Giải pháp tăng hiệu quả thực thi của UNCLOS

Chuyên gia bàn cách tăng hiệu quả thực thi của UNCLOS, điều chỉnh các hành vi trái luật ở Biển Đông.

Nhiều chuyên gia cho rằng sau 40 năm thực thi Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần tìm các giải pháp để củng cố hiệu quả, giá trị thực thi công ước này. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh một số điểm nóng về tranh chấp biển còn diễn ra trên thế giới, điển hình là Biển Đông, biển Hoa Đông.

UNCLOS thiếu cơ chế thực thi

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia Gregory Poling - nhà nghiên cứu cấp cao và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) và GS James Charles Kraska, chuyên về luật hàng hải quốc tế, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ, cho rằng luật quốc tế không tồn tại cơ chế thực thi hay biện pháp chế tài ngoài sự sẵn sàng tuân theo phán quyết của các quốc gia khác trong việc quy trách nhiệm cho nhau. UNCLOS cũng không ngoại lệ.

UNCLOS tính đến thời điểm này vẫn là công ước có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất từng được đàm phán dưới sự bảo trợ của LHQ, là một minh chứng cho nỗ lực toàn cầu nhằm điều chỉnh hoạt động ở lĩnh vực hàng hải, theo The Maritime Excutive.

Tuy nhiên, một thực tế HĐBA dù có quyền đưa ra quyết định có giá trị về mặt pháp lý về các vấn đề an ninh bao gồm cả các vấn đề hàng hải nhưng bất kỳ quyết định nào đều cần đa số thành viên bỏ phiếu thuận và không thành viên nào trong năm nước thường trực bỏ phiếu phủ quyết, theo GS Odom.

GS Jonathan G. Odom, cố vấn pháp lý về các vấn đề luật pháp quốc tế, hiện giảng dạy tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh George C. Marshall European (Mỹ), cho rằng đây là một hạn chế của UNCLOS nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung. Chính thiếu sót này đã gây khó khăn cho việc xử lý những trường hợp vi phạm.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, GS luật quốc tế Donald R. Rothwell chuyên về luật biển, hiện đang giảng dạy tại ĐH Quốc gia Úc (ANU), cho rằng chuyện quốc gia vi phạm, không tôn trọng quy định của UNCLOS hoặc không chấp hành phán quyết của cơ quan tài phán thường xảy ra khi có một cường quốc là một bên trong vụ kiện.

Tàu cảnh sát biển Philippines cảnh báo va chạm sau khi tàu cảnh sát biển Trung Quốc không giữ khoảng cách an toàn vào ngày 2-3-2022. Ảnh: CẢNH SÁT BIỂN PHILIPPINES

Tàu cảnh sát biển Philippines cảnh báo va chạm sau khi tàu cảnh sát biển Trung Quốc không giữ khoảng cách an toàn vào ngày 2-3-2022. Ảnh: CẢNH SÁT BIỂN PHILIPPINES

GS Kraska nói thêm trong môi trường quốc tế, chúng ta không có “cảnh sát” quốc tế, ngoại trừ Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Theo ông, HĐBA là cơ chế thực thi duy nhất mà UNCLOS hay luật pháp quốc tế có. Tuy nhiên, cơ chế này gặp thách thức khi các thành viên trong HĐBA cũng bị chia thành những nhóm khác nhau. Vì vậy, ông đánh giá rằng khả năng thực thi của luật quốc tế là rất ít, đặc biệt nếu một trong năm thành viên thường trực của HĐBA có liên quan.

GS Odom cũng cho biết bản thân ông không tin rằng quyết định tạo ra một cơ chế thực thi pháp luật chung cho cộng đồng quốc tế có thể đáp ứng những yêu cầu nói trên. Và việc hơn 160 quốc gia thành viên UNCLOS sửa đổi công ước này để tạo ra một cơ chế thực thi pháp luật là một việc thiếu hợp lý và sẽ khó có khả năng xảy ra.

Vẫn có giải pháp để UNCLOS tăng hiệu quả thực thi

Theo TS Takashi Hosoda, giảng viên khoa Khoa học xã hội, ĐH Charles (CH Czech), đồng thời là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách đối ngoại Tokyo (Nhật), vì không có các biện pháp chế tài nên việc tăng hiệu quả thực thi của UNCLOS trước hết phụ thuộc vào tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng phụ thuộc vào ý chí chính trị của từng quốc gia và nhóm quốc gia. Tuy nhiên, trường hợp một quốc gia từ chối tuân thủ quyết định pháp lý có tính chất ràng buộc của cơ quan tài phán quốc tế, các quốc gia khác có thể tiến hành những hành động hợp pháp và thích hợp trong quan hệ quốc tế để ủng hộ quyết định của tòa.

Nhiều tàu chiến Mỹ, trong đó có tàu tấn công đổ bộ USS America đi cùng tàu hộ tống có trang bị tên lửa dẫn đường của Úc ở Biển Đông ngày 18-4-2020. Ảnh: REUTERS

Nhiều tàu chiến Mỹ, trong đó có tàu tấn công đổ bộ USS America đi cùng tàu hộ tống có trang bị tên lửa dẫn đường của Úc ở Biển Đông ngày 18-4-2020. Ảnh: REUTERS

Một phiên tranh luận về an ninh hàng hải tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến hồi tháng 10-2021. Ảnh: INDIA UN NEWYORK

Một phiên tranh luận về an ninh hàng hải tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến hồi tháng 10-2021. Ảnh: INDIA UN NEWYORK

“Các hành động này có thể là ra tuyên bố ngoại giao đơn phương hoặc tuyên bố chung ủng hộ phán quyết, chỉ trích quốc gia không tuân thủ phán quyết và tiến hành các biện pháp (trừng phạt) kinh tế đơn phương hoặc chung để đáp trả việc một quốc gia không thực thi phán quyết” - theo GS Odom. Ý tưởng này được GS Kraska ủng hộ.

Bên cạnh đó, theo GS Odom, các quốc gia cũng có thể phản ứng bằng những cách sáng tạo khác, chẳng hạn lựa chọn không bỏ phiếu cho các ứng cử viên tư pháp do quốc gia vi phạm đề cử vào phục vụ trong các cơ quan tài phán quốc tế, như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS).

Theo GS Rothwell, song song UNCLOS, các quốc gia còn có sự hỗ trợ từ Hiến chương LHQ, HĐBA và Tòa án Công lý Quốc tế, tất cả đều là những công cụ/tổ chức pháp lý phù hợp để hỗ trợ việc quản lý trên biển. Ngoài ra, trong khi GS Kraska và GS Odom cho rằng việc sửa đổi UNCLOS không khả thi, ông Rothwell cho rằng LHQ có thể sửa đổi và bổ sung điều khoản trong UNCLOS để xử lý mạnh tay hơn những trường hợp vi phạm hay không tuân theo phán quyết cuối cùng.•

Trừng phạt để buộc một nước thay đổi hành vi?

Theo GS Kraska, không có cách nào để buộc một nước phải tuân thủ trực tiếp UNCLOS. Cách duy nhất là các quốc gia hợp tác với nhau để đưa ra những biện pháp khiến nước đó phải trả giá đắt hơn lợi ích mà họ tin rằng mình có được từ việc phạm luật. Những biện pháp này nên bao gồm các lệnh trừng phạt phối hợp, chẳng hạn như những biện pháp mà các nước áp đặt lên Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine hiện nay. Chỉ có trừng phạt mới khiến nước vi phạm có cách tiếp cận mới và tôn trọng các quyền trên biển của các nước khác.

Ông Poling gợi ý các nước bị ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế trừng phạt kinh tế đủ mạnh để buộc nước vi phạm từ bỏ hoặc phải ngồi vào bàn đàm phán. Về vấn đề này, TS Hosada nêu một điểm khó, rằng cộng đồng quốc tế khó có thể trừng phạt một trong năm nước thành viên thường trực HĐBA khi các nước này phạm luật, vì vướng cơ chế phủ quyết ở HĐBA.

Giải pháp khả dĩ, theo GS Odom, các quốc gia bị ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp có thể cùng nhau đưa ra các tuyên bố ngoại giao chung về các vấn đề tranh chấp mà các bên cùng đồng thuận. Nếu các quốc gia này hiệp lực chắc chắn sẽ tạo nên sức mạnh và có thể tăng lợi thế trên bàn đàm phán để buộc nước vi phạm giải quyết các tranh chấp này hợp pháp và công bằng.

Ngoài ra, theo GS Odom, các quốc gia bị ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp có thể khởi kiện nước vi phạm ra các cơ quan tài phán quốc tế, tương tự vụ kiện mà Philippines đã khởi xướng. Khi đó, những nước này có khả năng đạt được những phán quyết có lợi cho mình và có thể chống lại các hành động phi pháp của nước vi phạm.

Cuối cùng là biện pháp thường thấy nhất để phản ứng hành vi phạm luật trên Biển Đông. Các chuyên gia đồng ý phải lên án, chỉ trích những hành vi này trước cộng đồng quốc tế. Ông Poling nêu ý kiến rằng nên gây áp lực ngoại giao lên nước vi phạm, chẳng hạn bằng những nghị quyết lên án từ Đại hội đồng LHQ. Ông Hosada mong muốn cộng đồng quốc tế phải phối hợp cùng nhau, nhờ đến LHQ và hệ thống pháp lý quốc tế để lên án hành vi vi phạm.

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-phap-tang-hieu-qua-thuc-thi-cua-unclos-post712083.html