Giao chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số: Nhiều thuận lợi, không ít thách thức
PGS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, việc giao tăng trưởng cho các địa phương là mục tiêu phấn đấu, gỡ bỏ rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh để tạo tăng trưởng cao.
Tìm động lực phát triển mới
Về việc Chính phủ giao các địa phương đạt tăng trưởng hai con số, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết, có ý nghĩa là mục tiêu phấn đấu nhiều hơn mệnh lệnh hành chính. Điều này không giống với Khoán 10 trong nông nghiệp cách đây 40 năm (là mục tiêu bắt buộc phải đạt được - PV). Tăng trưởng không phải là việc mà các địa phương hay Chính phủ có thể “nắm chắc trong tay”. Nó phụ thuộc vào thị trường, khu vực tư nhân và tình hình thế giới.
![PGS. Phạm Thế Anh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_20_51463635/f7f41d922ddcc4829dcd.jpg)
PGS. Phạm Thế Anh
PGS Thế Anh cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra, phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất, phụ thuộc chính quyền địa phương thực hiện các cải cách giúp cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, người dân sở tại.
Với việc giao chỉ tiêu, mục đích của Chính phủ là muốn địa phương đồng hành cùng Trung ương trong việc hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp và lượng hóa địa phương nào làm tốt, địa phương nào chưa, nhận diện những khó khăn.
“Từ trước đến nay chúng ta luôn nhìn qua con số tổng thể của cả nước, bây giờ giao cụ thể để theo dõi, giám sát tốt hơn. Về mặt quản trị quốc gia, đây là một cách làm và hiểu rằng đây là mục tiêu để địa phương phấn đấu và nhận diện tiềm năng, vấn đề của từng địa phương”, ông Thế Anh nhìn nhận.
Từ những yếu tố trên, theo PGS Thế Anh , các con số chỉ tiêu tăng trưởng được giao cho địa phương không phải là con số cứng nhắc, áp mệnh lệnh hành chính.
Theo đánh giá của ông Thế Anh, khi đặt mục tiêu, Chính phủ sẽ căn cứ vào tiềm lực của từng địa phương. Những tỉnh được giao chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số thường là nơi tập trung các khu công nghiệp, chế xuất lớn, có thu hút đầu tư nước ngoài… hoặc có tiềm năng phát triển du lịch hoặc là nơi năm 2025 Chính phủ triển khai đầu tư phát triển hạ tầng (như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận)… Tức là những địa phương có khả năng bứt phá do đón được dòng vốn chuyển dịch đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc như Bắc Ninh, Bắc Giang,…
![Ước tính, nếu xuất khẩu sang Mỹ năm nay giảm 10% do ảnh hưởng của những chính sách mới từ chính phủ Mỹ, GDP có thể sẽ giảm tương đương khoảng 3%. Ảnh: Nguyễn Bằng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_20_51463635/636e9208a2464b181257.jpg)
Ước tính, nếu xuất khẩu sang Mỹ năm nay giảm 10% do ảnh hưởng của những chính sách mới từ chính phủ Mỹ, GDP có thể sẽ giảm tương đương khoảng 3%. Ảnh: Nguyễn Bằng
Nhận diện các rủi ro để có giải pháp
PGS. TS Phạm Thế Anh nhìn nhận, việc đặt mục tiêu tăng trưởng của cả nước là 8%, thậm chí phấn đấu 2 con số khá cao so với tiềm năng của cả nước và các địa phương.
Khi tăng trưởng cao như thế có thể sẽ đi kèm với những rủi ro. Hiện kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào môi trường bên ngoài, một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu, tập trung ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật… Nhưng bất thường trong chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay cho thấy có những rủi ro nhất định. Căng thẳng kinh tế thế giới đang “nóng dần” khi Mỹ áp thuế quan theo chính sách mới.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu trên 142 tỷ USD, tương đương 30% GDP sang thị trường Mỹ. Vì vậy, mọi động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump đều ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
PGS Phạm Thế Anh cho rằng, nếu xuất khẩu sang Mỹ năm nay giảm 10% do ảnh hưởng của những chính sách mới, GDP có thể sẽ giảm tương đương khoảng 3%, và con số 8% như mục tiêu đặt ra chung của cả nước có thể sẽ gặp những thách thức nhất định.
“Nếu xuất khẩu bị ảnh hưởng, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng sẽ chững lại và ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam”, ông Thế Anh nói.
Vị chuyên gia cho rằng, nếu nguồn vốn FDI khó khăn, Chính phủ sẽ phải dồn nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng cho khu vực trong nước. Khi đó, Chính phủ phải dựa nhiều hơn vào các công cụ tài khóa và tiền tệ, bên cạnh việc kiên trì cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.
Nếu không có được sự tin tưởng và an tâm thì doanh nghiệp sẽ không đầu tư, khi đó dòng tiền của tư nhân sẽ không đầu tư vào sản xuất mà tập trung kiếm lời từ chênh lệch giá trên các thị trường tài sản như vàng, bất động sản, hay chứng khoán…
Nếu không thu hút được nguồn vốn của tư nhân vào sản xuất, sẽ khó tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc tạo môi trường để doanh nghiệp tư nhân trong nước yên tâm đầu tư sản xuất là câu chuyện dài hạn, cần mất thời gian vài năm.
“Tăng trưởng cao đều có những ràng buộc và có sự đánh đổi. Tăng trưởng cao nhưng vẫn phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô mới quan trọng; phải đi kèm với lạm phát ở mức trung bình thấp, giữ được ổn định tỉ giá; không để nợ xấu thành vấn đề lớn, thâm hụt ngân sách không quá cao. Đây là bài toán khó, thách thức lớn”, ông Thế Anh chia sẻ.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ nên kéo các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án đầu tư công và có cam kết để họ yên tâm. Đồng thời phải cởi trói các thủ tục giấy phép không cần thiết. Chính phủ đang tinh gọn bộ máy, thu gọn nhân sự nhưng phải đi kèm với tinh gọn thủ tục, quy trình, giảm chi phí không chính thức. Việc sáp nhập các bộ, ban ngành, địa phương phải đồng thời giảm số đầu mối, giảm thủ tục hành chính thì mới có ý nghĩa.
Ngày 5/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết 25 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên (sau đây viết là Nghị quyết 25). Có 18/63 địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số và không có địa phương nào tăng trưởng dưới 8%. Hai trung tâm kinh tế của cả nước là Hà Nội và TPHCM được giao mức tăng trưởng lần lượt là 8% và 8,5%. Bắc Giang là địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP cao nhất năm 2025 với 13,6%, tiếp đến là Ninh Thuận với 13%.