Giảm 50% số tàu biển nước ngoài được cấp phép vận tải nội địa
Trong vòng 5 năm thực hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 về việc bảo hộ tàu nội địa, số lượng tàu nước ngoài được cấp phép vận tải nội địa đã giảm đáng kể.
Bảo hộ quyền vận tải nội địa
Theo dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Hàng hải VN 2015 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, quyền vận tải biển nội địa là một trong những lĩnh vực mang tới nhiều kết quả trong quá trình thực hiện bộ luật. Một trong những kết quả đáng chú ý là tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài được cấp Giấy phép vận tải nội địa đã giảm 50% sau 5 năm thực hiện Bộ luật 2015, do chính sách bảo hộ quyền vận tải nội địa và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam thay thế tàu nước ngoài vận tải nội địa:
Cụ thể, tính đến tháng 8/2023, có 10 tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài được cấp Giấy phép vận tải nội địa (trong đó 2 tàu container, 4 tàu chở khí hóa lỏng, 3 tàu vận tải xi măng rời, 1 tàu vận tải xăng dầu). Ngoài ra, cấp phép ngắn hạn theo chuyến cho một số tàu vận tải dầu thô từ các mỏ ngoài khơi về nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Trong khi trước đó, vào năm 2017, cả nước có 22 tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài được cấp Giấy phép vận tải nội địa.
Trong đó, có 8 tàu container, 7 tàu vận tải khí hóa lỏng, 4 tàu vận tải xi măng rời, 2 tàu chở hàng rời và 1 tàu chở xăng, dầu, hóa chất. Ngoài ra, cấp phép cho một số tàu vận tải 1 chuyến dầu thô từ các mỏ ngoài khơi về nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Theo Bộ GTVT, Bộ luật 2015 quy định về quyền vận tải biển nội địa theo hướng ưu tiên quyền vận tải biển nội địa cho đội tàu biển Việt Nam.
Trong một số trường hợp đặc biệt, tàu biển nước ngoài sẽ được cấp giấy phép vận tải biển nội địa nhưng phải tuân thủ quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Quy định này về cơ bản đã phù hợp với thực tế cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, không trái với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã ban hành Thông tư số 50/2016 quy định về thủ tục cấp Giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài (và các văn bản sửa đổi, bổ sung).
Trong đó, đã quy định chặt chẽ về trình tự thủ tục cấp giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài và thời hạn của giấy phép không quá 1 năm. Qua đó công tác quản lý, kiểm soát về vận tải biển nội địa được đầy đủ và đạt hiệu quả.
Đến nay, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hầu hết đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa. Bộ GTVT chỉ cấp phép cho một số loại tàu mà đội tàu Việt Nam chưa đáp ứng được, như tàu xi măng rời, tàu container...
Hãng tàu ngoại vận tải tới 90% hàng xuất nhập khẩu
Đối với việc vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, theo Cục Hàng hải VN, hiện tại, có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu tại Việt Nam, đảm nhận trên 90% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Các hãng có mặt tại Việt Nam hầu hết là các hãng tàu lớn nhất trên thế giới như hãng tàu MSC, Maersk, CMA-CGM, COSCO, ONE, Hapag - Lloyd…
Các hãng tàu nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam đều có văn phòng đại diện tại Việt Nam dưới hình thức doanh nghiệp với 100% vốn nước ngoài, thay mặt cho hãng tàu thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và làm đại lý theo hợp đồng.
Hiện tại, có 3 liên minh lớn gồm 10 hãng tàu hàng đầu thế giới, các liên minh này chiếm 70-80% thị phần vận tải trên toàn cầu. Có thể thấy, vận tải hàng hóa trên thế giới ngày càng tập trung vào các hãng tàu lớn.
Trong năm 2020 và đầu năm 2021, một số doanh nghiệp đầu tư tàu chuyên dụng vận tải khí hóa lỏng, tàu dầu thô trọng tải lớn (trên 300.000 DWT), có độ tuổi từ 15-20 tuổi đề xuất treo cờ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 171/2016 của Chính phủ quy định về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển.
Điều này được đánh giá giúp làm tăng quy mô đội tàu trong nước, đồng thời Nhà nước cũng thu được một khoản thuế, phí từ việc nhập khẩu và đăng ký tàu biển.
Thống kê của Cục Hàng hải VN, tính đến tháng 12/2022, tổng số đội tàu biển Việt Nam là 1.477 tàu với tổng trọng tải khoảng 11,6 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 7 triệu GT.
Theo số liệu của Tổ chức Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia) và thứ 27 trên thế giới.
So sánh năm 2022 với năm 2016, đội tàu vận tải biển mang cờ quốc tịch Việt Nam giảm 200 tàu (tương đương với mức giảm 19%) nhưng tổng trọng tải của đội tàu vẫn tăng trưởng trên 40%.
Cục Hàng hải VN đánh giá, cơ cấu của đội tàu Việt Nam đã có sự cải thiện so với các năm trước, nhưng vẫn chưa hợp lý. Tàu hàng rời tổng hợp vẫn chiếm tỷ trọng cao, tàu chuyên dụng đặc biệt là container vẫn có tỷ trọng thấp và trọng tải nhỏ (chỉ 4,3%) trong khi xu thế vận tải container hóa ngày càng tăng cao.