Giao lưu trực tuyến về Luật BHYT sửa đổi: Vững tin vào trụ cột an sinh xã hội
Những điểm mới của Luật BHYT sẽ được các chuyên gia giải đáp tại chương trình giao lưu trực tuyến của Báo Người Lao Động lúc 9 giờ, sáng 10-7
Sáng mai (10-7), Báo Người Lao Động phối hợp với Bảo Hiểm xã hội (BHXH) Khu vực XXVII tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: "BHYT - Bảo vệ sức khỏe, vững bước tương lai".

Sự kiện nhằm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc và nâng cao nhận thức cộng đồng về những điểm mới trong Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Chương trình không chỉ cập nhật chính sách mà còn góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của BHYT - một trụ cột an sinh vững chắc trong đời sống hiện đại, từ đó yên tâm lao động, học tập và kiến tạo một tương lai ổn định, hạnh phúc.

Tham gia chương trình có các khách mời đến từ BHXH Khu vực XXVII, gồm:
Bà Nguyễn Hoàng Lan Anh - Phó Giám đốc
Bà Trương Thanh Phương - Phó Phòng Chế độ BHXH
Bà Phạm Thị Bích Vân - Trưởng Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia
Ông Trương Minh Hoàng - Phó Phòng Chế độ BHYT
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Phó Phòng Quản lý thu và Phát triển người tham gia
Chương trình xoay quanh 4 nhóm nội dung trọng tâm:
Quyền lợi và mức hưởng BHYT: Thanh toán chi phí khám chữa bệnh từ xa; mở rộng quyền lợi mới; mức hưởng khi khám trái tuyến; chi trả 100% chi phí điều trị cho bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm; quyền lợi khi tham gia đủ 5 năm liên tục; phục hồi chức năng tại nhà; giảm trừ hộ gia đình; thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu…
Đối tượng và mức đóng BHYT: Nhóm bắt buộc mới; mức đóng tối đa; phương thức đóng cho doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế; cập nhật quyền lợi cho người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng tuất…

Thủ tục và khám chữa bệnh BHYT: Quy trình đăng ký thẻ BHYT điện tử; sử dụng căn cước công dân thay thẻ BHYT; xác định nơi cư trú; chuyển tuyến điều trị…
Các quy định khác: Tích hợp VssID, VNeID; phục hồi tài khoản; phạm vi chi trả của quỹ BHYT; xử phạt hành chính; trách nhiệm của doanh nghiệp; lưu ý cho người lao động khi thay đổi nơi làm việc…
Chương trình sẽ diễn ra vào 9 giờ, ngày 10-7-2025, tại Hội trường lầu 2, Báo Người Lao Động (127 Võ Văn Tần, phường Xuân Hòa, TP HCM). Nội dung được tường thuật trực tiếp trên báo điện tử, báo giấy và một số nền tảng mạng xã hội của Báo Người Lao Động.
Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi, chia sẻ ý kiến và tương tác trực tiếp trong suốt thời gian diễn ra chương trình ở form đặt câu hỏi dưới bài viết.
Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT
* Bạn đọc Nguyễn Tuấn, hỏi : Từ ngày 1-1-2025, người dân được hưởng những quyền lợi khám chữa bệnh BHYT mới nào theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT?

- Bà Nguyễn Hoàng Lan Anh - Phó Giám đốc BHXH Khu vực XXVII, trả lời: Được BHYT chi trả khi Khám, chữa bệnh từ xa, Khám, chữa bệnh y học gia đình, Khám, chữa bệnh tại nhà. Mở rộng một số trường hợp người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.
Người tham gia BHYT thuộc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu và được BHYT thanh toán 100% khi có kết quả chẩn đoán xác định người bệnh mắc bệnh thuộc 62 nhóm bệnh trong phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư.
Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh cho một số đối tượng: Người từ đủ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; Người dân tộc thiểu số thuộc HGĐ cận nghèo đang cư trú tại xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Người đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng theo quy định của PL có liên quan; Người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.
* Anh Trần Quang, hỏi: Quy định mới về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa cho người có thẻ BHYT được áp dụng như thế nào?
- Bà Nguyễn Hoàng Lan Anh - Phó Giám đốc BHXH Khu vực XXVII, trả lời: Từ ngày 1-7-2025, theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024, khám chữa bệnh từ xa và khám chữa bệnh tại nhà, khám chữa bệnh y học gia đình sẽ được Quỹ BHYT chi trả, mở rộng quyền lợi cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người khuyết tật, người sống tại vùng sâu vùng xa.

Thủ tục đăng ký BHYT
* Bạn đọc Lương Vũ Anh (ngụ phường Linh Xuân, TP HCM) hỏi: Thủ tục đăng ký và nhận thẻ BHYT điện tử được cải cách như thế nào để tạo thuận lợi cho người dân?
- Bà Trương Thanh Phương - Phó Phòng Chế độ BHXH, trả lời: Năm 2025, thủ tục đăng ký và nhận thẻ BHYT điện tử được cải cách theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân bằng việc ngừng cấp thẻ BHYT giấy và thay thế bằng các phương thức điện tử như ứng dụng VssID, VNeID hoặc sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip khi đi khám, chữa bệnh. Trừ một số trường hợp người tham gia BHYT không sử dụng điện thoại thông minh.
* Chị Nguyễn Hoa (phường Bình Thới) hỏi: Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, quỹ BHYT thanh toán như thế nào?

- Ông Trương Minh Hoàng – Phó phòng Chế độ BHYT, trả lời: Người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi được hưởng (nếu có) theo quy định tại Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế. Phần chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với mức thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Người tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục (gián đoạn không quá 90 ngày) và có tổng số tiền cùng chi trả trong năm vượt quá 6 lần mức tham chiếu, thì được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT trong quy định.
Làm gì để hưởng quyền lợi BHYT nhanh nhất
*Bạn đọc Tố Trân (ngụ phường Xuân Hòa, TP HCM) hỏi: Người dân cần làm gì để được xác định nơi cư trú và hưởng các quyền lợi BHYT mới một cách nhanh chóng?

Bà Trương Thanh Phương - Phó Phòng Chế độ BHXH, trả lời: Chỉ cần kê khai tạm trú, lưu trú đúng quy định và có căn cước công dân, người dân có thể nhanh chóng được xác định nơi cư trú, nhận thẻ BHYT điện tử. Đây là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính.
Thêm các nhóm tham gia BHYT từ 1-7
* Chị Minh Thanh (TP HCM) hỏi: Luật BHYT sửa đổi năm 2024 đã bổ sung những đối tượng nào vào danh sách tham gia BHYT bắt buộc?

- Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Phòng Quản lý thu và Phát triển người tham gia: từ 1-7-2025, theo Luật BHYT sửa đổi năm 2024 (số 51/2024/QH15), thêm các nhóm đối tượng bổ sung vào nhóm tham gia BHYT bắt buộc. Cụ thể:
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có ĐKKD;
- Người quản lý doanh nghiệp, thành viên HĐQT, TGĐ, GĐ, thành viên Ban kiểm soát, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp HTX… không hưởng tiền lương;
- NLĐ làm việc không trọn thời gian; HĐLĐ thỏa thuận bằng tên gọi khác… nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
- Dân quân thường trực; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
- Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đang tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, HĐ làm việc, mà hai bên có thỏa thuận về việc đóng BHXH bắt buộc trong thời gian này.
- Người từ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và người từ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo, hưởng trợ cấp tuất cũng thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT
- Nhân viên y tế cấp cơ sở như y tế thôn bản, cô đỡ bản…
- Những người trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cấp cơ sở (tổ dân phố, thôn…)
- Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng và công an (không thuộc nhóm trước đó) được bổ sung vào diện này.
* Bà Cao Hương Huyền (phường Thông Tây Hội, TP HCM), hỏi: Luật BHYT sửa đổi có những quy định mới nào nhằm giải quyết các vướng mắc tồn tại sau 15 năm thực hiện?

- Bà Phạm Thị Bích Vân - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia
-Bổ sung các đối tượng đã được Luật khác quy định, bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố
-Bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế và quy định cơ chế để quỹ BHYT thanh toán.
-Xóa bỏ địa giới hành chính, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở KCB BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi đi KCB nội trú tại cơ sở KCB BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc.
-Chuyển cơ sở KCB được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB, việc chuyển người bệnh về cơ sở KCB BHYT ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính.
-Một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

-Luật đã mở rộng phạm vi hưởng BHYT với hình thức KCB từ xa; hỗ trợ KCB từ xa; KCB y học gia đình; KCB tại nhà để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
-Thông tư 37/2024/TT-BYT của Bộ Y tế. Cụ thể, bãi bỏ các cột phân hạng bệnh viện sử dụng thuốc; ghi chú về quy định tỷ lệ thanh toán, điều kiện thanh toán của thuốc… Điều này có nghĩa là các cơ sở KCB được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện, hay cấp chuyên môn kỹ thuật.
Quy định về người tham gia BHYT
* Bạn đọc Ngọc Hải, hỏi: Quy định về việc tham gia BHYT của người từ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng tuất hàng tháng có gì mới?
- Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Phòng Quản lý thu và Phát triển người tham gia: từ 1-7-2025, người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo, nếu không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Người tham gia BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu
* Bạn đọc Nguyễn Thị Thảo (phường Bình Tây) hỏi: Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, quỹ BHYT thanh toán như thế nào?

- Ông Trương Minh Hoàng – Phó phòng Chế độ BHYT, trả lời: Người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi được hưởng (nếu có) theo quy định tại Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế. Phần chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với mức thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

* Anh Minh (ngụ tỉnh Đồng Nai) hỏi: Việc cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID và VNeID có vai trò quan trọng như thế nào trong việc đảm bảo quyền lợi BHYT?
- Bà Trương Thanh Phương - Phó Phòng Chế độ BHXH, trả lời: VssID và VNeID hiện nay được sử dụng như thẻ BHYT điện tử, có giá trị pháp lý tương đương với thẻ giấy khi đi khám chữa bệnh. Người dân chỉ cần xuất trình mã QR hoặc thông tin BHYT trên ứng dụng, không phải lo quên/mất thẻ BHYT giấy như trước.
Việc không cập nhật kịp thời các thay đổi về nhân thân, nơi làm việc, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu (KCB), mã số bảo hiểm xã hội (BHXH)... trên các ứng dụng này có thể dẫn đến những rủi ro như: Người dân không tra cứu được thẻ hợp lệ khi đi khám; Bị từ chối thanh toán BHYT do dữ liệu không khớp; Gián đoạn quyền lợi; Cập nhật kịp thời giúp đảm bảo người dân luôn được xác định đúng đối tượng và mức hưởng BHYT; Tránh mạo danh, trục lợi BHYT; Tăng cường khả năng tự tra cứu và bảo vệ quyền lợi lâu dài; Đảm bảo tính liên thông và hiệu quả trong khám chữa bệnh.
* Bạn đọc Võ Lệ (ngụ phường Tân Hưng, quận 7) hỏi: Có thể liệt kê các nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT không?

- Bà Nguyễn Hoàng Lan Anh - Phó Giám đốc BHXH Khu vực XXVII, trả lời: Hiện nay có các nhóm sau sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đống, bao gồm:
- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;
- Học sinh, sinh viên;
- Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
- Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật;
- Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản;
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật;
- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ;
- Người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa;
- Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
Thời hạn thay đổi cơ sở đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu
* Bạn đọc Thùy Trương (Đồng Nai): Quy định về thời hạn thay đổi cơ sở đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu theo Luật BHYT sửa đổi 2024?

- Ông Trương Minh Hoàng – Phó phòng Chế độ BHYT, trả lời: Người tham gia BHYT được đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu theo danh sách cơ sở khám chữa bệnh nhận đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu được cơ quan BHXH thông báo hằng quý tại trang thông tin điện tử https://tphcm.baohiemxahoi.gov.vn/. Người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu vào 15 ngày đầu của tháng đầu quý.
Mở rộng một số quyền lợi cho người tham gia
*Bạn đọc Khánh Huyền hỏi: Từ 1-7-2025 Luật BHYT 2024 mở rộng thêm một số quyền lợi cho người tham gia?

-Bà Nguyễn Hoàng Lan Anh - Phó Giám đốc BHXH Khu vực XXVII, trả lời:
Cơ sở KCB được cơ quan bảo hiểm xã hội tạm ứng một lần bằng 90% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời điều trị lác và tật khúc xạ của mắt đối với người dưới 18 tuổi .
Người dân có thể được khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà (theo danh mục của BYT).
Đối với những người mắc bệnh dài ngày nhưng ổn định (các bệnh theo danh mục của BYT) có thể được cấp thuốc tối đa 90 ngày.
Thẻ BHYT được quy định như thế nào trong Luật BHYT 2024?
*Bà Trần Thị Vinh (55 tuổi, tỉnh Vĩnh Long) hỏi quy định về thẻ BHYT được quy định như thế nào trong Luật BHYT 2024:

- Bà Phạm Thị Bích Vân - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia, trả lời:
Thẻ bảo hiểm y tế được cấp bằng bản điện tử, bản giấy và có giá trị pháp lý như nhau.
Mỗi người chỉ được cấp một mã số bảo hiểm y tế.
Người tham gia BHYT theo HGĐ lần đầu tiên tham gia hoặc đã tham gia BHYT nhưng không liên tục từ 90 ngày trở lên thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng đủ tiền vào quỹ BHYT.
Mức đóng BHYT tối đa
*Bạn đọc Thanh Loan: Mức đóng BHYT tối đa theo quy định mới là bao nhiêu phần trăm mức tham chiếu và mức đóng hiện tại là bao nhiêu?

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Phòng Quản lý thu và Phát triển người tham gia, trả lời: Mức đóng BHYT tối đa là 6% của tiền lương, trợ cấp hoặc mức tham chiếu, tùy nhóm đối tượng.
Từ 1-7 mức đóng vẫn giữ nguyên là 4,5% tiền lương, trợ cấp hoặc mức tham chiếu, tùy nhóm đối tượng. Việc điều chỉnh mức đóng (nếu có) sẽ do Chính phủ ban hành bằng nghị định cụ thể. Theo đó, mức tham chiếu sẽ được Chính phủ quy định nhưng không thấp hơn mức lương cơ sở hiện hành (2.340.000 VNĐ/tháng).
Gửi câu hỏi Phỏng vấn trực tuyến
Gửi câu hỏi Phỏng vấn trực tuyến
Họ và tên
Nội dung
Gửi