'Giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Đền Bảo Hà năm 2024': Hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt

Trong khuôn khổ Lễ hội Đền Bảo Hà năm 2024, ngày 25/8 Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển phối hợp cùng Ban Quản lý Di tích và Phát triển Du lịch huyện Bảo Yên tổ chức Chương trình 'Giao lưu thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Đền Bảo Hà năm 2024'.

Các hoạt động diễn ra trong chương trình giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Các hoạt động diễn ra trong chương trình giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Chương trình nhằm góp phần tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa tín ngưỡng độc đáo của dân tộc, ghi nhận công sức đóng góp của đội ngũ các “báu vật nhân văn sống” đối với di sản mang tầm nhân loại của người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là một trong những nét văn hóa đặc sắc, giàu giá trị nhân văn, kết hợp hài hòa nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, tạo nên bức tranh đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển có sự hiện diện của Ths. Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển; nhà báo Nguyễn Danh Hòa, Phó Viện trưởng, Tổng Thư ký Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển… Chính quyền huyện Bảo Yên có ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Đền Bảo Hà; ông Lê Cường Mạnh, Phó Trưởng ban Quản lý Di tích và Phát triển Du lịch huyện....

Đền Bảo Hà là Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng vào tháng 11/1997, thuộc địa phận xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 60km về hướng Nam, cách Hà Nội khoảng 220km về phía Tây Bắc. Đây là nơi thờ tự “thần vệ quốc” Nguyễn Hoàng Bẩy - một vị anh hùng miền sơn cước, đánh giặc phương Bắc, bảo vệ bờ cõi biên cương Tổ quốc.

Sự kiện giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Đền Bảo Hà năm 2024 với sự góp mặt của hơn 15 gương mặt nghệ nhân, thanh đồng tiêu biểu đến từ các tỉnh thành trong cả nước cùng các nghệ nhân cung văn, tứ trụ hầu dâng, đội múa sinh tiền... là dịp giao lưu, trao đổi giữa các đại diện cho cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong điều kiện phát triển xã hội hiện nay.

Đồng thời hoạt động văn hóa tín ngưỡng này cũng góp phần đem đến cho quần chúng nhân dân một cái nhìn đúng đắn, sâu sắc hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu, đẩy lùi những quan điểm lệch lạc, mê tín dị đoan, cũng như quảng bá giá trị văn hóa, du lịch tâm linh của quần thể di tích lịch sử quốc gia Đền Bảo Hà đến với du khách trong nước và quốc tế.

ThS. Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển phát biểu tại lễ khai mạc.

ThS. Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển phát biểu tại lễ khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Ths. Nguyễn Thị Hoa nhấn mạnh: “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong văn hóa Việt Nam là một di sản chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, mang trong mình những nét văn hóa độc đáo và sinh động. Tín ngưỡng này không chỉ là một hình thức thờ cúng các vị Thánh mẫu: Liễu Hạnh, cai quản miền trời, rừng, nước, mà còn là biểu tượng tôn vinh người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam”.

Ông Nguyễn Anh Dũng cùng Ths. Nguyễn Thị Hoa trao Giấy chứng nhận và hoa cho nghệ nhân ưu tú Hoàng Lương Nguyên

Ông Nguyễn Anh Dũng cùng Ths. Nguyễn Thị Hoa trao Giấy chứng nhận và hoa cho nghệ nhân ưu tú Hoàng Lương Nguyên

Để chương trình giao lưu thực hành tín ngưỡng diễn ra đạt kết quả tốt, Ths. Nguyễn Thị Hoa kêu gọi tất cả các đại biểu, nghệ nhân tham gia sự kiện cần tuân thủ nghiêm ngặt Luật Bảo vệ di sản, Luật Tín ngưỡng và tôn giáo, để đảm bảo không có bất kỳ hành vi lợi dụng sự kiện này cho các hoạt động mê tín dị đoan. Đồng thời gửi lời chúc sức khỏe và thành công, và mong muốn chương trình sẽ góp phần nâng cao nhận thức về di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chương trình “Giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Đền Bảo Hà năm 2024” bắt đầu từ ngày 25/8 và sẽ kết thúc vào ngày 26/8/2024.

Năm 2016, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tổ chức UNESCO đánh giá di di sản văn hóa phi vật thể này của người Việt đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo.

Đình Trung

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/giao-luu-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-den-bao-ha-nam-2024-hoat-dong-gop-phan-bao-ton-va-phat-huy-di-san-van-hoa-viet-a26370.html