai-phap-ngan-han-nao-giup-doanh-nghiep-giu-thi-truong-xuat-khau-post1017326.vov