Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng: Cần có cách tiếp cận hệ thống, toàn diện

Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, các đại biểu cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ cơ chế, chính sách, đến đội ngũ, cơ sở vật chất, và nhất là nâng cao nhận thức.

Sáng 5.12, Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đã họp góp ý về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh trong các cơ sở giáo dục trung học phổ thông. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Tiểu ban, chủ trì phiên họp.

Phiên họp có sự tham dự của các Ủy viên Hội đồng, Ủy viên Tiểu ban Giáo dục phổ thông và các Tiểu ban chuyên môn thuộc Hội đồng; đại diện một số cơ quan, ban, ngành trung ương; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo một số Sở Giáo dục và Đào tạo; các chuyên gia, nhà khoa học...

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Tiểu ban Giáo dục phổ thông, chủ trì phiên họp

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Tiểu ban Giáo dục phổ thông, chủ trì phiên họp

Ngày 14.5.2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” (Quyết định số 522/QĐ-TTg). Đề án nhấn mạnh đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục hướng nghiệp, gắn kết với thực tiễn sản xuất và nhu cầu xã hội, đồng thời thúc đẩy các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào GDNN.

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg, sau 3 năm (2018 - 2020), tỷ lệ nhà trường có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương đối với cấp THCS khoảng 55%, đối với cấp THPT khoảng 60% và đối với cả hai cấp học ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 50% thì tất cả các cấp học đều đạt vượt chỉ tiêu từ 10,61% đến 16,61%.

 Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Nguyễn Xuân Thành báo cáo một số kết quả thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”

Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Nguyễn Xuân Thành báo cáo một số kết quả thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”

Với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ nhà trường có giáo viên kiêm nhiệm đối với cấp THCS khoảng 55%, đối với cấp THPT khoảng 60% và đối với cả hai cấp học ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 50% thì tất cả các cấp học đều đạt vượt chỉ tiêu từ 10,67% đến 19,07%.

Tuy nhiên, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án lại chưa đạt được kết quả như mong muốn. Chỉ có 2 tỉnh là Đắk Nông và Thừa Thiên Huế đạt chỉ tiêu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp (30%). Đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng chỉ có 5 tỉnh (Bắc Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lai Châu, Phú Thọ) đạt được chỉ tiêu của Đề án (25%).

 PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, cho rằng cần sớm xây dựng nghị định về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, cho rằng cần sớm xây dựng nghị định về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng

Với cấp THPT, chỉ có 7 tỉnh (Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Nam Định, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Yên Bái) đạt được chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng (40%); đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chỉ có 3 tỉnh (Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Bình) đạt được chỉ tiêu (30%).

Ngược lại, nhiều tỉnh đạt 2 chỉ tiêu này rất thấp (dưới 2%) như: Hậu Giang, thành phố Hồ Chí Minh; Bạc Liêu, Bình Thuận, Tây Ninh, Thái Nguyên…

Sớm xây dựng nghị định về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng

Tại phiên họp, các đại biểu đã đánh giá về những thành tựu nổi bật, những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân của hạn chế, khó khăn trong công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông 5 năm qua; cơ chế, chính sách cho thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

 Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, cần có chính sách vĩ mô, thay đổi nhận thức về giáo dục hướng nghiệp

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, cần có chính sách vĩ mô, thay đổi nhận thức về giáo dục hướng nghiệp

Theo đó, các đại biểu khẳng định, từ khi Quyết định số 522/QĐ-TTg, công tác hướng nghiệp, phân luồng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo dục hướng nghiệp được lồng ghép thông qua các môn văn hóa, hoạt động trải nghiệm, các dự án học tập.

Phương pháp giáo dục hướng nghiệp theo hướng tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân. Thực hiện phương châm giáo dục phân hóa, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

 Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, không phải vào trường nghề mới là phân luồng, mà phải tính cả số học sinh tham gia học nghề, có kỹ năng, có việc làm

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, không phải vào trường nghề mới là phân luồng, mà phải tính cả số học sinh tham gia học nghề, có kỹ năng, có việc làm

Nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông đã được nâng cao, từ cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, phụ huynh và học sinh. Hầu hết tỉnh/thành phố đều chú trọng chỉ đạo xây dựng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông được tăng cường…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn đánh giá, nhận thức về hướng nghiệp, phân luồng và vai trò, ý nghĩa của nó của nhiều học sinh và cha mẹ học sinh vẫn còn hạn chế. Điều đó thể hiện qua các hiện tượng: cha mẹ ép buộc con em chọn lớp, chọn trường, chọn nghề theo quan điểm, sở thích, mong muốn của mình; phần lớn học sinh tốt nghiệp THCS vẫn tập trung ôn luyện để vào học các trường THPT công lập, sau đó vào đại học, cao đẳng; một số học sinh không học lên THPT, cao đẳng, đại học thì có xu hướng bỏ địa phương đi làm ăn xa chứ không theo học tiếp tại các Trung tâm GDNN-GDTX.

 Theo bà Nguyễn Thị Thu Anh, Tổng Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Victoria, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, giáo dục hướng nghiệp phải bắt đầu từ học sinh, làm cho học sinh nhận ra năng lực thực sự của mình

Theo bà Nguyễn Thị Thu Anh, Tổng Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Victoria, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, giáo dục hướng nghiệp phải bắt đầu từ học sinh, làm cho học sinh nhận ra năng lực thực sự của mình

Nhận thức của người dân, của các doanh nghiệp đặt tại địa phương cũng chưa chú trọng đến hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh nên chưa thực sự ủng hộ, phối hợp với nhà trường trong hoạt động này. Cũng vì thế mà việc triển khai hoạt động giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương vẫn còn khó khăn, kết quả còn khá khiêm tốn so với tiềm năng...

Cần có cách tiếp cận hệ thống, toàn diện

Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, các đại biểu cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ cơ chế, chính sách, đến đội ngũ, cơ sở vật chất, cơ chế đánh giá, giám sát, nhất là nâng cao nhận thức và phối hợp giữa các bên liên quan.

 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình Phạm Thành Công cho rằng, bên cạnh các chính sách chung của Nhà nước, cần có thêm chính sách của địa phương để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình Phạm Thành Công cho rằng, bên cạnh các chính sách chung của Nhà nước, cần có thêm chính sách của địa phương để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng

Trong đó, sớm xây dựng nghị định về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Không nên áp chỉ tiêu cứng mà để các địa phương quyết định căn cứ tình hình thực tiễn. Làm tốt công tác dự báo nhu cầu và định hướng phát triển nghề nghiệp các lĩnh vực. Đặc biệt, giáo dục hướng nghiệp phải phân luồng thực sự theo năng lực của học sinh, để các em thấy được mình cần gì, khả năng của mình đến đâu và làm thế nào để đạt được mục tiêu đặt ra.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Tiểu ban Giáo dục phổ thông, nhấn mạnh, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh là nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Giáo dục hướng nghiệp không tốt có thể gây lãng phí, cả về thời gian, tiền bạc và nguồn nhân lực quốc gia.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, cần có cách tiếp cận hệ thống, toàn diện để có giải pháp hiệu quả hơn đối với công tác này. Trong đó, giáo dục phổ thông vẫn giữ vai trò quan trọng, là kiến thức nền tảng cho giáo dục nghề nghiệp cũng như học tập suốt đời.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc-huong-nghiep-va-dinh-huong-phan-luong-can-co-cach-tiep-can-he-thong-toan-dien-post398405.html