Thành phố Hồ Chí Minh: Tổng lực các động lực để tăng trưởng hơn 10% năm 2025

Thành phố Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 hơn 10%, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn, tiếp tục khẳng định vai trò 'đầu tàu' kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao năm 2025 (Cảng Tân Cảng - Cát Lái). Ảnh: SNP

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao năm 2025 (Cảng Tân Cảng - Cát Lái). Ảnh: SNP

Mục tiêu cao, quyết tâm càng cao

Chính phủ đã thông qua nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, địa phương bảo đảm tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Với vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh tác động rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Trong phiên thảo luận tổ, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 12-2, Chủ tịch nước Lương Cường (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng kinh tế thêm 1% bằng các địa phương khác tăng trưởng hàng chục %.

Tại Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 15-1-2025, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 10% năm 2025. Đây là mục tiêu thể hiện quyết tâm rất lớn của thành phố trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động khó lường trong khi thành phố có độ mở kinh tế lớn.

Phát biểu chỉ đạo mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao không phải duy ý chí mà để có quyết tâm cao, phấn đấu không mệt mỏi để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Sản xuất tại Công ty Nidec trong Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: SHTP

Sản xuất tại Công ty Nidec trong Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: SHTP

Phát huy mọi động lực tăng trưởng

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP mức 10% năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện và đẩy nhanh các việc quan trọng sau: Hoàn thiện các dự án hạ tầng quan trọng như đường cao tốc, đường vành đai và các công trình công cộng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng dịch vụ công; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 87%.

Thành phố cần triển khai nhanh các dự án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực kinh tế, nâng cao năng suất lao động và tăng cường khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nội địa và quốc tế vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như công nghiệp, dịch vụ và hạ tầng.

Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm quỹ đất cho phát triển sản xuất công nghiệp. Ảnh: SHTP

Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm quỹ đất cho phát triển sản xuất công nghiệp. Ảnh: SHTP

Đặc biệt, theo Tiến sĩ Trần Quang Thắng, thành phố Hồ Chí Minh cần chuyển từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa trên đầu tư vào hạ tầng sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng lực cạnh tranh và sáng tạo.

Còn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai thông tin, thành phố đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp để huy động tổng lực các động lực tăng trưởng, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số năm 2025. Trong số này, có 5 vấn đề đáng chú ý.

Cụ thể, thứ nhất, đẩy mạnh đột phá về thể chế, pháp luật để “đột phá của đột phá”, tạo động lực phát triển với tinh thần “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”.

Thứ hai, huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả nguồn lực để đầu tư phát triển. Theo đó, đối với đầu tư công, bảo đảm thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công 84.000 tỷ đồng năm 2025; đối với các doanh nghiệp nhà nước, phát huy tối đa nguồn lực đang nắm giữ, thúc đẩy tăng trưởng, dẫn dắt nền kinh tế.

Thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng: Xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh của 5 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đã triển khai; tập trung nguồn lực thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư của 10 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và văn hóa với danh mục 41 dự án kêu gọi đầu tư.

Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, tăng cường thu hút FDI và khu vực tư nhân trong nước. Về FDI, thúc đẩy thu hút vốn thông qua cả 3 hình thức (dự án mới, đầu tư mở rộng và mua bán, sáp nhập). Về đầu tư tư nhân trong nước, tập trung chuẩn bị về đất đai, quy hoạch, thủ tục để thúc đẩy thực hiện 84 dự án; về đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), chủ động chuẩn bị, thực hiện quy trình thủ tục để thu hút đầu tư đối với 11 khu vực dự kiến thực hiện TOD với tổng diện tích trên 1.107ha.

Thị trường bất động sản cũng là động lực tăng trưởng mà thành phố Hồ Chí Minh chú trọng. Ảnh: Nguyễn Lê

Thị trường bất động sản cũng là động lực tăng trưởng mà thành phố Hồ Chí Minh chú trọng. Ảnh: Nguyễn Lê

Thứ tư, tập trung thực hiện các chương trình, đề án quan trọng, trọng điểm gồm: Đề án Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam; đề án phát triển kết cấu hạ tầng, nghiên cứu dự án đường ven biển; đề án đường sắt đô thị; dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; chương trình phát triển các trung tâm logistics; chương trình phát triển nhà ở thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030…

Thứ năm, đẩy mạnh khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trong đó kinh tế số phấn đấu đạt tỷ trọng 25% GRDP năm 2025. Thứ sáu, kích thích sự phục hồi của thị trường bất động sản. Thứ bảy, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng - du lịch. Thứ tám, tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, thành phố kỳ vọng tăng giá trị các sản phẩm công nghệ cao trong năm 2025. Thứ chín, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới khác thuộc các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)...

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-tong-luc-cac-dong-luc-de-tang-truong-hon-10-nam-2025-693087.html