Giải quyết vướng mắc về vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực các tỉnh phía Nam

Chiều ngày 10/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến, kết nối các điểm cầu các tỉnh, thành phố phía Nam nhằm đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giải quyết vướng mắc vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực các tỉnh phía Nam.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Xây dựng; lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Tham dự tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Trà Vinh, có đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo về bảo đảm nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm trong cả nước nói chung và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như khu vực các tỉnh phía Nam nói riêng. Tuy nhiên, một số địa phương tiếp tục gặp khó khăn đối với nguồn vật liệu san lấp. Vì vậy, hội nghị nhằm tiếp tục giải quyết dứt điểm sự thiếu hụt vật liệu đắp nền cho các dự án.

Đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tham dự hội nghị.

Đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tham dự hội nghị.

Nhu cầu vật liệu đắp nền cho các dự án phía Nam có 05 dự án đường cao tốc, với 13 dự án thành phần (Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau: gồm 02 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau; Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, gồm 04 dự án thành phần; Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, gồm 02 dự án thành phần; Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 04 dự án thành phần).

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường khoảng 65 triệu mét khối (m3); đã xác định được nguồn khoảng 37,3 triệu m3; còn thiếu khoảng 27,7 triệu m3.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành báo cáo với Phó Thủ tướng về công tác triển khai thực hiện. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre ưu tiên toàn bộ trữ lượng cát sông trên địa bàn để cấp cho các dự án trọng điểm (cân đối, phân bổ cho các Dự án Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Cần Thơ, Hậu Giang và cao tốc Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh); đang triển khai các thủ tục để khai thác cát từ các dự án nạo vét, cải tạo dòng chảy.

Thành phố Cần Thơ và Hậu Giang chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu khẩn trương làm việc với các sở, ngành, các cấp chính quyền của tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long để triển khai các thủ tục khai thác mỏ vật liệu, bảo đảm cung ứng đủ khối lượng và công suất khai thác, đáp ứng tiến độ thi công của từng dự án.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương, sự hợp tác và chủ động của các tỉnh, thành phía Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương và tổng hợp kết quả thực hiện, thường xuyên báo cáo nhanh với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình triển khai và cung ứng cát cho các Dự án giao thông trọng điểm.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần nâng cao trách nhiệm. Đây là những công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh trong thời gian tới.

* Tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Phó Thủ tướng về tiến độ san lấp đường dẫn cầu Đại Ngãi (phía Trà Vinh) đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đến ngày 10/7/2024, Trà Vinh đã cung cấp nguồn cát để san lấp đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của đơn vị thi công.

1) Bộ Xây dựng tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các giải pháp và có cơ chế ưu tiên sử dụng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy Nhiệt điện để làm vật liệu san lấp các công trình giao thông, vật liệu xây dựng các công trình xây dựng.

(2) Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ chế tài chính, các chính sách hỗ trợ để ưu tiên sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp, xây dựng các công trình xây dựng để thay thế vật liệu tự nhiên, đáp ứng nhu cầu đang thiếu hụt vật liệu san lắp đối với các dự án xây dựng giao thông.

(3) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn tro, xỉ của các nhà máy Nhiệt điện làm vật liệu san lấp, sớm xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, kinh tế và làm giảm tác động môi trường

Tin, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/trong-nuoc/giai-quyet-vuong-mac-ve-vat-lieu-san-lap-cho-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-khu-vuc-cac-tinh-phia-nam-38536.html