Giáo dục nghề nghiệp phải chuẩn hóa tiêu chuẩn, kỹ năng đào tạo

Mục tiêu năm 2022 phải phát triển thật nhanh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu, chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi của toàn ngành LĐTB&XH là xây dựng thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh và hiện đại.

Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 85,14%

Ngày 18/1/2022, Tổng cục GDNN- Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp năm 2022, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Thông tin về những điểm nhấn trong công tác GDNN của năm 2021, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát trở lại song các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực chuyển đổi số, có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người, đạt 85,14% kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo Tổng cục GDNN chuyển đổi số phải đi nhanh hơn, đi mạnh hơn.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo Tổng cục GDNN chuyển đổi số phải đi nhanh hơn, đi mạnh hơn.

Tổng cục GDNN đã tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách về GDNN, đảm bảo tính động bộ, khả thi, hiện đại và hội nhập quốc tế. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 371 của Thủ tướng Chính phủ, đã chỉ đạo, hướng dẫn 45 trường được lựa chọn triển khai thực hiện công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo thí điểm 22 bộ chương trình chuyển giao từ Cộng hòa liên bang Đức; nghiên cứu nhân rộng đào tạo trong cả nước.

Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, Tổng cục GDNN đã đẩy mạnh đàm phán, trình phê duyệt các dự án sử dụng nguồn vốn phát triển chính thức (ODA), đặc biệt là các dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại. Đến hết năm 2021, Tổng cục GDNN đã triển khai vận động, xây dựng, trình phê duyệt 4 văn kiện dự án; đang tiếp tục trình phê duyệt 3 dự án với tổng nguồn vốn lên đến gần 50 triệu USD cho giai đoạn 2021 – 2025.

GDNN có những thuận lợi như tiếp cận kỹ năng nghề của thế giới, châu Á, Asean nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, một vài địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với GDNN; đội ngũ cán bộ, nhà giáo tâm huyết nhưng trình độ đào tạo chưa đáp ứng công nghệ thay đổi nhanh; việc dạy trực tuyến đối với giáo dục nghề nghiệp có 30% lý thuyết, 70% thời lượng thực hành là rất khó. Trong khi đó, cơ chế đào tạo gắn với DN chưa thực sự rõ nét, cơ chế tự chủ đối với các trường công lập còn khó khăn... Vì thế, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo Tổng cục GDNN khắc phục những tồn tại của năm qua. Bên cạnh đó, quan tâm về thể chế, đề án; xây dựng chương trình phải sát, khả thi; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tiến độ.

Tập trung đào tạo mới và đào tạo lại

2021 là năm vô cùng khó khăn đối với chúng ta, cả thế giới; trong bối cảnh dịch bệnh đó, GDNN đã có nhiều đổi mới, cố gắng, nỗ lực và đạt được kết quả đáng khích lệ. Vì thế, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung biểu dương Tổng cục GDNN đã quan tâm đến thể chế, có sự tham mưu để ban hành chiến lược chuyển đổi số của ngành.

Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên năm 2021, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 85,14%.

Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên năm 2021, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 85,14%.

Dù dịch Covid-19 tác động mạnh nhưng GDNN đã chuyển hướng mạnh sang phương thức đào tạo trực tuyến, đào tạo gắn với DN; giảm tải đào tạo lý thuyết, tăng thực hành. Đặc biệt, một trong những thành công là kết nối DN tương đối tốt, có những trường ký với 70 – 80 DN...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thẳng thắn chỉ ra vị thế của GDNN trong xã hội còn thấp; chất lượng đào tạo nhân lực còn thấp. Phân luồng đào tạo mới ở bước đầu; kết nối với DN có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của Bộ trưởng, xã hội và thị trường. Hiện mới chỉ có các trường chất lượng cao thực hiện đổi mới phương thức đào tạo.

Người đứng đầu ngành LĐTB&XH đề nghị năm nay GDNN tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo; tập trung vào 2 đối tượng là đào tạo mới và đào tạo lại. Chúng ta phải suy nghĩ tới một lúc nào đó GDNN đạt mục tiêu đào tạo được 20 triệu người/năm. Tiến tới, DN phải là một nhà trường thực sự, DN dẫn dắt đào tạo lại. DN phải trả tiền cho nhà trường đào tạo lại, đào tạo theo thị trường. “Tổng cục GDNN rất chú ý đến chuẩn hóa ngay tiêu chuẩn, kỹ năng đánh giá và đào tạo theo chuẩn quốc tế. Giáo trình đào tạo chính quy được lấy theo tiêu chuẩn 69 bộ đề thế giới và 30 bộ đề Asean” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo.

Trong năm 2022, Bộ LĐTB&XH sẽ chuyển thực hiện chuyển đổi số 5 nội dung là dự báo cung cầu; cơ sở dữ liệu; bảo hiểm thất nghiệp; GDNN; cơ sở dữ liệu về quản lý thị trường lao động. Vì thế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo Tổng cục GDNN chuyển đổi số phải đi nhanh hơn, đi mạnh hơn; GDNN sẽ là bước đầu tấn công cho chuyển đổi số năm nay, phải hình thành các cơ sở dữ liệu một cách rất bài bản để điều hành toàn bộ hoạt động. GDNN cũng phải tăng cường quản lý cơ sở vật chất, tài sản, tài chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chủ động phòng ngừa.

Trần Oanh -

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giao-duc-nghe-nghiep-phai-chuan-hoa-tieu-chuan-ky-nang-dao-tao.html