Giảm thuế VAT xăng dầu, hàng hóa đến hết năm 2026: Tác động tích cực đến nhiều đối tượng
Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, việc giảm thuế VAT đến hết năm 2026 còn được kỳ vọng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.
Mới đây, Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ là viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Thời gian áp dụng giảm thuế VAT 2% là từ ngày 1-7-2025 đến hết ngày 31-12-2026.
Dự thảo nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn việc giảm thuế suất thuế VAT và tổ chức triển khai thực hiện chính sách này bảo đảm công khai minh bạch, hiệu quả.
Giảm thuế - duy trì nguồn lực cho xã hội
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, việc giảm thuế VAT 2% sẽ có tác dụng tích cực cho cả cung - cầu của thị trường, đặc biệt cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Trong đó, một mặt giúp giảm giá thành hàng hóa, tạo cho người dân kích thích khả năng tiêu dùng, từ đó, tăng tổng cầu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm động lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
“Giảm thuế VAT giúp giảm giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp cũng bớt đi chi phí và nghĩa vụ tài chính, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn là góp phần tiêu thụ sản phẩm, duy trì động lực đầu tư, duy trì dòng tiền và việc làm”, TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá và cho hay, về lâu dài việc giảm thuế này còn giúp cho cộng đồng doanh nghiệp duy trì được nguồn lực cho phát triển.

Giảm thuế VAT không chỉ giúp giải phóng gánh nặng cho doanh nghiệp mà còn được kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng. Ảnh: MINH TRÚC
Cùng quan điểm, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026, cùng với bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vào diện được giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách, nhưng cũng sẽ kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
“Việc mở rộng nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT cho thấy Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Nếu được triển khai hiệu quả, chính sách này sẽ không chỉ giúp kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn mà còn tạo động lực tăng trưởng bền vững trong dài hạn”, PGS. TS. Ngô Trí Long nhận định.
Theo nhiều ý kiến, hiện nay khó khăn vẫn đang đeo bám doanh nghiệp, thể hiện rõ nhất qua số doanh nghiệp rút khỏi thị trường luôn cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Nhất là trong bối cảnh nước ta đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, vì vậy, việc giảm thuế là hết sức cần thiết và cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam Tô Hoài Nam cho biết, không ít doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã buộc phải đóng cửa. Vì vậy, việc giảm thuế VAT là rất đúng với nguyện vọng của doanh nghiệp.
Thực tế, các chính sách gia hạn, giảm thuế trước đó đã ngấm vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế.
Nếu chính sách này được kéo dài đến hết năm 2026, không chỉ giúp người dân giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí từ đó dần phục hồi khi sức mua dần được cải thiện.
Người dân phấn khởi, doanh nghiệp an tâm
Anh Trần Vỹ Sơn, Giám đốc Công ty du lịch PYS chia sẻ, đến nay công ty này đã nhận ký hợp đồng tour đến hết tháng 7-2025 vì nhiều khách đặt tour sớm để có giá tốt.
“Khi các đơn vị như doanh nghiệp, nhà trường… đặt tour cho nhóm đông người, họ quan tâm đến cả chi phí và thuế. Khi đặt tour, khách sẽ nhìn vào mức thuế VAT là 10% hay 8%. Những lần giảm 2% thuế VAT trước đó đã góp phần làm tăng lượt khách du lịch đáng kể”, vị này cho hay.
Vì vậy, nếu chính sách giảm thuế VAT được kéo dài đến hết năm 2026, cùng với nhiều chương trình kích cầu khác, anh Sơn kỳ vọng sẽ là một cú hích cho du lịch trong nước cũng như 'sức khỏe' của nhiều doanh nghiệp.

Việc giảm thuế VAT đến hết năm 2026 và mở rộng đối tượng giảm thuế sẽ mang lại tác động lan tỏa tích cực. Ảnh: MINH TRÚC
Việc tiếp tục giảm thuế VAT không chỉ là tin vui cho doanh nghiệp, mà còn cho cả người dân. Chị Lê Kim Ngà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi biết nhà nước có thể sẽ tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2026.
“Tiền thuế giảm trên từng sản phẩm không nhiều nhưng cộng dồn lại thì cũng là một khoản kha khá. Bây giờ kinh tế khó khăn nên giảm được đồng nào hay đồng ấy. Cùng một lượng tiền, tôi có thể mua thêm được nhiều hàng hóa phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày hơn”, chị Ngà chia sẻ.
Còn chị Thu Linh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng cao như học phí, giá cước xe buýt liên chiều ở Hà Nội tăng từ 200.000 lên 280.000 đồng/tháng. Ngay cả gạo cũng tăng lên 20.000 - 22.000 đồng/kg, trong khi ba năm trước chỉ 15.000 đồng…
Trong khi đó, thu nhập của nhiều người làm công ăn lương như chị đều giảm sút mạnh so với trước dịch Covid-19, thậm chí nhiều nơi giảm từ 30 - 40% thu nhập.
"Nhiều doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn do sức cầu giảm, không ít doanh nghiệp phải đóng cửa, nhất là các đơn vị kinh doanh hàng hóa dịch vụ… Do đó việc kéo dài giảm thuế VAT đến hết năm 2025 không chỉ người dân đỡ khó khăn mà các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi sức mua được cải thiện hơn…", chị Thu Linh nói.
Giảm thuế cho xăng dầu sẽ tác động lan tỏa
Trong lĩnh vực dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP May 10 đánh giá, nhờ giảm thuế VAT 2%, doanh nghiệp có điều kiện cơ cấu lại sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động. Tuy vậy, các đơn hàng mới chỉ hồi phục về lượng, chưa có hồi phục về giá do lạm phát trên thế giới dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Vì vậy, việc kéo dài chính sách này đến hết năm 2026, đặc biệt mở rộng sang nhóm hàng hóa thiết yếu như xăng, dầu – vốn có tác động lan tỏa đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào giúp giảm giá thành, giúp sức tiêu thụ mạnh hơn. “Nếu chúng ta kéo dài chính sách này thì sẽ tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng”.
Đồng tình, ông Trần Duy Phúc - Giám đốc công ty vận tải Hà Nội, cho biết, xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí vận hành của doanh nghiệp.
“Nếu chính sách giảm thuế VAT tiếp tục được duy trì, chúng tôi có thể giảm giá cước, kích thích nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa và hỗ trợ phục hồi kinh tế tốt hơn”, ông Phúc chia sẻ.
Chính sách dài hạn, doanh nghiệp chủ động
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng trong bối cảnh hiện nay, một môi trường chính sách ổn định và minh bạch là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp yên tâm phát triển.
Nếu cứ 6 tháng một lần lại thay đổi chính sách, doanh nghiệp có thể rơi vào trạng thái chờ đợi, làm giảm động lực đầu tư và tiêu dùng, giảm hiệu quả của chính sách kích thích tài khóa.
Do vậy, việc đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT từ nay đến cuối năm 2026 là hợp lý.
Một lộ trình thuế rõ ràng và dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong tính toán chi phí, dòng tiền và kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, vì họ có thể điều chỉnh giá bán và chiến lược thị trường mà không lo ngại những thay đổi bất ngờ từ chính sách thuế.
Khi chính sách tài khóa ổn định, doanh nghiệp có thêm động lực để mở rộng đầu tư, tuyển dụng lao động và nâng cao năng suất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả hơn.
Không chỉ doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ một chính sách thuế nhất quán. Khi có sự rõ ràng về thuế, người dân sẽ yên tâm chi tiêu hơn, góp phần kích thích tổng cầu.
Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng đối tượng giảm thuế cũng là hết sức cần thiết. Khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như Mỹ và EU đang tăng trưởng chậm lại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa suy giảm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu...
Còn trong nước, mặc dù Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay và hướng tới mức hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, nhưng các chỉ số kinh tế hai tháng đầu năm vẫn chưa cho thấy sự khởi sắc rõ rệt.
"Việc nghiên cứu và triển khai chính sách giảm thuế VAT sớm là một giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành kinh tế. Trong hệ thống thuế hiện hành, VAT chiếm khoảng 25% tổng thu ngân sách mỗi năm.
Khi thuế VAT giảm, giá hàng hóa và dịch vụ cũng giảm theo, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm, thúc đẩy tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Giảm thuế VAT còn hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giảm chi phí đầu vào, từ đó hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh nhiều nước gia tăng áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu.