Giảm giờ làm ở thời điểm này, có khả thi?
Việc giảm giờ làm chỉ thực sự phù hợp khi năng suất lao động được cải thiện, doanh nghiệp có thể bảo đảm nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập của người lao động.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và một số đại biểu Quốc hội vừa có kiến nghị về giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần nhằm hướng tới bảo đảm sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước với khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện để người lao động tái tạo sức lao động, chăm sóc và giữ hạnh phúc gia đình.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho rằng, xã hội càng phát triển thì các quy định càng tiến bộ hơn so với trước. Giảm thời giờ làm việc, tăng thời giờ nghỉ ngơi là nguyện vọng thiết tha của nhiều người lao động. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 48 giờ/tuần, số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đề xuất giảm thời gian lao động thường xuyên từ 48 giờ xuống còn 44 giờ và tiến tới là 40 giờ đưa ra ở thời điểm này là chưa phù hợp với tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay, bởi trên thực tế, người lao động đang cần việc làm, cần thu nhập và nếu giảm giờ làm thì thu nhập của người lao động sẽ giảm đi.
“Điều quan trọng chúng ta cần nhìn thẳng vào các con số một cách khách quan chứ không nên chỉ lập luận và dùng các ví dụ quốc tế không phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam”, TS Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm.
TS Việt phân tích, thực tế qua mấy năm covid-19, dù đã có phần nào được phục hồi nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, không ít ngành, doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, giãn việc. Thậm chí rất nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, khiến người lao động không có kỹ năng bị mất việc làm. Con số này tăng lên khá cao trong thời gian gần đây
Ở một góc độ khác, TS Nguyễn Quốc Việt cũng thẳng thắn chỉ rõ, Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động dù có tiến bộ so với trước đây, nhưng so với các nước trong khu vực thì chúng ta còn một khoảng cách. Trong vài năm gần đây, chỉ tiêu tăng năng suất lao động hằng năm của nước ta đều không đạt. Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu năng suất lao động kém mà tăng thêm các điều kiện cho người lao động và giảm giờ làm thì đây là một thách thức đối với doanh nghiệp.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, đề xuất giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần không phải là mới, đây cũng là mục tiêu chung của lao động trên thế giới, nhất là người làm việc trực tiếp tại các nhà máy. Song, từ đề xuất đi vào thực tế thì phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn, chuẩn bị đủ các điều kiện như cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập lao động.
“Trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp nếu giảm giờ làm nữa thì thu nhập của người lao động sẽ giảm theo nên việc giảm giờ làm ở thời điểm này là chưa phù hợp”. Theo ông Huân, khoảng sau năm 2030 trình độ phát triển kinh tế cao hơn, tăng trưởng tốt hơn thì thực hiện chính sách giảm giờ làm sẽ khả thi hơn.
TS Nguyễn Quốc Việt cũng cho rằng, thời điểm điều chỉnh giảm giờ làm việc hợp lý nhất là khi nền kinh tế tăng trưởng mức thang mới, doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, đặc biệt nâng cao được hiệu quả thị trường, sức cạnh tranh của nền kinh tế thì việc áp chung mức giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần là hợp lý.
Với những giải pháp trước mắt, ông Việt đề xuất có thể khuyến khích doanh nghiệp có cơ chế nghỉ ưu đãi, thưởng phép dài ngày cho người lao động làm việc hiệu quả. Hoặc cũng có thể áp dụng chính sách tăng gộp ngày nghỉ dài cho người lao động trong các kỳ nghỉ lễ, tạo điều kiện để họ được nghỉ ngơi, đi chơi du lịch và thăm gia đình.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giam-gio-lam-o-thoi-diem-nay-co-kha-thi-post1102005.vov