Giành hơn 4 tỷ đồng học bổng nhờ bài luận sơn móng tay
Bài luận về trải nghiệm lần đầu tiên sơn móng tay, tượng trưng cho hành trình bứt phá bản thân, giúp Cát Tường giành được hơn 4 tỷ đồng học bổng từ Trường Đại học VinUni và Trường Đại học Fulbright Việt Nam.
Lê Minh Cát Tường, sinh năm 2005, quê An Giang, là cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Cát Tường nhận tin vui khi trúng tuyển 4 trường: Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học VinUni và Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Cô cũng giành được suất Học bổng 70% ngành Quản trị kinh doanh trị giá hơn 2.3 tỷ đồng từ VinUni và Học bổng Chủ tịch cùng gói Hỗ trợ tài chính trị giá hơn 1.7 tỷ đồng từ Fulbright Việt Nam.
Nữ sinh 18 tuổi quyết định sẽ nhập học trường Fulbright Việt Nam để theo đuổi ngành Kinh tế cùng ngành phụ Nghệ thuật và Truyền thông. Cô nhận định, chương trình học của hai ngành trên sẽ mở ra những cơ hội tốt giúp cô tận dụng triệt để các thế mạnh của bản thân. Đó là kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng đàm phán và kỹ năng lãnh đạo.
Trong bài luận, Cát Tường kể rằng ba mẹ đều là giáo viên nên cô từng không dám sơn móng tay - một hành động vi phạm nội quy học sinh. Lần đầu thử sơn móng tay, cô bất ngờ nhận ra những móng tay nhỏ nhắn bỗng rực rỡ sắc màu biết bao. Cô thấy mình trở nên tự tin hơn, những móng tay được tô điểm giúp cô vừa thấy nữ tính, dịu dàng nhưng cũng rất mạnh mẽ, phá cách.
Từ trải nghiệm ấy, cô đề cập đến sự phát triển từ bên trong, cũng như sự tự nhận thức, nhìn lại về chính bản thân mình của mỗi người. Dù đã có không ít hoạt động xã hội nhằm xóa bỏ định kiến giới, nhưng vẫn còn đó những định kiến vẫn còn tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm qua áp đặt lên giới nữ, đặc biệt là ở châu Á.
Xuyên suốt quá trình học tập và hoạt động, cô luôn bày tỏ những nỗ lực đóng góp cho cộng đồng với vai trò một nữ sinh và một người phụ nữ trong tương lai. Bài luận sơn móng tay chính là điểm nhấn giúp hồ sơ của cô gây được ấn tượng với hội đồng tuyển sinh.
Trước năm học lớp 8, năm nào Cát Tường cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc nhất khối. Đối với cô, việc trượt khỏi vị trí số 1 là “thất bại ê chề”. Từng rất hiếu thắng, cộng thêm ám ảnh về việc phải trở thành người giỏi nhất, cô luôn thấy bất mãn với những gì mình có.
Quyết chí “phục thù” bằng việc lao vào các hoạt động với mục đích giành lấy một danh hiệu, giải thưởng khác, cô tiếp tục “thua đậm”: trượt đội tuyển thi học sinh giỏi, trượt lớp chuyên Anh ở TP. Hồ Chí Minh, trượt liên tiếp 3 học bổng bậc phổ thông trong nước và quốc tế.
Mùa hè năm lớp 10 và suốt học kỳ I của năm lớp 11, do dịch COVID-19 nên Cát Tường phải học trực tuyến. Sau một năm học tại TP. Hồ Chí Minh với kết quả không như ý, cô rơi vào khủng hoảng và bắt đầu khóc nhiều hơn.
“Mình và ba mẹ đã trò chuyện thật nghiêm túc về việc chuyển mình về một ngôi trường gần nhà. Rồi mình nhận ra ba mẹ luôn ủng hộ mình kể cả khi mình thất bại đến thế nào. Mình cũng hiểu được giá trị của tình bạn khi những người bạn ở Phổ thông Năng khiếu hết lòng nghe mình than thở”, Cát Tường nhớ lại.
Cô quyết định không chuyển trường và học cách dần chấp nhận với những thử thách. Cô nói đã không hề hối hận vì lựa chọn ấy bởi nó đã giúp cô trưởng thành hơn rất nhiều và biết ơn những người xung quanh mình hơn.
Một bước ngoặt khác trong hành trình phát triển bản thân của Cát Tường là khi cô tham gia vào CLB Tranh biện The Colosseum và gặt hái được một số thành tích nhất định. Khi làm quen với tranh biện, cô biết đến khái niệm “thang đo”, có nghĩa là việc cân nhắc trong một bối cảnh đâu là yếu tố để đánh giá xem bên nào làm tốt hơn.
Dù đã tham gia khá nhiều giải đấu tranh biện, nhưng cô nhận ra mình vẫn chưa hiểu cách đặt thang đo cho chính mình vì cứ mãi nhìn xem người khác đi đến đâu và tự làm bản thân cạn kiệt năng lượng. Self-reflection (tự nhìn nhận bản thân) là một trong những điều cô nhận ra mình còn thiếu sót. Khi những tiêu cực bủa vây, cô luôn cố gắng thực hành kỹ năng này. Cô suy nghĩ thoáng hơn, cho phép bản thân thất bại và chấp nhận chúng như tiền đề cho những thành tựu sau đó.
“Mình dần "chai mặt" với những lá thư báo trượt, những lời từ chối. Đối với mình, việc quan trọng nhất khi thất bại là hiểu lý do vì sao để từ đó khắc phục điểm yếu của bản thân”, Cát Tường chiêm nghiệm.
Cát Tường là nhà sáng lập của The Engnoisseurs, một dự án hỗ trợ các bạn học sinh tỉnh lẻ ôn thi vào lớp 10 môn tiếng Anh chuyên. Cô cũng là ban tổ chức, phụ trách các mảng như tài chính, đối ngoại của nhiều sự kiện dành cho học sinh - sinh viên. Cô là gương mặt quen thuộc trong nhiều cuộc thi tranh biện (debate) quy mô và từng hai lần lọt Top 32 Trường Teen VTV7.
Một câu trích dẫn mà cô rất thích, được nói bởi thần tượng 11 năm Taylor Swift: “You are your own definition of beautiful and worthwhile” (Bạn là định nghĩa của riêng bạn về cái đẹp và sự đáng giá). Đây cũng chính là động lực và quan điểm sống đã vực dậy cô trong những lúc cô cảm thấy mình không đủ tốt, không đủ giỏi, và không đủ giá trị.
Sắp trở thành sinh viên đại học, Cát Tường hi vọng sẽ có cơ hội học tập những môn học và kỹ năng chuyên sâu tại trường đại học quốc tế mà cô đã chọn. Môi trường đại học sẽ khác rất nhiều so với những năm cấp ba, nhưng đây cũng là nơi giúp cô có thêm cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động xã hội hơn. Cô cũng có dự định tìm kiếm học bổng du học thạc sĩ, vậy nên trong 4 năm tới sẽ phải cố gắng hơn nữa để đạt được mục tiêu này.