Giải quyết 'điểm nghẽn' về giao thông khu vực phía Nam

Ngày 10-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang).

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang).

Hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng tổng mức đầu tư

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhận định, việc sớm đầu tư 3 dự án trên là hết sức cấp thiết nhằm giải quyết “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và các vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) nhận định, hiện nay giá nhiên liệu trong nước đang tăng đột biến. Do đó, tổng mức đầu tư các dự án thành phần chắc chắn sẽ có sự thay đổi khi quyết định đầu tư. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách để rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục liên quan, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng tổng mức đầu tư của dự án.

“Về vấn đề này, tôi đề xuất Chính phủ cần kiểm tra, rà soát và báo cáo Quốc hội cho phép giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thay đổi tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong quá trình triển khai để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án”, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh).

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh).

Trước thực trạng các dự án thành phần đường cao tốc có nguy cơ thiếu nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án và nhu cầu sử dụng san lấp mặt bằng rất lớn, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm các địa phương có đường cao tốc đi qua phải giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu theo quy định của pháp luật, đặc biệt là áp dụng cơ chế đặc thù giống như đối với các dự án của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Về tổ chức thực hiện, bên cạnh áp dụng cơ chế đặc thù, đại biểu đề nghị quy định về trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện. Về giải phóng mặt bằng, đại biểu đề nghị cần giao cho các tỉnh bảo đảm mặt bằng “sạch” khi thi công.

Để thực hiện tốt dự án, đại biểu Chau Chắc (Đoàn An Giang) đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là với người có đất liên quan đến dự án để họ thông suốt, đồng thuận cao với chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, tích cực triển khai thực hiện quản lý, khai thác, vận hành dự án đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình đúng mục tiêu đề ra, không để xảy ra trục lợi, lãng phí, tham nhũng…

Thống nhất cơ chế thực hiện các dự án

Còn đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, trong triển khai dự án cần có trình tự ưu tiên rõ ràng; cần ưu tiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi còn quá ít đường cao tốc, đồng thời cũng cần ưu tiên hoàn thành những dự án đang dang dở nhiều năm. Về nguồn vốn địa phương đầu tư cho dự án, đại biểu cho rằng, có những địa phương điều kiện còn khó khăn, không bảo đảm được nguồn kinh phí, nên cần có tính toán, phân tích kỹ để chia sẻ.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Đoàn Sóc Trăng).

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Đoàn Sóc Trăng).

Để sớm có mặt bằng “sạch”, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Đoàn Sóc Trăng) kiến nghị Quốc hội thống nhất chủ trương tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương thực hiện như đã cam kết về tiến độ cũng như bố trí vốn. Đồng thời cần sớm thống nhất về cơ chế hoặc ban hành nghị quyết triển khai để đồng bộ giữa các quy định.

Về việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho dự án, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành các tiêu chí, nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, bảo đảm hiệu quả sự phối hợp đầu tư từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Còn đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, bảo đảm đời sống của họ bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất. Ngoài ra, Chính phủ có giải pháp để đảm bảo tiến độ của dự án và chất lượng của các công trình sau khi hoàn thành.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu.

Giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận, liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, các địa phương phải quyết tâm vì không có mặt bằng thì không khởi công được. “Do đó, trách nhiệm của địa phương được giao rất lớn, cần xem như đây là một dự án trọng điểm của địa phương và phải triển khai quyết liệt để thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Đối với cơ chế đặc thù, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng rất cần thiết và đang kiến nghị áp dụng Nghị quyết số 43/2022/QH15, một phần của Nghị quyết 44/2022/QH15 và một số cơ chế đặc thù để khi phân cấp cho các địa phương thực hiện được hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm đầu mối cùng các địa phương thường xuyên kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đã có 16 ý kiến đại biểu phát biểu thảo luận, trong đó đa số tán thành sự cần thiết của việc đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1034233/giai-quyet-diem-nghen-ve-giao-thong-khu-vuc-phia-nam