Giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Chú trọng công tác tuyên truyền

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn (Hà Nội) Trần Thị Thanh Huế, nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, nên quá trình triển khai thực hiện chương trình, SGK mới trên địa bàn nhìn chung diễn ra khá suôn sẻ, có sự đồng thuận cao từ giáo viên đến học sinh.

Chiều 9.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 trên địa bàn huyện. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc

Tuyên truyền bằng nhiều phương tiện

Theo báo cáo, tổng số trường học huyện Sóc Sơn quản lý gồm 111 đơn vị trường học (công lập: 101; hiệp quản: 2; tư thục: 8). Trong đó, 45 trường Mầm non (công lập: 36; hiệp quản: 02, tư thục:7), 38 trường Tiểu học (37 trường công lập, 1 trường ngoài công lập), 27 trường THCS và 1 Trung tâm GDNN - GDTX.

Trên địa bàn còn có 6 trường THPT công lập: THPT Đa Phúc, THPT Sóc Sơn, THPT Kim Anh, THPT Minh Phú, THPT Trung Giã, THPT Xuân Giang và 4 trường THPT ngoài công lập: THPT Mạc Đĩnh Chi, THPT Lạc Long Quân, THPT Đặng Thai Mai, THPT Lam Hồng.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chương trình, SGK mới. Tổ chức quán triệt và tuyên truyền về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đến toàn thể giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các đối tượng có liên quan. Đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin của ngành và thông tin rộng rãi trong cộng đồng xã hội về mục đích, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình, điều kiện thực hiện và các chính sách liên quan.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn Trần Thị Thanh Huế, chính nhờ chú trọng công tác tuyên truyền như thế, nên quá trình triển khai thực hiện chương trình, SGK mới ban đầu có thể còn có tâm tư từ giáo viên đến phụ huynh, nhưng nhìn chung diễn ra khá suôn sẻ, với sự đồng thuận cao. Quy trình lựa chọn SGK minh bạch, công khai, không nhận được ý kiến trái chiều nào.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng báo cáo làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng báo cáo làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

Thiếu giáo viên, phòng học

Mặc dù luôn nhận được sự quan tâm về mọi mặt của thành phố Hà Nội, sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất cho giáo dục (có năm lên tới 60% ngân sách), song Sóc Sơn vẫn gặp một số khó khăn trong công tác giáo dục nói chung, thực hiện chương trình, SGK mới nói riêng. Địa bàn huyện rộng, dân cư đông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, các loại hình trường ngoài công lập chưa phát triển.

Đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu theo định biên và chưa cân đối về cơ cấu giữa giáo viên các môn học trong một số trường, nhất là ở cấp THCS. Năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, giáo viên hạn chế, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy. Nguồn tuyển giáo viên cho các môn học như Khoa học tự nhiên, Tin học, Ngoại ngữ… gặp nhiều khó khăn.

Kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa kịp thời nên các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn trong tổ chức dạy học, nhất là môn tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học, các môn thực hành thí nghiệm ở cấp THCS.

Học sinh Trường Tiểu học Phù Linh, huyện Sóc Sơn

Học sinh Trường Tiểu học Phù Linh, huyện Sóc Sơn

Cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường còn thiếu và chưa đồng bộ, đang xuống cấp, chưa có đủ cả phòng học thông thường và phòng học chức năng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học. Nguyên nhân là do dân số cơ học tăng hàng năm, tỷ lệ hoc sinh tăng. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp rà soát xây dựng kế hoạch để từng bước đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ hóa ở các cấp học theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29.10.2018 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt đề án bảo đảm cơ sở vật chất trong chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025.

Để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo trong các trường học trên địa bàn, Sóc Sơn đề nghị HĐND, UBND Thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí; phân bổ đủ chỉ tiêu biên chế theo định mức quy định. Tổ chức tuyển dụng giáo viên kịp thời, đảm bảo điều kiện về đội ngũ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Bên cạnh đó, tài liệu giáo dục địa phương cần có bản in để giáo viên và học sinh chủ động trong công tác giảng dạy theo kế hoạch. Tăng cường đào tạo, tổ chức tập huấn chuyên môn cho đội ngũ...

Tạo môi trường cho giáo viên cống hiến

Đoàn giám sát ghi nhận sự chỉ đạo sát sao, đầu tư nguồn lực, sự sẵn sàng nhập cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới của huyện Sóc Sơn. Nhiệm vụ đặt ra đi kèm giải pháp, cho thấy cách làm đúng hướng và thấy rõ hiệu quả của địa phương, nhưng để được như mong muốn thì cần thêm thời gian và đầu tư nguồn lực, cả về con người và tài chính.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà đánh giá Sóc Sơn đã thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 khá bài bài và tốt, từ thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn đến tuyên truyền

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà đánh giá Sóc Sơn đã thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 khá bài bài và tốt, từ thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn đến tuyên truyền

Đoàn giám sát cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Sóc Sơn đang phải đối mặt. Đó là Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đánh giá là hay nhưng các điều kiện bảo đảm không tương thích. Các môn học mới chưa có nguồn giáo viên để tuyển dụng; trong khi các môn học tích hợp thì giáo viên có vẻ chưa sẵn sàng. Bên cạnh đó, áp lực tăng dân số cơ học, tỷ lệ học sinh tăng, số phòng học đủ để đáp ứng là một thách thức khách quan…

Khẳng định đổi mới chương trình, sách giáo khoa là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, “quyết tâm là tốt nhưng cần rất thận trọng. Đối với giáo dục, không được phép sửa sai, chậm và chắc sẽ thành công hơn”. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng, trong các điều kiện bảo đảm, yếu tố quyết định là con người, do vậy phải quan tâm hơn đến đội ngũ giáo viên, tạo môi trường làm việc tốt, động viên kịp thời để họ cống hiến…

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/giam-sat-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-chu-trong-cong-tac-tuyen-truyen-i318376/