Giải quyết bài toán thoát lũ là vấn đề quan trọng hàng đầu

Đồ án quy hoạch khu đô thị sông Hồng bao gồm bãi giữa sông Hồng đã được thông qua từ năm 2022. Việc xây dựng Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi giữa và bãi ven sông Hồng khi được triển khai sẽ không chỉ khai thác hiệu quả tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành các không gian xanh, an toàn, tiện ích.

Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu, tính toán kỹ để không ảnh hưởng đến thoát lũ, cũng như tuân thủ đúng Luật Đê điều.

Năm 2022, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), trong đó nhấn mạnh quy hoạch không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là trục không gian đặc trưng hành lang xanh. Cuối năm 2023, UBND TP Hà Nội cũng đã đồng thuận, cho phép 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ tiếp tục nghiên cứu đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng".

Để hiện thực hóa quy hoạch này, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với UBND các quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên và tạp chí Kiến trúc (Hội KTS Việt Nam) tổ chức cuộc thi Ý tưởng quy hoạch cho công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Cuộc thi tiếp tục tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, chất lượng cao về một công viên đa chức năng xứng tầm nằm trên toàn bộ khu vực bãi giữa và bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên, với tổng giá trị giải thưởng lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Bãi giữa sông Hồng được kỳ vọng sẽ trở thành công viên văn hóa đa năng.

Bãi giữa sông Hồng được kỳ vọng sẽ trở thành công viên văn hóa đa năng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, bãi nổi giữa cùng bãi ven sông Hồng là không gian duy nhất còn lại để tạo dựng không gian công cộng và văn hóa gắn bó mật thiết với môi trường sinh thái. Đồng thời, kết nối đồng bộ với “khu phố cổ”, “khu phố cũ” thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và các làng trồng hoa tại quận Tây Hồ, Long Biên, góp phần đẩy lùi nạn lấn chiếm đất tại hai khu vực trên.

Bởi lẽ, trên thực tế, nhiều hoạt động tự phát diễn ra trên đa số các diện tích đất hoang hóa do chưa được Nhà nước đưa vào khai thác. Hiện nay, với việc Hà Nội tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, việc khai thác và phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng, nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô đang được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trong buổi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đã có nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội băn khoăn về quy hoạch trên. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ sự lo ngại khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cơ chế cho phép Hà Nội biến các khu bãi bồi, bãi giữa ven sông trở thành khu đô thị, trung tâm văn hóa, du lịch.

“Bãi bồi, bãi giữa sông Hồng có lịch sử và giá trị tự nhiên do bồi lắng của sông Hồng tạo nên. Nếu chuyển đổi các vùng bãi bồi, bãi giữa này thành khu đô thị, trung tâm văn hóa, du lịch sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hồng. Trong trường hợp cấp bách, sẽ khó có giải pháp để di dời, phòng tránh những diễn biến bất thường của thiên nhiên, nhất là khi biến đổi khí hậu ngày càng khó lường. Hà Nội không đến nỗi thiếu hụt quỹ đất, không cần chọn bãi giữa sông Hồng để xây dựng trung tâm văn hóa, du lịch vừa tốn kém kinh phí trị thủy vừa gây rủi ro”, ông Hòa nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc về quy định cho phép Hà Nội được chuyển đổi sử dụng đất rừng trên 1.000ha và đất trồng lúa trên 500ha làm các mục đích khác. Theo ông Hòa, không nên cho phép chuyển đổi như vậy, bởi với quy mô dân số đông, các trụ sở bộ ngành lớn, Hà Nội rất cần đất rừng để có được “lá phổi” xanh, cho người dân được hưởng không khí xanh, sạch, đẹp. Ông Hòa đề nghị chỉ nên cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô dưới 1.000ha và đất trồng lúa dưới 500ha.

Cũng liên quan nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho hay, dự thảo Luật Thủ đô (khoản 2, điều 17) quy định khai thác tiềm năng ven sông, bãi sông có nêu “được phép xây dựng các công trình” nhưng yêu cầu phải “tuân thủ Luật đê điều”. Theo ông quy định như vậy sẽ diễn ra “tình trạng như trong thời gian qua” là các khu đất ven sông, bãi sông sẽ không khai thác được. Ông Cường phân tích, hành lang thoát lũ bao gồm toàn bộ phần không gian ngoài đê, trong đó có dòng chảy mùa lũ và phần chứa nước để chậm lũ.

“Nếu quy định như này thì không còn phần không gian nào để khai thác. Do vậy đề nghị, phải điều chỉnh lại chỉ có xây dựng quản lý ở trên phần hành lang dòng chảy và mùa lũ, chứ không phải toàn bộ hành lang thoát lũ giống như Luật Đê điều quy định chung cho mọi địa phương”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, giải quyết bài toán thoát lũ là vấn đề quan trọng hàng đầu, đòi hỏi việc bố trí nguồn lực thích hợp, thích ứng với giải pháp khoa học nhằm đảm bảo an toàn. Bởi dòng nước sông Hồng có tính biến đổi lớn giữa các mức báo động và mỗi cấp độ báo động lũ sẽ có mức ảnh hưởng khác nhau đến dự án.

“Quy hoạch công viên tại đây đòi hỏi thêm những tính toán để đáp ứng nhu cầu ăn uống, dịch vụ khác của người dân. Người dân không thể ra đó vui chơi, rồi lại chạy vào trong nội đô ăn uống”, ông Chính nhìn nhận.

Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/giai-quyet-bai-toan-thoat-lu-la-van-de-quan-trong-hang-dau-i733549/