Giảm thuế giá trị gia tăng, kích cầu tiêu dùng

Nhiều mặt hàng được giảm thuế giá trị gia tăng được kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng nội địa. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại một siêu thị ở TP Tuy Hòa. Ảnh: VIỆT AN

6 tháng cuối năm nay, nhiều mặt hàng được giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8%. Chính sách này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng nội địa, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%; trừ các nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt… Việc giảm thuế được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó giảm trực tiếp chi phí tiêu dùng cho người dân. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT, chính sách này sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngay sau khi Nghị định 44 có hiệu lực (từ ngày 1/7/2023), qua khảo sát của phóng viên, các hệ thống, cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh giá hàng hóa phù hợp với chính sách mới; đồng thời triển khai nhiều chương trình giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Chị Bùi Thị Hoàng Anh đang mua sắm tại một siêu thị ở TP Tuy Hòa, cho biết: Mỗi tháng gia đình tôi chi gần 10 triệu đồng để mua thực phẩm và hàng tiêu dùng cá nhân. Khi chính sách giảm 2% thuế GTGT được áp dụng, gia đình tôi tiết kiệm được hơn trăm nghìn đồng mỗi tháng. Cộng dồn như vậy trong 6 tháng thì cũng đỡ phần nào ngân sách chi tiêu của cả nhà, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Trong khi đó, theo anh Đinh Văn Trọng ở phường 9 (TP Tuy Hòa), gia đình anh đang xây nhà trong giai đoạn hoàn thiện, có rất nhiều khoản phải chi. Vì vậy, khi nghe thông tin có chính sách giảm 2% thuế GTGT, anh rất mừng. “Trong số những hàng hóa mà chúng tôi phải mua có cả những mặt hàng được giảm thuế và những mặt hàng không được giảm thuế. Tỉ lệ giảm 2% cũng không nhiều nhưng trong thời điểm có quá nhiều khoản phải chi như hiện nay, tiết kiệm được đồng nào mừng đồng đó”, anh Trọng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Sang, chủ hộ kinh doanh thiết bị điện nước dân dụng ở phường 5 (TP Tuy Hòa) cho hay: Đây là lần thứ hai Chính phủ ban hành chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% nên đơn vị không còn bỡ ngỡ khi áp dụng. Việc điều chỉnh về hóa đơn, giá cả cũng được thực hiện nhanh hơn. Quan trọng là khi giảm thuế, giá thành sản phẩm hạ, người mua cảm thấy có lợi nên họ mua sắm nhiều hơn.

Tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện giảm thuế

Ðể hỗ trợ doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh cũng như người dân thụ hưởng chính sách của Nhà nước, ngay sau khi Nghị định 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Cục Thuế Phú Yên đã ban hành văn bản triển khai nghị định này gửi đến doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó hướng dẫn về các bước xác định danh mục các mặt hàng được giảm thuế; mức giảm thuế GTGT; trình tự, thủ tục thực hiện giảm thuế…

“Trường hợp cơ sở kinh doanh khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn GTGT phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp cơ sở kinh doanh khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm.

Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỉ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm theo quy định tại Nghị định 44/2023/NĐ-CP thì người bán và người mua xử lý hóa đơn đã lập theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ. Căn cứ vào hóa đơn sau khi xử lý, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có)…”, ông Phạm Hoài Trung, Cục trưởng Cục Thuế Phú Yên lưu ý.

Thuế GTGT là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do đó, khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp kích cầu tiêu dùng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Theo tính toán của Bộ Tài chính, chính sách giảm 2% thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ gây hụt thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỉ đồng song chính sách này là cần thiết để kích cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trước đó, trong năm 2022, ngành Thuế cũng đã thực hiện giảm 2% thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tại Phú Yên, ngành Thuế tỉnh đã giảm 20 tỉ đồng tiền thuế GTGT khi triển khai chính sách này.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó giảm trực tiếp chi phí tiêu dùng cho người dân. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT, chính sách này sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

VIỆT AN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/300796/giam-thue-gia-tri-gia-tang-kich-cau-tieu-dung.html