Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng

Hiến mô tạng cứu người là nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần từ bi, hỉ xả của đạo Phật. Hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 365 phật tử đã đăng ký hiến mô, tạng tại lễ phát động

Sáng 25-6, tại chùa Quán Sứ (TP Hà Nội), Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết phối hợp tuyên truyền vận động đăng ký hiến mô tạng "Cho đi là còn mãi" và khởi động đăng ký hiến mô, tạng tại các cơ sở tôn giáo trên toàn quốc.

Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết phối hợp tuyên truyền vận động đăng ký hiến mô tạng

Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết phối hợp tuyên truyền vận động đăng ký hiến mô tạng

Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 19-5 vừa qua.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhấn mạnh hiến mô tạng cứu người là hành động thể hiện tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo, đồng thời là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử, và đồng bào hãy chung tay góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận người đầy ý nghĩa và cao cả này. Hiến mô, tạng là hành động thiết thực để thể hiện tình yêu thương nhân loại, sự sẻ chia, và lòng vị tha của mỗi chúng ta.

Trong thực hành đạo Phật, hiến mô, tạng là cơ hội sau cùng khi có thể để mỗi người thực hành hạnh bố thí mang lại quả lành vô lượng cho người hiến tạng.

Khi đăng ký hiến tặng mô, tạng là chúng ta đã buông bỏ sự chấp thủ vào thân xác, thể hiện xác quyết giáo lý vô ngã, vô thường của Phật giáo. Theo lời Phật dạy, người hiến tặng mô, tạng sẽ được hưởng phước báo vô biên, công đức vô lượng.

Một phật tử đăng ký hiến mô tạng sau khi chết; chết não

Một phật tử đăng ký hiến mô tạng sau khi chết; chết não

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ là nhịp cầu yêu thương để lan tỏa thông điệp nhân ái, khuyến khích phật tử và người dân tham gia hiến tặng mô tạng. Đây là một sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống văn hóa, đạo đức và tinh thần từ bi của Phật giáo với khoa học y học hiện đại, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

"Hãy mở lòng đối với việc hiến tặng mô, tạng. Hãy nghĩ đến những bệnh nhân đang từng phút, từng giờ chờ đợi trong tuyệt vọng, hãy nghĩ đến những gia đình đang mong ngóng một phép màu. Chúng ta có thể trở thành những người mang lại phép màu đó, có thể trở thành những người cứu sống mạng người"- ông Thuấn nói.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kêu gọi tăng ni, phật tử và đồng bào góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng

Cũng tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã có bài thuyết pháp về lợi ích của việc hiến mô, tạng cứu người trong giáo pháp của Đức Phật và kêu gọi các phật tử cùng đăng ký hiến mô tạng.

Ngay tại lễ phát động, đã có 365 tăng ni, phật tử, người dân đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết; chết não.

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, bày tỏ đây là lần đầu tiên Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết phối hợp tuyên truyền vận động đăng ký hiến mô tạng - một hoạt động có ý nghĩa nhân văn theo lời Phật dạy.

Theo bà Tiến, ghép tạng là cứu cánh cuối cùng để dành lại sự sống cho những bệnh nhân mà không có lựa chọn nào khác và thực tế tại Việt Nam và trên thế giới hiện đang có nhiều người đang khắc khoải hàng giờ, hàng ngày chờ được ghép tạng để giành lại sự sống.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-keu-goi-dang-ky-hien-mo-tang-196240625141953417.htm