Giảm thuế giá trị gia tăng 2%: Người dân và doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp

Từ ngày 1/7/2023, Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội đã chính thức có hiệu lực. Như vậy, hàng loạt các hàng hóa, dịch vụ có mức thuế GTGT 10% đã được giảm xuống 8% cho đến hết năm 2023. Các chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ giúp kích cầu người dân tiêu dùng nhiều hơn, nhờ giá hàng hóa, dịch vụ giảm tương ứng. Cùng với đó, việc giảm thuế cũng sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sớm phục hồi và giảm áp lực lạm phát, đưa nền kinh tế tăng trưởng những tháng cuối năm.

Giảm thuế Giá trị gia tăng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TL

Giảm thuế Giá trị gia tăng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TL

Kích cầu tiêu dùng

Theo khảo sát tại nhiều cửa hàng, siêu thị tại TP. Hà Nội, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% kể từ ngày 1/7 đã được thực hiện. Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, chị Nguyễn Thị Hường ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, chị thường mua sắm ở siêu thị có hóa đơn để yên tâm về chất lượng sản phẩm. Mỗi tháng, gia đình chị dành khoảng hơn 10 triệu đồng để mua nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt.

Theo chị Hường, trong năm 2022, việc giảm thuế GTGT 2% đã giúp gia đình chị tiết kiệm được 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Như vậy, việc giảm thuế 6 tháng cuối năm 2023 giúp các gia đình thường xuyên mua sắm tại các siêu thị cảm nhận được sự sẻ chia của Nhà nước trước những khó khăn trong thời điểm nền kinh tế suy giảm hiện nay, ảnh hưởng đến thu nhập của đại bộ phận người lao động, đặc biệt là những người làm công, ăn lương như chị.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, Co.opmart cùng các nhà cung cấp đã giảm 2% thuế GTGT cho hàng hóa tiêu dùng theo đúng quy định từ ngày 1/7, theo đó giá hàng hóa một số sản phẩm sẽ giảm xuống. “Tôi hy vọng rằng, trong những tháng cuối năm với kỳ vọng giảm thuế GTGT 2%, giá hàng hóa giảm, cộng với khuyến mại kích cầu, sức mua sẽ tăng lên” - bà Dung nói.

Là đơn vị chuyên sản xuất đồ nội thất, ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Công ty CP nội thất Hải Phát cho rằng, việc giảm thuế GTGT không chỉ có lợi cho người sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí phát sinh. Doanh nghiệp được áp dụng giảm thuế GTGT 2% sẽ tiết kiệm được cả tỷ đồng tiền thuế trong 6 tháng cuối năm 2023. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng số tiền tiết kiệm từ thuế để mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Trợ lực cho doanh nghiệp, người dân khoảng 24.000 tỷ đồng

Bộ Tài chính cho biết, dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% sẽ trợ lực cho doanh nghiệp, người dân khoảng 24.000 tỷ đồng. Cùng với các biện pháp về giãn nộp thuế, việc giảm thuế GTGT đã đáp ứng được sự mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, là nguồn trợ lực tài chính kịp thời, mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp có thêm sức đề kháng để phục hồi và phát triển.

Theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP, về cơ bản, các đối tượng được giảm thuế GTGT 2% cũng giống như năm 2022 tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP.

Theo các chuyên gia, với việc được giảm thuế GTGT đầu vào sẽ giúp cả doanh nghiệp, người tiêu dùng đều được hưởng lợi. Cụ thể, đối với người bán khi thuế đầu vào giảm sẽ có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ trong khi sức ép về chi phí tăng cao. Đối với người tiêu dùng sẽ giúp tiết kiệm chi phí mua sắm, tăng kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm trực tiếp 2% chi tiêu bình quân, điều này sẽ góp phần kiềm chế, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng rất đúng thời điểm

TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) cho rằng, việc giảm thuế GTGT 2% sẽ kích thích tiêu dùng đối với thị trường nội địa và mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam. Việc giảm thuế không chỉ giảm khó khăn cho doanh nghiệp mà chính là giảm chi phí cho người dân, kích cầu trong hệ thống chuỗi giá trị cung ứng.

Bởi lẽ 2 năm trở lại đây, tổng cầu đang giảm, trong khi đó tổng cung lại tăng đột biến. Chính vì vậy, khi giảm thuế GTGT, ngoài doanh nghiệp thì người dân, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Cùng với đó, đối với ngân sách, khi kích cầu ngân sách cũng có cơ hội tăng thêm nguồn thu. Đặc biệt, trong một chuỗi giá trị cung ứng, nhiều nhà đầu tư sẽ tự tìm đến với thị trường Việt Nam khi nước ta có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, đặc biệt là thuế GTGT.

Còn theo TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), chính sách giảm thuế GTGT 2% trong thời điểm hiện nay là rất đúng thời điểm. Quan trọng, đây là lần thứ hai thực hiện giảm thuế, do đó đã có sự rút kinh nghiệm của lần trước và quy trình gọn lại, đơn giản hơn, nên chính sách lần này sẽ đi vào thực tiễn nhanh hơn.

Chính sách này sẽ là một cú hích cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Song, VINASME đề xuất khi Nghị định 44 hết hiệu lực vào cuối năm 2023, chính sách giảm thuế GTGT sẽ được cân nhắc tiếp tục thực hiện để đạt được những hiệu ứng đa chiều cho nền kinh tế…

Theo TS. Tô Hoài Nam, bên cạnh chính sách giảm thuế GTGT, chính sách giảm 36 khoản phí, lệ phí từ 10 - 50% cũng đã chính thức được áp dụng từ 1/7. Đây sẽ là những động lực để thúc đẩy người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, tạo đà cho nền kinh tế về đích với mục tiêu tăng trưởng 6,5% như đã đề ra./.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-thue-gia-tri-gia-tang-2-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-huong-loi-truc-tiep-131624.html