Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để phát triển xanh, bền vững

Kiểm kê và báo cáo lượng khí nhà kính phát thải không chỉ đơn thuần là yêu cầu pháp lý mà còn là trách nhiệm, đạo đức của mỗi cá nhân và tổ chức trong việc bảo vệ môi trường sống, bảo đảm một tương lai bền vững cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính” được tổ chức gần đây tại tỉnh Long An có sự tham gia của nhiều chuyên gia

Hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính” được tổ chức gần đây tại tỉnh Long An có sự tham gia của nhiều chuyên gia

Trái đất đang ngày càng nóng lên do tác động của hiệu ứng khí nhà kính. Hàng hóa của doanh nghiệp (DN) có phát thải khí nhà kính sẽ bị kiểm soát gắt gao, đánh thuế cao khi xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ. Nếu không có kế hoạch hoặc chậm triển khai giải pháp kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính thì hàng hóa xuất khẩu của DN sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.

Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, ngày 07/01/2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hàng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Gần đây, Sở Công Thương phối hợp Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam - Asia (VANZA) và Trung tâm Chứng nhận chất lượng và Phát triển DN (QCC) tổ chức Hội thảo Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Hội thảo tập trung thảo luận, hướng dẫn các DN trong lộ trình thực hiện: Kiểm kê khí nhà kính; những yêu cầu báo cáo kiểm kê từ những nhà cung cấp, nhà đầu tư; hậu kiểm kê và vai trò trong lộ trình chuyển đổi xanh; khuyến nghị DN sử dụng dữ liệu kiểm kê hướng tới hoạch định chiến lược giảm phát thải; tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện DN, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đã có hành động hướng tới trung hòa carbon nhằm giúp các DN công nghiệp, vật liệu xây dựng và hạ tầng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh, thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đặc biệt, nội dung hội thảo tập trung vào các DN bắt buộc thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An - Trần Thanh Toản nêu tầm quan trọng của kiểm kê khí nhà kính cũng như kế hoạch phát triển sản xuất của DN. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố cần thiết giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Vấn đề phát thải khí nhà kính đang trở thành một thách thức ngày càng cấp bách, đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ các cơ quan quản lý mà còn cần sự đồng lòng của toàn xã hội để kiểm soát và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường.

“Kiểm kê và báo cáo lượng khí nhà kính phát thải không chỉ đơn thuần là yêu cầu pháp lý mà còn là trách nhiệm, đạo đức của mỗi cá nhân và tổ chức trong việc bảo vệ môi trường sống, bảo đảm một tương lai bền vững cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau” - ông Trần Thanh Toản nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam - Asia (Vanza) - Hồ Quang Minh, kiểm kê khí nhà kính là nền tảng quan trọng cho việc xây dựng thị trường và thuế carbon. DN là nhân tố chính đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam, hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong giai đoạn 2023-2025, khi các chính sách khuyến khích vẫn đang áp dụng, DN cần khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai giải pháp giảm phát thải phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh. Bắt đầu từ năm 2026, lượng phát thải khí nhà kính sẽ bắt buộc phải giảm, do đó, DN cần chuẩn bị sớm về đầu tư công nghệ và phát triển đội ngũ nhân lực.

Việc kiểm kê và báo cáo lượng khí nhà kính phát thải không chỉ đơn thuần là yêu cầu pháp lý mà còn là trách nhiệm

Việc kiểm kê và báo cáo lượng khí nhà kính phát thải không chỉ đơn thuần là yêu cầu pháp lý mà còn là trách nhiệm

“Việc kiểm kê khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm mà còn mở ra cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon trong nước. Điều này giúp DN có thêm nguồn tài chính để tái đầu tư, giảm chi phí trong bối cảnh thuế carbon sẽ được áp dụng lên hàng nhập khẩu vào châu Âu” - ông Hồ Quang Minh chia sẻ.

Trình bày tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Trần Thiện Khánh - Chuyên gia môi trường (Trường Đại học An Giang), chia sẻ về tình hình ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước và quốc tế; các cơ chế về thuế carbon, thị trường tín chỉ carbon và tiềm năng của Việt Nam. Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông cộng đồng trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trần Thiện Khánh, việc đo đạc và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là trách nhiệm của mỗi quốc gia trong nỗ lực bảo vệ hành tinh, là yêu cầu cấp bách đối với các DN trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính không chỉ nhằm tuân thủ các quy định pháp lý mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN.

Thông qua quá trình này, DN có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí vận hành; đồng thời, nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu trong mắt khách hàng, đối tác và cộng đồng quốc tế, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

Cố vấn cao cấp Trung tâm Chứng nhận chất lượng và Phát triển doanh nghiệp - Ngô Phát Đạt chia sẻ về nội dung thuế carbon cho các đơn vị xuất khẩu hàng hóa và tiềm năng của Đồng bằng sông Cửu Long về tín chỉ carbon. Ông cũng đề cập đến Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đề án không chỉ giúp nông dân giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải mà còn mở ra cơ hội tăng thu nhập thông qua việc bán tín chỉ carbon. Đây được coi là một giải pháp hiệu quả, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng cao đời sống của nông dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận chất lượng và Phát triển doanh nghiệp, Chuyên gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - Thạc sĩ Tạ Quang Kiên giới thiệu về các văn bản quy định, thông tư hướng dẫn và lộ trình lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính; kế hoạch giảm nhẹ phát thải, lập báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các giải pháp phù hợp với DN Việt Nam.

“Các giải pháp thực tiễn để giảm thiểu phát thải khí nhà kính là chuyển dịch năng lượng theo hướng sạch và xanh; trồng thêm nhiều cây xanh; sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên” - Thạc sĩ Tạ Quang Kiên nhấn mạnh./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giam-nhe-phat-thai-khi-nha-kinh-de-phat-trien-xanh-ben-vung-a184595.html