Giảm 60% - 70% số lượng cấp xã
Cán bộ, công chức từ đơn vị hành chính cũ nếu tiếp tục làm việc trong hệ thống chính trị sẽ được bảo lưu chế độ, tiền lương, phụ cấp chức vụ trong 6 tháng
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ngày 14-4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số: 76/2025/UBTVQH15 của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 (gọi tắt là Nghị quyết 76). Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 15-4 và thay thế Nghị quyết số: 35/2023/UBTVQH15.
Tên gọi cần dễ nhớ
Theo Nghị quyết 76, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm có số lượng, quy mô phù hợp, cả nước giảm khoảng 60% - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nghị quyết yêu cầu tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp, phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với cấp xã, tên của đơn vị hành chính cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.
Kể từ ngày nghị quyết của QH, UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã có hiệu lực thi hành, HĐND, UBND ở các đơn vị hành chính trước sắp xếp tiếp tục hoạt động cho đến khi HĐND, UBND ở đơn vị hành chính sau sắp xếp chính thức hoạt động.
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp. Số lượng cán bộ của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp (không kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã).
Nghị quyết 76 cũng quy định giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính mà vẫn là cán bộ tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian 6 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác. Sau thời hạn này, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.
Việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp: người dân, cán bộ, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang trên địa bàn đơn vị hành chính sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù áp dụng theo vùng, theo khu vực hoặc theo đơn vị hành chính như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
Việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 của QH. Việc cấp, sử dụng con dấu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ.
Nghị quyết 76 của UBTVQH yêu cầu hồ sơ đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh kèm theo dự thảo nghị quyết của QH phải được gửi đến UBTVQH trước ngày 30-5; QH xem xét, thông qua trước ngày 30-6 để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: LÂM HIỂN
Đẩy mạnh tính tự chủ
Tiếp tục phiên họp thứ 44, sáng 15-4, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo.
Việc xây dựng dự án này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH-CN và đổi mới sáng tạo để phát triển lĩnh vực này là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự luật hướng đến đẩy mạnh tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở nghiên cứu. Nhà nước chỉ quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm.
Theo tờ trình, nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước đây và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Mặc dù rủi ro được chấp nhận ở từng nhiệm vụ, từng dự án cụ thể nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể của tổ chức đó và chương trình nghiên cứu. Cùng với đó, những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực.
Dự luật cũng đề xuất với nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, nhà khoa học, kỹ sư chủ trì nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được hưởng thêm các ưu đãi gồm lương, phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo thỏa thuận; được bố trí nhà ở công vụ, phương tiện đi lại công vụ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ. Điều động nhân lực, kinh phí, nguồn lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.
Đóng góp ý kiến, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn lưu ý rằng dự thảo cần tránh đưa quá nhiều nội dung, cần tập trung vào những vấn đề cần thiết, xã hội cần, nhà khoa học cần, có thể triển khai được ngay; đồng thời nêu rõ, với các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc.
Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15-8; cấp tỉnh chậm nhất là ngày 15-9.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giam-60-70-so-luong-cap-xa-196250415210255868.htm