Giảm nỗi lo sự cố cống dưới đê
Là công trình phòng, chống thiên tai quan trọng, cống dưới đê tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố, nhất là những cống xây dựng từ lâu hoặc chưa trải qua thử thách trước lũ. Nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp theo phương châm '4 tại chỗ'.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo đánh giá của Sở NN& PTNT Hà Nội, đến thời điểm này, các tuyến đê từ cấp III trở lên trên địa bàn thành phố đều bảo đảm cao trình chống lũ theo thiết kế. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của cơ quan phòng, chống thiên tai và người dân Thủ đô trong mùa mưa lũ là nguy cơ xảy ra sự cố các cống dưới đê.
Thực tế, năm 2000, trên tuyến đê hữu Đáy, đoạn xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) đã xảy ra sự cố sập cống Tảo Khê, làm vỡ gần 10m đê với độ sâu và rộng gần 6m. Cũng trên tuyến đê này, năm 2021 xảy ra sự cố cống qua đê Trạm bơm Tân Độ (đoạn xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức), làm sụt lún gần 30m đê...
Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, trên các tuyến đê sông của thành phố có 206 cống làm nhiệm vụ lấy nước các sông: Đà, Hồng, Đáy, Đuống, Cà Lồ... phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống lũ lụt, úng ngập. Để bảo đảm an toàn các tuyến đê, thành phố Hà Nội đã dành nguồn lực cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới, bảo đảm ổn định 146 cống; hoành triệt 21 cống; lập kế hoạch sửa chữa 31 cống... Tuy nhiên, vì được xây dựng đã lâu hoặc mới xây dựng, chưa trải qua thử thách các trận lũ lớn... nên nhiều cống dưới đê của Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, nhất là các cống: Liên Mạc (thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm), Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ), Long Tửu (huyện Đông Anh), Tân Hưng - Cẩm Hà (huyện Sóc Sơn), Bộ Đầu (huyện Thường Tín)...
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) Phạm Quang Đông cho biết, cống Liên Mạc được người Pháp xây dựng từ năm 1938, nằm bên bờ hữu đê sông Hồng. Cống gồm 4 cửa lấy nước rộng 3m và 1 âu thuyền rộng 6m. Từ năm 1962 đến 1994, công trình đã xuất hiện một số hư hỏng: Nứt, lún, thấm. Năm 2000, Bộ NN&PTNT đầu tư gia cố cống này. Năm 2001, Nhà nước đầu tư xây dựng cống Liên Mạc 2 ở hạ lưu cống Liên Mạc với nhiệm vụ giải quyết giao thông, tăng cường ổn định và khả năng chống lũ cho cống Liên Mạc trong mùa lũ. Từ khi được tu bổ, nâng cấp đến nay, cống Liên Mạc và Liên Mạc 2 chưa phải trải qua thử thách với những cơn lũ lớn. Hơn nữa, đáy cống ở cao trình thấp, tường ngực cống vẫn có hiện tượng bị thấm... Do vậy, Hà Nội vẫn cần theo dõi chặt chẽ, xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho cống trong mùa mưa bão năm 2023...
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ“
Để bảo đảm an toàn công trình chống lũ, Giám đốc Sở NN& PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, trước mùa mưa bão, Sở đã phối hợp các đơn vị, địa phương đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu phòng, chống thiên tai năm 2023.
Trên cơ sở đó, ngày 12-6 vừa qua, UBND thành phố đã phê duyệt phương án nêu trên. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê, phát hiện các cống yếu, cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt tạm thời, hoặc hoành triệt vĩnh viễn các cống không bảo đảm an toàn. Đối với các cống xung yếu, các đơn vị, địa phương phải có phương án bảo vệ, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao cụ thể trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ động chuẩn bị đủ các điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ” và tổ chức thực hiện; lập phương án cấp nước (hoặc tiêu nước) hỗ trợ để hạn chế ảnh hưởng do việc hoành triệt cống gây ra.
Đối với những cống dưới đê đã xảy ra sự cố hoặc bị hư hỏng những năm trước, cống mới xây dựng nhưng chưa được vận hành trong điều kiện có lũ cao hay đang thi công, các đơn vị, địa phương phải xây dựng phương án bảo vệ cụ thể để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra. Trong đó, các đơn vị, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến các cống lớn, đáy cống thấp như: Liên Mạc, Long Tửu, Yên Sở; các cống đã xảy ra sự cố như: Cẩm Đình (trên đê Vân Cốc, huyện Phúc Thọ), Tảo Khê, Tân Độ (trên đê hữu Đáy, huyện Mỹ Đức)…
Thực hiện chỉ đạo trên, các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Thường Tín... đã xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó sự cố cống, bảo vệ an toàn các tuyến đê...
“Huyện Phúc Thọ đã giao việc bảo vệ từng đoạn đê cụ thể, cống dưới đê cho từng xã; thành lập 2 đại đội xung kích tập trung gồm 300 người làm nhiệm vụ hộ đê, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Các xã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư, bảo đảm mỗi điếm canh đê có 5m3 cát, 5m3 đá, 100 bao tải, 50kg rơm, 10m2 phên nứa, 10 cây tre... Đồng thời, mỗi xã phải dự trữ 2.000 bao tải, 1.000kg rơm, 100m2 phên nứa, 200 cây tre, 3.000kg rong tre, 2.000m3 đất... Mỗi gia đình chuẩn bị 5 bao tải đất, 5 cọc tre dài 1,5-2m, đường kính 6-8cm. Bên cạnh đó, các xã thành lập đội tuần tra, canh gác, bảo vệ đê với số lượng từ 12 đến 18 người thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1-6 đến 31-10...”, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn thông tin.
Cùng với cơ quan chức năng, các xã, phường, thị trấn có cống dưới đê đã tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống đóng mở của các cống; kiểm tra số lượng và tình trạng con phai, bổ sung và chuẩn bị đầy đủ con phai cho từng cống... “Xã phối hợp với Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức tổ chức phát quang, dọn dẹp cây cối và rác thải quanh khu vực cống; đồng thời chỉ đạo xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ và chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra...”, Chủ tịch UBND xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) Trần Xuân Hải cho hay.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giam-noi-lo-su-co-cong-duoi-de-635363.html